Nghị quyết số 05 -NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khoá X) đã chỉ rõ là: Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức và cán bộ; trước mắt, tập trung kiện toàn ban tổ chức cấp ủy các cấp; xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn trong công tác tham mưu về xây dựng đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành; đề cao trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức và cán bộ. Tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức và cán bộ.
Thực hiện nghị quyết trên của Tỉnh ủy, thời gian qua đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của tỉnh Bình Thuận có những chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng của tỉnh biết kế thừa và phát huy truyền thống lớp cán bộ đi trước; thường xuyên được chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn; từng bước nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho các cấp ủy, góp phần tạo chuyển biến tích cực công tác tổ chức xây dựng đảng nói riêng, công tác xây dựng đảng nói chung :
- Hầu hết đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống giản dị, tinh thần trách nhiệm cao; tận tụy, trung thực, công tâm, khách quan trong công tác; động cơ làm việc đúng đắn, có chính kiến rõ ràng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải, biết lắng nghe cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên.
- Phát huy tính chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao; tích cực chịu khó nghiên cứu, nắm bắt và vận dụng các quan điểm của Đảng, của cấp trên liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác kịp thời tham mưu, đề xuất cho cấp ủy những biện pháp chỉ đạo sát hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Phong cách, lề lối làm việc sâu sát, cụ thể, tỷ mỷ, chặt chẽ và hướng mạnh về cơ sở, quan tâm giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
- Đa số cán bộ lãnh đạo đều đã kinh qua công tác lãnh đạo ở cơ sở, am hiểu tình hình cơ sở; nắm bắt kịp thời tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để tham mưu, đề xuất ban thường vụ, thường trực cấp ủy chỉ đạo thực hiện. Đa số được đào tạo về lý luận chính trị, có kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng đảng; chịu khó nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực công tác.
Tuy nhiên, trước tình hình mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng của tỉnh Bình Thuận cũng còn những hạn chế, bất cập về trình độ, năng lực công tác so với yêu cầu nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng đảng:
- Vẫn còn một số cán bộ nắm không chắc chủ trương, nghị quyết, quy định của cấp trên trong lĩnh vực công tác được phân công; chậm đổi mới nội dung, phương pháp công tác; chưa chịu khó học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ nhận thức, năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp công tác tổ chức xây dựng đảng chưa cao. Khả năng nắm bắt, phân tích, đánh giá các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn để tham mưu, đề xuất còn hạn chế.
- Phong cách, lề lối làm việc chậm đổi mới, vẫn chưa sát cơ sở, chưa sát thực tiễn; khả năng tư duy, làm việc độc lập chưa cao, chưa toàn diện, thiếu chiều sâu, thiếu thận trọng, chặt chẽ làm hạn chế chất lượng, hiệu quả công tác.
- Đội ngũ cán bộ ban tổ chức các cấp ủy trực thuộc được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau; số cán bộ được đào tạo chuyên sâu về công tác tổ chức xây dựng đảng, các chuyên ngành gần với lĩnh vực công tác xây dựng đảng còn rất ít. Kiến thức về xây dựng đảng nói chung, về công tác tổ chức xây dựng đảng nói riêng và các kiến thức bổ trợ khác còn hạn chế; một số chuyên viên làm việc trong thời gian dài nhưng chưa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ. Tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu cán bộ còn diễn ra ở nhiều ban tổ chức cấp ủy trực thuộc.
Nguyên nhân của những khuyết điểm hạn chế nêu trên, theo tôi có nhiều nhưng có những nguyên nhân cơ bản sau:
- Một số cấp ủy, lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy trực thuộc tỉnh chưa thật sự xem việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng đúng với vị trí, tầm quan trọng của công tác này trong công tác cán bộ và trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng.
- Chưa có tiêu chuẩn cụ thể để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng; có nơi trong thời gian dài thiếu quan tâm củng cố, kiện toàn cán bộ lãnh đạo và chuyên viên làm công tác tổ chức xây dựng đảng; chưa kiên quyết thay thế, bố trí lại những người năng lực còn hạn chế, bố trí chưa đúng với năng lực, sở trường thậm chí không đúng quy định của Đảng, thường xuyên biến động.
- Việc tuyển dụng, tuyển chọn, bố trí công chức làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, vì những lý do khác nhau có lúc, có nơi chuyên môn đào tạo chưa phù hợp, không gắn với vị trí việc làm.
- Bản thân một số cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng nhận thức chưa đúng mức vai trò của công tác tổ chức xây dựng đảng; thiếu ý chí phấn đấu để vươn lên để đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác đảm nhận; chưa chịu khó học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức và năng lực công tác.
Từ thực tế trên, theo chúng tôi trong thời gian đến cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
a). Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cụ thể đối với cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng. Ban Tổ chức Trung ương Đảng sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng, trên cơ sở đó, từng cấp ủy cụ thể hoá các tiêu chuẩn đó vào tình hình thực tế của địa phương làm cơ sở để đánh giá, tuyển chọn, bố trí cán bộ, nhằm để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức.
b). Tuyển chọn cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng phải hết sức coi trọng chuyên môn đào tạo. Ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn chung, yêu cầu tuyển dụng công chức làm công tác tổ chức phải có chuyên môn gần với vị trí công tác (tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học xã hội- nhân văn: Triết học, kinh tế, chính trị học, xã hội học, luật học, hành chính học, tâm lý học, nhận dạng học, quản trị nhân sự…); tiến tới phải xây dựng và thực hiện việc tuyển dụng theo vị trí việc làm ở từng cấp.
c). Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, cần quan tâm đặc biệt quy hoạch cán bộ làm công tác tổ chức ở từng cấp; đảm bảo tính kế thừa, chuyển tiếp giữ các thế hệ cán bộ; trên cơ sở quy hoạch thực hiện đào tạo cán bộ và phải thực hiện luân chuyển để đào tạo qua thực tiễn trước khi bố trí vào chức danh quy hoạch.
d). Thật sự coi trọng và làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng cả về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực công tác. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác tổ chức xây dựng đảng, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức là việc làm rất quan trọng. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tổ chức theo tôi:
- Phải nhận thức đúng đắn và nỗ lực thực hiện công tác đào tạo nguồn đội ngũ công chức làm công tác tổ chức xây dựng đảng. Công tác tổ chức xây dựng đảng là một khoa học và cũng là một nghề, người làm công tác tổ chức phải có nghề, có tri thức và kỹ năng lao động qua đào tạo chuyên môn và hoạt động thực tiễn, dó đó cần phải được đào tạo một cách thống nhất, chính quy, có hệ thống. Thực tế cái “nghề” mà cán bộ có được phần lớn là do làm việc, tự nghiên cứu học tập, tích luỹ kinh nghiệm trở thành nghề chứ việc đào tạo để trở thành nghề thì vô cùng ít(*) .
- Thực hiện nghiêm túc yêu cầu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc hàng năm theo quy định tại Nghị định số 18/NĐ-CP đối với cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng. Ban Tổ chức Trung ương Đảng chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành dọc, bảo đảm cán bộ tổ chức được đào tạo, cập nhật kiến thức, đáp ứng yêu cầu của Ngành, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tổ chức.
- Nắm vững những đặc điểm về nghề nghiệp (với tư cách như một khoa học) và tính chất công việc, yêu cầu tiêu chuẩn của cán bộ tổ chức để xác định yêu cầu về kiến thức, hiểu biết, phương pháp công tác cần có đối với các chức danh, trên cơ sở đó xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Xây dựng giáo trình chuẩn về công tác tổ chức xây dựng đảng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn, thiết kế những chuyên đề chuyên sâu theo từng mảng công tác: cán bộ, bảo vệ nội bộ...; ngoài ra, trang bị phương pháp đánh giá, kỹ năng tổ chức, thiết kế, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tổ chức.
- Nghiên cứu thành lập khoa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng đảng, trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành, theo đó phân cấp việc bồi dưỡng các đối tượng sao cho hiệu quả. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy về công tác tổ chức xây dựng đảng ở các cơ sở đào tạo; phát huy vai trò đội ngũ giảng viên kiêm chức, nhất là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp giảng dạy tốt.
đ). Ban Tổ chức cấp ủy các cấp phải thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, có biện pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế đã đề ra; xây dựng, thực hiện các quy chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận liên quan để thực hiện tốt những nội dung của công tác tổ chức xây dựng đảng.
e). Cấp ủy phải đảm bảo các điền kiện vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho ban tổ chức các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ban tổ chức các cấp.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ nói chung. Khi và chỉ khi chất lượng đội ngũ làm công tác tham mưu này được nâng cao thì công tác xây dựng đảng nói chung, xây dựng đảng về tổ chức và cán bộ nói riêng sẽ đạt được kết quả như mong đợi./.
* Toàn tỉnh có 04 đồng chí đi học cử nhân tổ chức tại Học viện trung tâm, hiện chỉ có 1 đồng chí làm nghề tổ chức là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tánh Linh.