KẾT QUẢ THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Bình đẳng giới có vai trò hết sức to lớn không chỉ thể hiện trong đời sống gia đình mà cả trong đời sống xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giữa nữ và nam. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, đảm bảo bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ khẳng định vị thế, khả năng đóng góp của mình trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo của tỉnh

Nguyên tắc bình đẳng giới đã được khẳng định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 và được đề cập  trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 với tinh thần là“công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và gia đình...”. Luật Bình đẳng giới quy định:… Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đề ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, trong đó chỉ rõ “Tăng cường tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”.

Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác phụ nữ đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt từ 35%  đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỉ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị  đã ghi rõ: Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15% trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền các cấp. Đồng thời, thực hiện chủ trương: đối với cấp huyện và tương đương trở lên nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo (ban thường vụ cấp ủy, thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quận, huyện; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; bộ, ngành Trung ương...)”. Mới đây Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng quy định tỷ lệ cấp ủy viên là nữ không dưới 15%.

     Như vậy, có thể thấy rằng Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến bình đẳng giới mà trọng tâm và trước hết là bình đẳng trong công tác cán bộ giữa nam và nữ.

Hình minh họa
Hình minh họa

     Thực hiện Nghị quyết 11 của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt công tác cán bộ nữ, các biện pháp, chính sách trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ như: Tăng cường công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên, phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 35- 40% đảng viên mới là nữ, nâng tổng số đảng viên là nữ của toàn Đảng bộ lên trên 35% vào năm 2020. Nâng tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch lãnh đạo các cấp, các ngành và từng địa phương gắn với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ nhằm chủ động về nhân sự khi có nhu cầu bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, công chức nữ tham gia các khóa đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước tại trường chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở địa phương. Mục tiêu phấn đấu là “nhiệm kỳ 2010-2015 (đối với cấp ủy) và 2011-2016 (HĐND các cấp ) có cơ cấu cán bộ nữ bảo đảm tỷ lệ theo qui định của Trung ương, cụ thể: cán bộ nữ tham gia các cấp uỷ phải có trên 15%; có từ 1- 2 nữ là đại biểu Quốc hội; HĐND các cấp từ 20- 25%; hầu hết cơ quan, đơn vị đều có cán bộ lãnh đạo là nữ. Nhiệm kỳ 2016- 2020 tỷ lệ nữ trong các cấp uỷ từ 25% trở lên, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp từ 30-35% và sau năm 2020 chiếm từ 35% - 40%; các cơ quan của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh có cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ”

     Một số kết quả thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay:

     Toàn tỉnh kết nạp được 2.357 đảng viên nữ, chiếm tỷ lệ 45,34%; . Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, cán bộ nữ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (chiếm 15,73%), số Tỉnh ủy viên hiện tại là nữ có 7/53 đồng chí, đạt 13,20%; cán bộ nữ được quy hoạch vào cấp ủy cấp huyện chiếm 17,39%, số cấp uỷ viên nữ chiếm 11,17%. Có 22 cán bộ nữ được quy hoạch vào chức danh cấp trưởng (chiếm 20,75%) và 58 cán bộ nữ  được quy hoạch chức danh cấp phó (chiếm 23,11%) các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, tỷ lệ Đại biểu HĐND là nữ ở cấp xã đạt 23,77%; cấp huyện đạt 20,11% và cấp tỉnh 19,23% (quy định 20 - 25%)

Trong tổng số cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện nay, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ  khoảng 10,73 %. Trong tổng số cán bộ được bổ nhiệm thì cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ gần 13%; có 12 cán bộ tham gia ban thường vụ và thường trực HĐND, UBND cấp huyện, trong đó, có 2 là cán bộ chủ chốt (phó bí thư cấp ủy). Tuy chưa tính về cơ cấu lao động nữ trong các cơ quan, đơn vị, nhưng qua tổng hợp có 32/60 cơ quan, đơn vị có cán bộ nữ là lãnh đạo, đạt tỷ lệ 53,3%.

     Từ năm 2011 đến 8/2014, cán bộ nữ được tỉnh cử đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị (hệ tập trung) chiếm 18,09% và cử đi học cao cấp lý luận chính trị (hệ tại chức) tại tỉnh chiếm 30,23%. Cán bộ nữ cử đi học các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh chiếm 34,57% trên tổng số cán bộ cử đi học.

Ngoài việc thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách cho đội ngũ cán bộ trong đó có cán bộ nữ như chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, qui định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ học tập lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và nghiệp vụ đoàn thể, chính sách luân chuyển cán bộ (Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND, ngày 20/11/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận) đã thể hiện sự quan tâm hơn cho cán bộ nữ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc luân chuyển, điều động tăng cường so với cán bộ nam giới.

     Về quy hoạch cán bộ nữ nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những năm tiếp theo: Có 83 cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có 16 cán bộ nữ chiếm tỉ lệ 19,27% (tăng 3,54% so với nhiệm kỳ trước).  Quy hoạch cấp trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, mặt trận tỉnh có 20 cán bộ nữ, chiếm 18,69% (giảm 2,06% so với nhiệm kỳ trước). Quy hoạch cấp phó có 87 cán bộ nữ, chiếm 33,98%, (tăng 10,87% so với nhiệm kỳ trước).  Cán bộ nữ được quy hoạch vào cấp ủy huyện, thị xã, thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 178 đồng chí, chiếm 27,55% (tăng 10,16% so với nhiệm kỳ trước); có 51 cán bộ nữ được quy hoạch vào ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và đảng ủy trực thuộc, chiếm 26,84% (tăng 15.62% so với nhiệm kỳ trước). Có 11 cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành phố và đảng ủy trực thuộc (chiếm 10,89%).

     Một số nhận xét rút ra:

     - Mặt được: Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể đã quán triệt và nhận thức sâu sắc hơn các quan điểm cơ bản của Đảng, quan tâm và tập trung hơn trong việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác cán bộ nữ. Công tác qui hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, trong đó, tăng một tỷ lệ thích đáng cán bộ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm…, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ. Mặt khác, bản thân nhiều đồng chí cán bộ nữ cũng đã cố gắng, tích cực học tập, phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trong công tác và các hoạt động xã hội.

     - Mặt chưa được: Sự chuyển biến trong công tác cán bộ nữ ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa mạnh mẽ; việc quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ  tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn gặp phải khó khăn nhất định; tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ các cương vị chủ chốt trong cấp ủy đảng, HĐND và UBND các cấp, cũng như các ngành và ở cơ sở tuy có tăng so với trước nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của lực lượng lao động nữ; vẫn còn 28/60 cơ quan cấp tỉnh chưa có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo.

     Nguyên nhân của hạn chế trên là: Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của người phụ nữ còn nhiều bất cập. Việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ chưa tập trung, thiếu kiên quyết; chưa có giải pháp có tính đột phá trong công tác cán bộ nữ; còn khắt khe, cầu toàn khi đánh giá, bổ nhiệm cán bộ nữ; có nơi chưa thật sự tạo điều kiện để cán bộ nữ phát triển; tư tưởng hẹp hòi, định kiến trong công tác cán bộ nữ tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn. Các cơ quan tham mưu của cấp ủy chưa có những đề xuất cụ thể và có hiệu quả để phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Trong đội ngũ cán bộ nữ có một bộ phận còn mặc cảm, tự ti, ít hăng hái tham gia công tác xã hội, bị hoàn cảnh gia đình chi phối, thiếu ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên, tự bằng lòng với vị trí hiện tại của mình.

     Một số vấn đề cần quan tâm thực hiện tốt trong thời gian đến:

     Để làm tốt hơn công tác cán bộ nữ, với mục tiêu cụ thể là tăng tỷ lệ tham gia vào cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp, góp phần thực hiện bình đẳng giới, theo tôi cần quan tâm làm tốt một số việc sau:

     (1). Về nhận thức: Phải tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết trong cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ để từ đó có quyết tâm trong thực hiện.

     (2). Về tổ chức thực hiện: Tinh thần chung là phải thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể là Chương trình hành động số 08-NQ/TU thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; ngoài ra, cần quan tâm kiến nghị và thực hiện một số việc cụ thể sau:

     - Đề nghị Trung ương có chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đội ngũ cán bộ nữ. Cần có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa đối với cán bộ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng (độ tuổi cần sớm hơn nam giới ở mức phù hợp, bổ nhiệm lần đầu chỉ cần một nhiệm kỳ...).

     - Phải làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ ở từng cấp, từng ngành, xem đây là cơ sở để thực hiện tốt các khâu công tác cán bộ khác đối với cán bộ nữ; nơi nào chưa có cán bộ nữ trong quy hoạch là người tại chỗ thì xem xét bổ sung, nếu vẫn không có người thì chọn những người có điều kiện tiêu chuẩn từ nơi khác để bổ sung quy hoạch.

     - Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong cơ quan, đơn vị mình; xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ.

     - Nói chung phải thực hiện nghiêm quy định: các cơ quan, đơn vị, địa phương (bắt buộc đối với những nơi có tỷ lệ lao động nữ 30% trở lên) phải có cán bộ nữ tham gia trong cơ cấu lãnh đạo; nếu chưa có, chưa chuẩn bị được thì chưa bổ nhiệm và điều động nguồn từ nơi khác đến.

     - Tại các kỳ đại hội đảng các cấp, khi bầu cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy cần để khuyết một số vị trí (chưa bầu đủ) để cơ cấu cán bộ nữ và xem xét đề nghị chỉ định bổ sung trong nhiệm kỳ.

     - Nghiên cứu điều động, luân chuyển một số cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ từ nơi có điều kiện tạo nguồn đến những nơi cần cơ cấu nhằm chuẩn bị trước một bước nhân sự cho cấp uỷ các cấp khoá tới.

     - Phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong việc phát hiện, giới thiệu, đề xuất những cán bộ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo.

     Bình đẳng giới đang là vấn đề được quan tâm hiện nay, để làm tốt công tác cán bộ nữ cũng cần phải có thời gian nhất định; song một khi được các cấp, các ngành quan tâm và quyết tâm thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thì công tác cán bộ nữ sẽ thu được những kết quả tốt đẹp, tạo điều kiện cho việc đạt các mục tiêu đề ra về bình đẳng giới trong công tác cán bộ./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO