Bài học kinh nghiệm trong xây dựng điểm tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Thuận

Ngày 10/11/2011 Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 11-KH/BTCTU về chọn điểm xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh (sau đây viết tắt TSVM) gắn với xã điểm xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình Hành động số 15-NQ/TU, ngày 17/4/2008 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XI) “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. 15/15 đảng bộ trực thuộc tỉnh đã chọn 56 tổ chức đảng làm điểm chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng TSVM của đảng bộ mình bao gồm 44 cơ sở đảng và 12 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. 

     Sau gần 3 năm (2012-2014) triển khai thực hiện đạt kết quả khá rõ nét:  

     Qua quán triệt, tổ chức thực hiện các cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên đều thống nhất cao kế hoạch làm điểm xây dựng tổ chức đảng TSVM của tỉnh, của cấp mình và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng cần phải tập trung đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng tổ chức đảng TSVM đúng thực chất; nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên tại các tổ chức đảng, nhất là các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các tổ chức đảng được chọn làm điểm, tiến hành rà soát thực trạng tình hình, xác định những ưu điểm, khuyết điểm yếu kém của từng tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình gắn với đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức đoàn thể hàng năm. Trên cơ sở đó, xây dựng bổ sung kế hoạch và phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn thôn, chi bộ để triển khai thực hiện từng năm và đến hết nhiệm kỳ (2010-2015). Các tổ chức đảng đã kịp thời rà soát, bổ sung quy chế hoạt động; tập trung củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Mặt trận và các đoàn thể, cử đi đào tạo, bồi dưỡng từng bước đạt chuẩn theo quy định nên chất lượng hoạt động được nâng lên sát với thực tế hơn. Quy trình, nội dung sinh hoạt chi, đảng bộ cơ bản đảm bảo theo quy định, hướng dẫn của cấp trên (nhất là từ sau khi Thường trực Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm các bí thư chi bộ thôn, khu phố Toàn tỉnh Lần thứ nhất tháng 4/2013).

     Qua phân tích đánh giá, xếp loại 56 tổ chức đảng làm điểm toàn tỉnh 3 năm (2011-2013), cho thấy: Các tổ chức đảng hoàn thành nhiệm vụ (HTNV) giảm rõ, hoàn thành tốt nhiệm vụ (HTTNV) và đạt TSVM tăng khá, chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Cụ thể, Năm 2011: HTNV 14/56, HTTNV 12/56, đạt TSVM 30/56 thì Năm 2013: HTNV giảm còn 3/56, đạt TSVM tăng lên 39/56 tổ chức đảng (trong đó có 5/39 tổ chức đảng đạt TSVM tiêu biểu cấp tỉnh). Năm 2013 toàn tỉnh có 45,25% tổ chức đảng đạt TSVM (56 tổ chức đảng làm điểm đạt 69,64%), HTTNV toàn tỉnh đạt 18,99% (tổ chức đảng làm điểm đạt 21,43%), hoàn thành nhiệm vụ toàn tỉnh đạt 32,73% (tổ chức đảng làm điểm còn 5,36%).

       Đối với 7 tổ chức đảng xây dựng điểm trong sạch, vững mạnh gắn xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh

     Xây dựng tổ chức đảng TSVM: Các tổ chức đảng đã kịp thời ban hành kế hoạch xây dựng chi, đảng bộ TSVM hàng năm, phân công đảng ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, hướng dẫn các chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; rà soát, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế làm việc và quy chế phối hợp của chi, đảng bộ. Thực hiện nghiêm việc giới thiệu đảng viên đang công tác về sinh hoạt nơi cư trú, công tác phát triển đảng viên mới đạt kế hoạch đề ra. Lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (thực hiện quy hoạch gắn đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ) từng bước đạt chuẩn theo quy định; thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình, xây dựng và giữ gìn khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Quy trình, nội dung sinh hoạt chi, đảng bộ cơ bản đảm bảo theo quy định, hướng dẫn của cấp trên. Các tổ chức đảng làm điểm đã và đang từng bước khẳng định vai trò, vị trí đi đầu của mình về xây dựng chi, đảng bộ TSVM đúng thực chất gắn với xây dựng nông thôn mới để làm nòng cốt lan tỏa, thúc đẩy các đảng bộ khác. Qua đánh giá chất lượng, phân loại 7 tổ chức đảng 3 năm (2011-2013) cho thấy, số tổ chức đảng HTTNV và TSVM năm sau cao hơn năm trước, cụ thể, năm 2011: có 1/7 tổ chức đảng HTNV, 3/7 tổ chức đảng HTTNV, 3/7 tổ chức đảng đạt TSVM; năm 2013: có 1/7 tổ chức đảng HTTNV, 6/7 tổ chức đảng đạt TSVM (không còn hoàn thành nhiệm vụ). Chỉ tiêu phấn đấu năm 2014, cả 7/7 tổ chức đảng đều đạt TSVM; trong đó, có 2/7 tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM tiêu biểu cấp tỉnh, 1/7 tổ chức đảng đạt TSVM cấp trên cơ sở.

     Đạt được kết quả trên là do: Có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh; sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền; vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của các chi, đảng bộ làm điểm được thể hiện khá rõ, nhất là việc quán triệt, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội ở từng địa bàn cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới.

     Về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (cụ thể là tiêu chí thứ 18): Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/BTCTU, ngày 10/11/2011 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về chọn điểm xây dựng tổ chức đảng TSVM ở các loại hình và các xã điểm xây dựng nông thôn mới và Công văn số 464/LS:SNV-BTCTU, ngày 18/3/2014 về thực hiện có hiệu quả Tiêu chí thứ 18 về xây dựng nông thôn mới của Liên Sở Nội vụ-Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ban Thường vụ các Huyện uỷ và cấp uỷ 4 đảng bộ xã được chọn vừa làm điểm xây dựng nông thôn mới vừa làm điểm xây dựng đảng bộ đạt TSVM của tỉnh (gồm các đảng bộ xã: Hồng Thái, Hàm Trí, Nghị Đức và Mê Pu) đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều biện pháp; tập trung củng cố, sắp xếp, bố trí nhân sự cấp uỷ chi, đảng bộ, cán bộ chủ chốt xã và các đoàn thể; tích cực đào tạo, bồi dưỡng từng bước đảm bảo đủ chuẩn theo quy định; gắn với rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ cấp uỷ viên phụ trách địa bàn. Đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.

     Cụ thể là, đến cuối năm 2013 có 2/4 xã đạt 14/19 tiêu chí, 2/4 xã đạt 16/19 tiêu chí; phấn đấu đến cuối năm 2014 có 1/4 xã đạt 18/19 tiêu chí, 3/4 xã đạt 19/19 tiêu chí. Thực hiện tiêu chí thứ 18, đến cuối năm 2013: có 4/4 xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị-xã hội ở cơ sở (đủ số lượng cán bộ, công chức xã), các tổ chức trong hệ thống chính trị-xã hội của 4/4 xã đều đạt tiên tiến trở lên; 3/4 đảng bộ và chính quyền xã đạt chuẩn TSVM; có 1 xã đạt 70,83% và 3 xã đạt từ 82- 92% số cán bộ xã đạt chuẩn theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV và công chức xã đạt chuẩn theo Thông tư 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ; phấn đấu đến cuối năm 2014 cả 4/4 xã cơ bản đạt chuẩn tiêu chí thứ 18 và cuối năm 2015 đạt chuẩn tiêu chí thứ 18. Như vậy, so với mục tiêu phấn đấu của tỉnh thì 4 xã điểm này sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.   

(Mục tiêu của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh là: Phấn đấu đến cuối năm 2014, ..có ít nhất 5 xã đạt 19 tiêu chí; đối 21 xã điểm, bình quân đạt 17,3 tiêu chí/xã. Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 20 xã đạt 19 tiêu chí; 78% số xã đạt chuẩn tiêu chí 18, trong đó có 21 xã điểm).

     Tuy nhiên, Công tác chỉ đạo, thực hiện Kế hoạch số 11 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Công văn số 464 Liên Sở Nội vụ- Ban Tổ chức Tỉnh ủy của một số cấp ủy nhìn chung còn chậm, chưa cụ thể. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về xây dựng nông thôn mới chưa được thường xuyên, sâu rộng; một bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại nhà nước, chưa nhận thức đầy đủ phương châm “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Xây dựng kế hoạch, xác định việc làm thiếu cụ thể, nên chỉ đạo thực hiện còn lúng túng. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp huyện và giữa các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể xã chưa thật chặt chẽ. Công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy cấp trên chưa được quan tâm đúng mức. Phân loại đánh giá chất lượng các tổ chức đoàn thể có nơi chưa đúng thực chất; chất lượng sinh hoạt chi, đảng bộ chưa được nâng cao; công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên mới, nhất là ở địa bàn dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức đảng làm điểm đạt được TSVM và số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhưng lại thiếu vững chắc; năm 2012 có 2 tổ chức đảng HTNV thì năm 2013 xuống yếu kém (Đảng bộ xã Tân Đức và Chi bộ Văn phòng HĐND-UBND huyện Hàm Tân). Phương thức lãnh đạo của một số tổ chức đảng chậm đổi mới, chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo; năng lực nghiên cứu, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của cấp trên còn hạn chế, thiếu sáng tạo, chưa sát với đặc điểm của chi, đảng bộ và thực tế cơ quan, địa phương. Việc triển khai thực hiện quy chế làm việc có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu; còn lúng túng, khó khăn trong thực hiện các nội dung xây dựng tổ chức đảng TSVM ở xã, thị trấn; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thể hiện rõ vai trò tiền phong, gương mẫu trong học tập, rèn luyện và thực thi nhiệm vụ được giao.

     Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

     Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xã nhận thức chưa sâu kỹ, đầy đủ về làm điểm xây dựng tổ chức đảng TSVM và xã điểm xây dựng nông thôn mới nên chưa tập trung đúng mức chỉ đạo, triển khai có trọng tâm, trọng điểm; công tác chỉ đạo, kiểm tra của một số cấp ủy cấp trên chưa thường xuyên, thiếu giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chậm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; các tiêu chí còn lại chưa đạt về xây dựng nông thôn mới (thủy lợi, trường học, giao thông) đòi hỏi nhiều kinh phí. Đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, nhất là cán bộ công tác Mặt trận và các đoàn thể một số nơi còn thiếu và chưa đạt chuẩn lại không ổn định. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy được quan tâm song chuyển biến chưa đều; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thật sự là đòn bẩy để góp phần xây dựng điểm tổ chức đảng TSVM đúng thực chất, gắn với xây dựng điểm nông thôn mới.   

     Một số bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện

     Một là, việc “chọn điểm xây dựng tổ chức đảng TSVM ở các loại hình và các xã điểm xây dựng nông thôn mới” phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể các cấp.

     Hai là, xây dựng kế hoạch phải thật sát đúng, cụ thể với tình hình thực tế của từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, chú ý kịp thời giải quyết, đề xuất giải quyết tháo gỡ những khó khăn, bức xúc nhất ở ngay từ cơ sở. 

     Ba là, phát huy tốt quy chế dân chủ thật sự trong mỗi tổ chức và của cả hệ thống chính trị; phát huy quyền làm chủ của nhân dân (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra), phải tạo được niềm tin và sự đồng thuận của toàn dân với Đảng với chính quyền.

     Bốn là, cấp ủy đảng, chính quyền phải thật sự sâu sát, quyết đoán trong công việc, nhất là vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các tổ chức. Bố trí sắp xếp giao việc cho cán bộ, đảng viên, công chức phải phù hợp với chuyên môn được đào tạo và năng lực, sở trường công tác.

     Năm là, phải tạo được điển hình sáng, cách làm hay, kịp thời biểu dương, nhân rộng để tạo sức lan tỏa./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO