Hầu hết các ngành, các địa phương đã nghiêm túc tổ chức quán triệt Chỉ thị 07 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Những kết quả đạt được:
Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, tỉnh đã triển lãm những hình ảnh về các hoạt động của công tác thương binh liệt sĩ; tuyên truyền, giới thiệu 50 tài liệu về ngày Thương binh liệt sĩ; thực hiện Tuần phim kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ với 43 buổi chiếu, khoảng 11.700 lượt người xem; tổ chức các hội thi, hội thảo, giao lưu văn nghệ, thể thao, tọa đàm, kể chuyện truyền thống về tấm gương các anh hùng, liệt sỹ, điển hình vượt khó;… Hằng năm, đều tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, đặc biệt tại Hội nghị Tổng kết 5 năm (2005 – 2010) thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ đã biểu dương 141 thương binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu toàn tỉnh; chương trình đêm “Thắp nến tri ân” các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và các Đài tưởng niệm, Bia ghi tên liệt sỹ ở các địa phương; thăm và tặng quà cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đang gặp khó khăn, bệnh tật, tổ chức đi tham quan, nghỉ dưỡng được thực hiện hàng năm.
Việc giải quyết các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình cách mạng đã được triển khai đầy đủ, kịp thời. Tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được nâng lên so với trước, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” chặt chẽ, thông suốt, kịp thời, hiệu quả, góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết các chế độ, chính sách của gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong 7 năm (2007 – 2014) đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đối với 6.025 trưởng hợp, trong đó chủ yếu là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc 2.929 trường hợp, người có công giúp đỡ cách mạng 1.336 trường hợp, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 610 trường hợp, người hưởng chính sách như thương binh 50 trường hợp, người hoạt động cách mạng hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày trước đây cho hưởng chế độ, chính sách một lần nay được chuyển sang hưởng hàng tháng 1.100 trường hợp. Công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 128 mẹ; tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 22 người, Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp 989 người, Huân, huy chương kháng chống Mỹ 1.656 người; Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân cho cho 05 tập thể và 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Công nhận 63 cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và cán bộ hoạt động từ ngày 01/01/1945 đã hy sinh, từ trần.
Các phong trào, các cuộc vận động như: cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở hoặc khi gặp khó khăn, hoạn nạn; phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn; vận dụng giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có công và gia đình chính sách phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Nhiều tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên mình nhận chăm sóc thường xuyên các công trình ghi công liệt sĩ như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… góp phần thêm khang trang, sạch đẹp. Các phong trào đó đã được các tổ chức, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Cùng với các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã tự khắc phục những khó khăn, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ đã làm giàu từ chính khả năng của bản thân và gia đình mình. Hàng năm, có hàng ngàn thương binh, hàng ngàn gia đình liệt sĩ được các địa phương bình xét và công nhận là “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Đời sống của các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng được cải thiện, nâng lên, nhiều gia đình đã có mức sống khá, đời sống ổn định.
Những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân:
Đời sống của một bộ phận gia đình chính sách nhất là vùng sâu, vùng xa trong tỉnh còn gặp khó khăn. Việc nắm bắt, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng ở một số địa phương chưa sâu sát, còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Việc huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” tuy vượt kế hoạch nhưng chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia đóng góp. Trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công vẫn còn trường hợp thiếu sót, sai phạm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) ở một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi còn thiếu tập trung, chưa sâu sát, cụ thể; công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn chưa thường xuyên. Các bộ, ngành Trung ương chậm ban hành các Thông tư hướng dẫn việc thực hiện các chế độ, chính sách. Một số quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ trong việc giải quyết các chế độ ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, công nhận Bà mẹ Việt nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người có công giúp đỡ cách mạng,… còn bất cập, vướng mắc. Nguồn kinh phí từ ngân sách cho lĩnh vực công tác thương binh, liệt sĩ và người có công nhìn chung còn hạn chế; việc huy động hỗ trợ từ xã hội tuy có nhiều nỗ lực cố gắng, song hoạt động còn nặng tính phong trào và chủ yếu tập trung động viên đóng góp từ các đối tượng đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn các đối tượng khác nhất là khu vục doanh nghiệp còn hạn chế. Năng lực, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số ít cán bộ, công chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU.
Một là, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp; trong đó phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có ý nghĩa quyết định.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cần được đẩy mạnh thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là các chế độ, chính sách mới ban hành.
Ba là, phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các cấp, các ngành, nhất là cấp huyện, cấp xã ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công ngay từ cơ sở.
Bốn là, phải làm tốt công tác giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở.