Công tác cán bộ nữ qua 10 thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận

Trong những năm qua, thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI), Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó luôn chú trọng đội ngũ cán bộ nữ, thực hiện tốt chủ trương bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch và bố trí cán bộ nữ.

   Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh nhìn chung cơ bản đảm bảo quy định; nguồn cán bộ nữ được giới thiệu quy hoạch các chức danh lãnh đạo tăng hơn trước. Có 14/89 cán bộ nữ được quy hoạch Tỉnh ủy khoá XII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) chiếm tỷ lệ 15,73%; có 17/81 cán bộ nữ được quy hoạch Tỉnh ủy khoá XIII (nhiệm kỳ 2015-2020), chiếm tỷ lệ 20,98%, tăng 5,25%. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh quy hoạch nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 80 cán bộ nữ chiếm 22,40%; nhiệm kỳ 2015-2020 có 113 cán bộ nữ, đạt tỷ lệ 30,37%.

   Trong tổng số cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện nay, cán bộ nữ có 50/422 đồng chí, chiếm tỷ lệ 11,84 %. Có 159 cán bộ tham gia ban thường vụ cấp ủy và thường trực HĐND, UBND cấp huyện, trong đó, có 15 cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ 9,43% (có 1 là phó bí thư cấp ủy). Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước. Cụ thể: Cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) có 6 nữ/50 đồng chí, chiếm 12% (chưa đạt chỉ tiêu 15%), có 1 đồng chí cán bộ nữ là người dân tộc Chăm tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cấp ủy cấp huyện, có 154 nữ/523 đồng chí, chiếm 29,4%, tăng 28,3% so với nhiệm kỳ 2005 -2010; cấp ủy cấp cơ sở, có 363 nữ/1.592 đồng chí, chiếm 22.8%, tăng 7,1% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010.

   Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được quan tâm hơn; tỷ lệ cán bộ nữ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ qua từng năm đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2007 đến nay, có 141 cán bộ nữ được đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 16,97% trên tổng số cán bộ được đào tạo); 998 cán bộ nữ được đào tạo trung cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 36,34% trên tổng số cán bộ được đào tạo); có 649 cán bộ, công chức nữ theo học các lớp đào tạo đại học tại chức do tỉnh phối hợp với các trường đại học mở; 83/259 cán bộ nữ được cử đi đào tạo trình độ sau đại học (chiếm tỷ lệ 32 % so với số học viên được cử đào tạo). Đề án 70 - 100: 18 nữ/35 học viên; Đề án 70 - 100: 18 nữ/35 học viên; Đề án 165: đào tạo Thạc sĩ: 5 nữ/7 học viên, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ: 5 nữ/38 học viên. Cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó trưởng phòng các cấp hầu hết được đào tạo chuẩn hoá về chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ và được đào tạo từ trung cấp lí luận chính trị trở lên; một số đồng chí có nhiều nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên và trưởng thành trong thực tiễn.

   Công tác phát triển đảng viên trong cán bộ nữ đã được quan tâm nhiều hơn. Năm 2007, có 5567 nữ/18.948 đảng viên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ: 29,38%; đến cuối năm 2016, đã phát triển được 6,013 đảng viên nữ nâng tổ số lên 11.580 nữ/31.960 đảng viên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ: 36,23%.

   Hàng năm, tập thể Lãnh đạo Ban, Chi uỷ Chi bộ và Ban chấp hành Công đoàn cơ quan luôn quan tâm đến công tác Bình đẳng giới; cùng với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã thực hiện tốt các chính sách do Trung ương, Tỉnh ban hành đối với nữ công chức, nhân viên cơ quan như Luật Lao động, các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ, chăm lo lợi ích chính đáng và tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ cơ quan.

   Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan luôn được củng cố, kiện toàn; đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền lợi thiết thực, chính đáng của chị em nữ cơ quan tốt hơn; phần lớn nữ cán bộ, công chức trong Ban được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị; chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 100% chị em hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua, phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ quan, đã góp phần khích lệ, giúp chị em phát huy tính năng động, sáng tạo trong công việc, thực hiện tốt và hàng năm đều đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Khuyến khích chị em nữ tham gia tích cực các phong trào thi đua cũng như hoạt động phong trào, đã góp phần cùng công đoàn cơ quan tham gia Hội thi Văn nghệ - Thể thao Khối thi đua 6 của UBND tỉnh tổ chức hàng năm và đều đạt kết quả cao. Công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ luôn được quan tâm, hàng năm, cơ quan đều tạo điều kiện để chị em nữ khám sức khỏe định kỳ; tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 và tổ chức cho chị em nữ đi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tỉnh và ngoài tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, tổ chức vận động đoàn viên cơ quan ủng hộ “Quỹ vì nữ công nhân lao động nghèo cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy” với số tiền 9.000.000 đồng, hỗ trợ cho người già neo đơn (nữ) và hai nữ học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi trên địa bàn Phan Thiết với tổng số tiền là  25.160.000 đồng.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ còn những khó khăn, hạn chế đó là: Sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ nữ ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất là sắp xếp, bố trí cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế; việc quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn gặp phải khó khăn nhất định; một số nơi, tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo cấp huyện, các sở, ngành và cán bộ chủ chốt cơ sở có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chưa có cán bộ nữ tham gia trong thành viên Ban lãnh đạo; số lượng cán bộ nữ được luân chuyển còn rất ít.

   Từ thực trạng tình hình nêu trên, trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

   Một là, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ và vận dụng phù hợp với tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương về Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 08- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và đồng bộ hơn nữa trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên.

   Hai là, Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tốt hơn nữa công tác cán bộ nữ; chú ý xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ mang tính khả thi cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

   Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nữ; tích cực tạo nguồn cán bộ nữ bổ sung vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tạo thuận lợi để cán bộ nữ trẻ phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng nữ nhằm tạo nguồn bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong cơ quan.

   Bốn là, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan tham mưu thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần của chị em nữ; động viên giúp đỡ chị em rèn luyện, phấn đấu tham gia các mặt phong trào; tích cực thực hiện các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do cơ quan và cấp trên tổ chức nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho nữ cán bộ, công chức, nhân viên. Tạo điều kiện ổn định đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và bình đẳng trong cuộc sống.

   Năm là, không ngừng giữ vững đoàn kết nội bộ trong cơ quan; phấn đấu 100% nữ cán bộ, công chức, nhân viên tích cực tham gia các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”; hàng năm đều đạt các danh hiệu thi đua cao nhất./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO