Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người cách mạng

Xây dựng Đảng về mặt đạo đức là một nội dung đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Để đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh” phải quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng. Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: "Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách, là một trong các nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng. 

   Công tác xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng luôn là mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, Người viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên là cán bộ phải thẩm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn của Người đã nói lên điều cốt tử nhất trong xây dựng Đảng cầm quyền, quyết định vận mệnh của Đảng, của Nhà nước, vận mệnh của cả chế độ - đó là đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức là “gốc” của người cách mạng. Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là cái quan trọng nhất quyết định tính cách, tức là nhân cách. Theo Người, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức sẽ không làm được điều ích lợi cho đời, thậm chí còn có hại, sinh ra những thói xấu như kiêu căng, tự mãn, ích kỷ rồi thành hư hỏng, có khi phạm tội. Bởi thế, Người đòi hỏi có đức phải có tài và có tài phải có đức. Cả cuộc đời Bác Hồ luôn rèn luyện mình để trở thành người có đạo đức cách mạng, làm giàu truyền thống đạo đức dân tộc Việt Nam.

   Ngày nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chạy theo chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm, vi phạm đạo đức cách mạng, đã trở thành phần tử quan liêu, xa dân, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, hối lộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thấy trước điều này, Người đã từng nhắc nhở; “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

   Tại Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có nêu: “… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…”.

   Suy thoái về đạo đức là một trong những nhân tố để xã hội không thể phát triển bền vững. Chúng ta đang đấu tranh quyết liệt chống quan liêu tham nhũng để đảm bảo môi trường xã hội lành mạnh, cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. Tình hình đó đòi hỏi phải chú trọng xây dựng đạo đức xã hội và giáo dục tu dưỡng đạo đức cá nhân. Trước hết, đó là thực hành đạo đức cách mạng trong Đảng, từ cán bộ đảng viên đến các tổ chức đảng. Đó còn là giáo dục và thực hành đạo đức cách mạng trong đội ngũ công nhân viên chức Nhà nước. Càng đi vào xây dựng Nhà nước pháp quyền càng phải chú trọng tới đạo đức công chức, đạo đức công dân. Đạo đức cách mạng còn đòi hỏi tẩy trừ những thói xấu: tệ lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng. Lãng phí là không thương dân, mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi nước mắt của dân, thương dân thì phải tiết kiệm. Tham ô là ăn cắp của công, ăn cắp của dân, là có tội với dân, là tội ác và kẻ thù của chế độ mới. Thực hành đạo đức cách mạng thì phải ra sức đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Vào lúc này, thực hành đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, noi theo tấm gương sáng đạo đức Hồ Chí Minh trở nên vô cùng cấp thiết, bức xúc. Đó là một cuộc đấu tranh âm thầm và quyết liệt; lâu dài và gian khổ chống lại những thói hư tật xấu trong mỗi con người.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời, Theo Người:“Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới  trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình, mới tiến bộ”. Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mối quan hệ của mình.

   Truyền thống đạo lý của Việt Nam rất coi trọng đạo lý làm người, xem “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo Người “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”. Người yêu cầu ông bà làm gương cho con cháu, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho các em, lãnh đạo làm gương  cho cán bộ, nhân viên, đảng viên phải làm gương cho quần chúng noi theo, chứ “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước  cho người ta bắt chước” như Người đã dạy.

   Trong thời gian đến, để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng; phải tự rèn luyện, tu dưỡng theo những chuẩn mực đạo đức mà Bác đã chỉ ra. Đó chính là biện pháp quan trọng để sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế, xây dựng công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. /.


Các tin khác

QUẢNG CÁO