VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG KIỂM ĐIỂM TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN NĂM 2016

Hiện nay, toàng Đảng bộ tỉnh đã và đang triển khai thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016. Thực hiện việc trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo: 

   - Việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý hàng năm nhằm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; làm căn cứ để thực hiện các nội dung công tác cán bộ, đảng viên.

   - Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể.

   - Báo cáo kiểm điểm tập thể và bản kiểm điểm cá nhân phải chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân; giải trình những nội dung gợi ý kiểm điểm, ý kiến đóng góp (nếu có) và đề ra phương hướng, biện pháp sửa chữa, khắc phục khuyết điểm trên từng nội dung.

   - Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể và gửi trước cho các thành viên ít nhất 3 ngày làm việc. Việc kiểm điểm được tiến hành theo trình tự: Tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau.  

   - Tất cả đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở chi bộ nơi sinh hoạt; đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở chi bộ, phải kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo (gọi chung là tập thể lãnh đạo) mà mình tham gia. Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp cấp tỉnh khi kiểm điểm tập thể và cá nhân lãnh đạo thì mời trưởng, phó trưởng phòng, ban chuyên môn (khối văn phòng cơ quan), trưởng các đoàn thể chính trị-xã hội, cấp trưởng các đơn vị trực thuộc là đảng viên tham dự.

   Yêu cầu tự phê bình và phê bình trong Đảng đối với tập thể và từng thành viên lãnh đạo rất nhiều nội dung, song ở đây chỉ xin đề cập ở vấn đề rất cơ bản. Đơn giản được hiểu là: Tự phê bình nghĩa là nêu ưu điểm và chỉ ra khuyết điểm của tập thể mà mình là thành viên và cá nhân mình. Phê bình là nêu ưu điểm và chỉ ra khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, là công cụ quan trọng nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ.

   Tuy nhiên trong thực tế việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong thời gian vừa qua, còn có những biểu hiện lệch lạc, cần nhận biết và khắc phục, cụ thể như sau:

   - Thứ nhất: Khi kiểm điểm tập thể thì có trường hợp thành viên lãnh đạo không tham gia phát biểu, mà biểu thị sự thống nhất với dự thảo báo cáo, với lý do đã tham gia góp ý vào báo cáo trước khi kiểm điểm hoặc có phát biểu thì cũng chỉ nêu thống nhất hay bổ sung, điều chỉnh nội dung câu chữ trong báo cáo kiểm điểm. Trong trường hợp này, tự phê bình của tập thể sẽ không đầy đủ, nó mang tính góp ý văn bản nhiều hơn là tự phê bình, chưa chỉ ra những khyết điểm của tập thể và chỉ rõ vì sao còn tồn tại, khuyết điểm từ đó đề ra biện pháp khác phục, nếu hiểu như vậy việc tổ chức họp kiểm điểm thật sự không có ý nghĩa gì. Hoặc ở khía cạnh khác là các thành viên tập thể lãnh đạo, cả người chủ trì nặng trông chờ vào ý kiến góp ý của các đại biểu cấp trên tham dự, vào sự chỉ đạo và yêu cầu của các thành phần khác được mời tham dự (chủ yếu ở các cơ quan cấp tỉnh) mà hiển nhiên xem như tập thể đã thống nhất với báo cáo của mình, chưa nhận thức đúng đắn là tự tập thể mình phải kiểm điểm làm rõ những ưu, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục khuyết điểm nếu có. Như vậy, tự phê bình của tập thể lãnh đạo ở những nơi này chưa tốt. Theo đó, yêu cầu “lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể” phần nào sẽ bị hạn chế, chưa đạt yêu cầu.

   - Thứ hai: Khi kiểm điểm các thành viên lãnh đạo, có suy nghĩ cho rằng: việc góp ý phê bình các thành viên là lãnh đạo (kể cả ưu điểm và khuyết điểm) là của các đồng chí trưởng, phó trưởng phòng, ban chuyên môn… được mời tham dự. Người chủ trì điều hành cũng chưa chú ý yêu cầu các thành viên lãnh đạo góp ý đồng chí khác mà cũng chỉ nặng yêu cầu các trưởng, phó trưởng phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tham dự góp ý thành viên lãnh đạo. Đành rằng các đồng chí này được mời tham dự, có quyền được tham gia góp ý nhưng không phải là chủ thể thực hiện tự phê bình và phê bình. Hiểu và thực hiện tự phê bình và phê bình trong tập thể lãnh đạo như vậy cũng chưa đúng đắn, nghiêm túc.

   Thiết nghĩ, để triển khai thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng theo các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì từng tập thể lãnh đạo và cách thành viên phải nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình.. Cần hết sức tránh các biểu hiện lệch lạc nêu trên./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO