KẾT QUẢ THỰC HIỆN LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ GẮN VỚI THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG BỐ TRÍ MỘT SỐ CHỨC DANH CÁN BỘ LÃNH ĐẠO KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG NHIỆM KỲ 2010 - 2015

Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 01 huyện đảo là Phú Quý); 127 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện có 420 đồng chí, trong đó cấp tỉnh có 158 đồng chí (khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị- xã hội 70 đồng chí; khối nhà nước 102 đồng chí, ngành dọc Trung ương 76 đồng chí, doanh nghiệp của tỉnh 22 đồng chí), cấp huyện có 140 đồng chí.

   Thực hiện Nghị quyết 11 –NQ/TW và Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ 20140-2015, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và ban thường vụ các huyện thị, thành uỷ đã triển khai thực hiện công tác luân chuyển và bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương.

   I. Luân chuyển và bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương đạt được kết quả tích cực

   1. Về luân chuyển cán bộ:

   - Luân chuyển từ Trung ương và tỉnh khác về tỉnh: Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) đã luân chuyển đồng chí Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XII) và giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất với Bộ Công an, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện luân chuyển về tỉnh đối với 4 cán bộ; trong đó, 01 đồng chí giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, 01 đồng chí  giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, 01 đồng chí giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh và 01 đồng chí giữ chức vụ Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh.

    - Tổng số cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển trong nhiệm kỳ là 26 đồng chí; cụ thể là đã luân chuyển từ tỉnh xuống cấp huyện 23 đồng chí. Trong đó, 10 đồng chí giữ chức vụ bí thư huyện ủy, 03 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư thường trực huyện ủy (01 đồng chí tiếp tục giới thiệu bầu bí thư nhiệm kỳ 2015 – 2020), 01 đồng chí giữ chức vụ chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (tiếp tục giới thiệu bầu bí thư huyện uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020); 08 đồng chí giữ chức vụ phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và 01 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Thuận Bắc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã điều động về lại tỉnh 13 đồng chí, trong đó đã bố trí chức vụ cao hơn đối với 11 đồng chí, bố trí chức vụ tương tương 02 đồng chí. Luân chuyển cấp huyện về tỉnh 03 đồng chí; trong đó đã điều động về lại và giữ vụ cao hơn 01 đồng chí; 02 đồng chí tiếp tục công tác ở tỉnh và bố trí chức vụ cao hơn. Ngoài ra đã điều động 07 đồng chí từ cấp huyện về tỉnh để tạo vị trí luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện. Các cơ quan thuộc ngành dọc Trung ương, gồm: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Kho bạc Nhà nước đã luân chuyển từ cấp tỉnh xuống cấp huyện 10 đồng chí. Luân chuyển từ huyện này sang huyện khác 02 đồng chí. Việc luân chuyển cán bộ của các ngành gắn với thực hiện chủ trương bố trí cán bộ cấp trưởng một số ngành không phải là người địa phương.

   - Tổng số cán bộ do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện luân chuyển trong nhiệm kỳ là 232 đồng chí, cụ thể là: Luân chuyển từ cấp huyện về cấp xã 101 đồng chí; trong đó, 69 đồng chí giữ chức vụ bí thư đảng ủy, 07 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy, 19 đồng chí giữ chức vụ chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và 06 đồng chí giữ chức vụ phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã. Luân chuyển từ ngành này sang ngành khác (từ khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội sang các phòng, ban khối các cơ quan Nhà nước và ngược lại) 73 đồng chí; trong đó, cấp trưởng 30 đồng chí, cấp phó 43 đồng chí. Luân chuyển từ cấp xã về các ban ngành cấp huyện 58 đồng chí; trong đó, bố trí cấp trưởng 21 đồng chí, cấp phó 35 đồng chí. Luân chuyển giữa các xã, phường, thị trấn 03 đồng chí, giữ chức vụ bí thư đảng ủy cấp xã.

   2 Về bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương.         

   Đối với cấp tỉnh: Đã bố trí người đứng đầu 2 cơ quan, gồm: Viện Kiểm sát nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh không phải là người địa phương. Đối với cấp huyện: Có 8/10 địa phương bố trí 10 Bí thư cấp ủy; có 01/10 địa phương bố trí 02 chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; có 10/10 địa phương bố trí 11 Trưởng Công an huyện; có 9/10 địa phương bố trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện; có 6/10 địa phương bố trí Chánh án Toà án nhân dân huyện; có 04/10 địa phương bố trí Chi cục trưởng Chi cục thuế; 05/10 địa phương bố trí Chánh Thanh tra và 02/10 địa phương bố trí Chi cục trưởng Thi hành án dân sự không phải là người địa phương. 

   II. Một số nhận xét chung

   1. Ưu điểm

   - Nhận thức của cấp uỷ và uỷ viên cấp uỷ các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính chiến lược, lâu dài của công tác luân chuyển cán bộ, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương theo tinh thần chỉ đạo nêu trong Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị ngày càng sâu kỹ hơn, tạo sự thống nhất và hành động trong các cấp ủy về công tác này.

   - Công tác luân chuyển cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã bám sát yêu cầu, phương châm và quy hoạch cán bộ; thực hiện đúng theo nguyên tắt tập trung dân chủ, đúng quy trình, chặt chẽ và thận trọng.

   - Chất lượng cán bộ được luân chuyển ở các cấp, các ngành khá cao, đa số thể hiện tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mới, phát huy năng lực chuyên môn, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, được cấp ủy, cán bộ và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; sau luân chuyển, hầu hết đều được bố trí giữ chức vụ cao hơn.

   - Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển được quan tâm thực hiện kịp thời, góp phần giải quyết khó khăn và động viên cán bộ luân chuyển yên tâm công tác.

   - Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện toàn diện cán bộ qua thực tiễn, nhất là những cán bộ thuộc diện quy hoạch, cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển, gắn chặt với công tác quy hoạch cấp uỷ, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu dài của tỉnh; từng bước bố trí cán bộ hợp lý và tăng cường cán bộ đối với những nơi gặp khó khăn, địa bàn quan trọng, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; góp phần làm tốt công tác nhân sự của cấp ủy, chính quyền các cấp qua các lần bầu cử, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh.

   - Đối chiếu với mục tiêu đề ra tại Kết luận số 24 -KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện vượt chỉ tiêu. Qua thực hiện chủ trương này, đã góp phần tích cực đổi mới công tác cán bộ, từng bước xóa bỏ khuynh hướng cục bộ, khép kín trong công tác này ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như tâm lý thoả mãn, trì trệ, không tích cực nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ của cán bộ; tạo môi trường mới để cán bộ được thử thách, thể hiện sự năng động, sáng tạo từ đó ngày càng trưởng thành hơn. Việc triển khai thực hiện được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình và thận trọng; bố trí nhân sự có sự cân nhắc lựa chọn đúng người và có chế độ, chính sách phù hợp.

    2. Hạn chế, khuyết điểm

   - Một số cấp ủy chưa xác định được kế hoạch cụ thể, chi tiết về luân chuyển cán bộ để thực hiện, do đó chưa tạo nên bước đột phá, còn chắp vá, còn trường hợp chưa theo quy hoạch; một số nơi tuy có kế hoạch cụ thể nhưng chưa gắn kết tốt giữa luân chuyển với điều động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, một số cán bộ có triển vọng trong diện quy hoạch, được đào tạo căn bản nhưng chưa kịp thời thực hiện luân chuyển theo kế hoạch; việc bố trí cán bộ sau khi luân chuyển có trường hợp còn bị động, khó khăn.     

   - Số lượng cán bộ luân chuyển ở từng cấp còn ít so với tổng số lượt cán bộ điều động, bổ nhiệm, sắp xếp, luân chuyển. Đối tượng thực hiện luân chuyển nhìn chung còn hẹp, chủ yếu ở các chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy và chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp. Trong 2 chức danh được bố trí tăng thêm để luân chuyển, đào tạo cán bộ trẻ qua thực tiễn, ở cấp huyện mới chỉ luân chuyển được chức danh phó chủ tịch và chỉ tập trung cho cán bộ ở các cơ quan khối Nhà nước.

   - Thời gian luân chuyển đối với một cán bộ còn ngắn, chưa có điều kiện để tiếp cận thực tiễn và phát huy năng lực, sở trường; cũng có trường hợp cán bộ luân chuyển quá lâu, chậm được nhận xét, đánh giá toàn diện để bố trí nhiệm vụ phù hợp. Một số ít cán bộ luân chuyển về cấp xã chậm tiếp cận với công việc, đóng góp đối với địa phương còn hạn chế.

   - Việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ không phải là người địa phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị ở cấp huyện chưa đồng đều, chưa triển khai thống nhất, còn phụ thuộc vào phân cấp quản lý cán bộ của các ngành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn xây dựng kế hoạch chung, nhưng do phụ thuộc phân cấp quản lý cán bộ của các ngành dọc nên chưa ban hành được. 

   - Chính sách đối với cán bộ diện phải điều động, sắp xếp lại và điều động để tạo vị trí luân chuyển cán bộ còn có điểm còn bất cập, tạo yếu tố tâm lý không tốt đối với một số cán bộ. Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn về điều kiện sinh hoạt còn hạn chế nên chưa tạo sự an tâm cho cán bộ.

   - Việc hướng dẫn, định hướng, trao đổi kinh nghiệm đối với cán bộ luân chuyển chưa được chú trọng đúng mức.               

    * Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm:

    - Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ về quan điểm, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới. Không ít cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa rõ sự khác biệt giữa việc luân chuyển theo quy hoạch để đào tạo cán bộ lâu dài với việc điều động, tăng cường cán bộ để đáp ứng yêu cầu trước mắt của nơi đến.

   - Công tác xây dựng kế hoạch luân chuyển của một số cấp ủy còn lúng túng, thiếu cụ thể, đồng bộ. Việc rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ nói chung,  cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý theo nhóm tuổi, trình độ đào tạo của từng cấp chưa tốt; chưa chỉ rõ nhu cầu cán bộ cần phải đào tạo qua thực tiễn để bố trí theo quy hoạch của từng ngành, từng cấp.

   - Một số đơn vị chưa xác định rõ quy trình, kế hoạch tổng thể để luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ một cách cơ bản, lâu dài. 

   - Một số trường hợp chưa làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ trước khi luân chuyển; việc bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trước khi cán bộ luân chuyển; nhất là những thông tin cần thiết về tình hình các mặt của địa phương nơi đến để cán bộ luân chuyển nắm, hiểu và sớm tiếp cận công việc; điều kiện làm việc nhiều nơi có cán bộ luân chuyển đến còn rất khó khăn, nhất là cấp xã.

   - Một số ngành cấp tỉnh chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện việc bố trí cán bộ của ngành mình ở cấp huyện không phải là người địa phương, chưa quyết tâm chỉ đạo thực hiện và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện triển khai thực hiện.

   - Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả công tác của cán bộ trong thời gian luân chuyển chưa thường xuyên. Một số nơi biến động cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác tổ chức nên việc chỉ đạo, tham mưu công tác luân chuyển cán bộ còn hạn chế.        

   3. Một số kinh nghiệm rút ra

   - Phải quán triệt sâu kỹ để tạo sự thống nhất cao về quan điểm, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc luân chuyển gắn với bố trí một số chức danh lãnh đạo cấp huyện không phải là người địa phương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; từ đó, xác định đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ.

   - Phải có kế hoạch luân chuyển cán bộ thật cụ thể, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực hiện quy hoạch và luân chuyển, giữa luân chuyển với điều động cán bộ; quá trình thực hiện bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, thận trọng và phải thật kiên quyết.

   - Phải coi trọng công tác bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trước khi thực hiện luân chuyển cán bộ; nhất là những thông tin cần thiết về tình hình các mặt của ngành, địa phương nơi đến để cán bộ luân chuyển nắm, hiểu và sớm phát huy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc trên cương vị công tác mới.

   - Phải làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ được luân chuyển và tổ chức đảng nơi có cán bộ luân chuyển đến; tuyệt đối không để cán bộ được luân chuyển có tư tưởng đến nơi nhận nhiệm vụ mới giữ kẽ, không để mất lòng, chỉ làm cho xong việc, hết thời gian rồi về; khắc phục nhận thức lệch lạc cho rằng sau luân chuyển cán bộ phải được bố trí chức vụ cao hơn.

   - Trong thời gian luân chuyển, cấp ủy quản lý cán bộ luân chuyển phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ được luân chuyển kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đưa việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trở thành nền nếp, thường xuyên, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác cán bộ.   

   - Phải có chế độ, chính sách phù hợp, góp phần giải quyết khó khăn, động viên tinh thần đối với cán bộ luân chuyển.   

   III. Một số kiến nghị và đề xuất 

   1- Khái niệm “người địa phương” được đề cập trong hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương qua 2 kỳ đại hội đã có sự thay đổi về nội hàm, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nên việc xác định như thế nào là “người địa phương” gặp nhiều khó khăn, đề nghị cần quy định hoặc hướng dẫn cụ thể hơn như thế nào thì được gọi là “người địa phương”.

   2- Cần có quy định về thời gian công tác ở nơi điều động đến đối với cán bộ không phải là người địa phương để cán bộ an tâm công tác, phát huy tốt khả năng và năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

   3- Đề nghị Trung ương sớm ban hành quy định khung về chính sách đối với cán bộ luân chuyển nói chung (phụ cấp, đi lại, nhà ở...), gắn với thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương. Sớm triển khai hệ thống nhà công vụ ở cấp huyện.        

   4- Việc bố trí chức danh luân chuyển là Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là phù hợp, giúp cán bộ luân chuyển nắm bắt, nâng cao kiến thức và học tập kinh nghiệm từ thực tiễn về công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên nói riêng và việc đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay và cũng là một trong những yêu cầu về hiểu biết, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể thiếu của người cán bộ lãnh đạo. Đồng thời, đã giúp tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bước đầu tạo được chuyển biến trên các lĩnh vực này. Do đó, bố trí chức danh luân chuyển này ở cấp tỉnh và cấp huyện với một tỷ lệ phù hợp là rất cần thiết./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO