Kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh; đồng thời tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương này.

   Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 15/8/2016 về tinh giản biên chế đối với cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đến năm 2021, xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% và tuyển dụng mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, thôi việc theo quy định; dự kiến lộ trình tinh giản biên chế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương từng năm (giai đoạn 2016 – 2021); xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động nghỉ hưu và nhu cầu tuyển dụng từng năm. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trọng tâm là xác định vị trí việc làm gắn với cơ cấu, tiêu chuẩn, chức danh từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo biên chế được giao.

   Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW đảm bảo đạt kết quả, tiến độ, thời gian lộ trình đã đề ra theo quy định, kết quả nổi rõ như sau:

   - Về số lượng biên chế tinh giản: Biên chế đến năm 2021 của toàn tỉnh đã đạt được tỷ lệ tinh giản tối thiểu là 10% theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó: biên chế của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được giao đến năm 2021 giảm 164 người (tỷ lệ 13,41%) so với số biên chế được giao năm 2015. Biên chế hành chính các cơ quan khối Nhà nước được giao đến năm 2021 giảm 531 người (tỷ lệ 20,66%) so với số biên chế được giao năm 2015; biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập các cơ quan khối Nhà nước được giao đến năm 2021 giảm 2.340 người (tỷ lệ 9,02%) %) so với số biên chế được giao năm 2015.

   Nhìn chung, việc tinh giản biên chế theo lộ trình từng năm (2015 – 2021) được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn hệ thống chính trị nghiêm túc thực hiện theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh; số lượng biên chế tinh giản đến nay đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch theo lộ trình từng năm; công tác tinh giản biên chế đảm bảo thực hiện thận trọng, chặt chẽ, đúng đối tượng và đúng chính sách quy định gắn với việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

   - Đối với việc quản lý biên chế các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo và y tế: Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng giáo viên dôi dư so với định mức và đẩy mạnh việc chuyển trả lương từ ngân sách sang trả lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp y tế. Các giải pháp đặt ra và triển khai thực hiện có lộ trình từng bước thận trọng để không gây xáo trộn hoạt động và ảnh hưởng đến tâm lý người làm việc tại đơn vị.

   - Đối với các tổ chức hội quần chúng được giao biên chế: Từ năm 2015 đến nay đã thực hiện cắt giảm 08 chỉ tiêu biên chế trong các tổ chức Hội; đồng thời, tỉnh đã xây dựng Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng theo Kết luận số 102-KL/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương. Đề án đã góp phần thay đổi nhận thức của các tổ chức hội về cách thức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và trách nhiệm, tính chủ động của tổ chức hội khi thực hiện nhiệm vụ. Sở Nội vụ và Sở Tài chính đã có hướng dẫn quy trình thực hiện, tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án có một số khó khăn, thiếu cơ chế, thiếu quy định cụ thể của Trung ương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng triển khai Đề án cho đến khi Trung ương ban hành Đề án và các hướng dẫn để thực hiện thống nhất chung.

   - Việc cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh, nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; về cơ cấu theo giới tính, người dân tộc thiểu số: Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng lên; cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, trong những năm qua tỉnh đã thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng thực hiện kém hiệu quả trong thi hành công vụ; đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức học tập, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành…; chú trọng chất lượng “đầu vào” thông qua tuyển dụng cạnh tranh, chú ý đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ là người dân tộc thiểu số; từng bước thực hiện việc bố trí, phân công công việc theo vị trí việc làm, trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

   Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết còn một số hạn chế, bất cập như: một số đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt, thiếu kế hoạch cụ thể để thực hiện; việc tinh giản biên chế chủ yếu là tự nguyện, thiếu giải pháp tích cực để tinh giản biên chế đối với những trường hợp có năng lực yếu; hầu hết các trường hợp tinh giản biên chế thuộc cơ quan nhà nước chủ yếu tập trung ở ngành giáo dục, y tế; các cơ quan còn lại số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đề nghị tinh giản biên chế còn rất thấp, chưa đảm bảo theo lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ.

   Theo đó, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong tập thể công chức, viên chức, người lao động về Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương. Hai là, tiếp tục bám sát các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương để xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó, tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn với việc giải quyết tốt chế độ chính sách, tinh giản biên chế cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trọng tâm là công tác chính trị tư tưởng, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ. Ba là, trên cơ sở tổng số biên chế được Trung ương giao và căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, tiếp tục thực hiện việc phân bổ biên chế cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đảm bảo không vượt quá số lượng biên chế được giao; xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu và lộ trình; quản lý chặt chẽ biên chế hành chính và sự nghiệp theo vị trí việc làm. Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương; rà soát, sắp xếp, bố trí và sử dụng chỉ tiêu biên chế được giao theo hướng thật sự tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với vị trí việc làm và đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO