Thực hiện Chỉ thị số 10 –CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới; trên cơ sở Hướng dẫn số 12 –HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và kết hợp với tình hình của địa phương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 08 hướng dẫn về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với các loại hình tổ chức đảng để thống nhất thực hiện trong toàn Đảng bộ; Trong đó, nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố được thực hiện theo Hướng dẫn số 14 –HD/BTCTU, ngày 29/10/2018. Trên cơ sở các hướng dẫn, các huyện, thị, thành ủy đã kịp thời tổ chức quán triệt và triển khai đến các tổ chức đảng bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình địa phương mình. Qua quán triệt triển khai thực hiện, nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng ở địa bàn thôn, khu phố đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhiều chi bộ đã phát huy tốt hơn vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, góp phần lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện nghiêm túc quy định chế độ sinh hoạt định kỳ, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; tỷ lệ bình quân đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ tăng, khắc phục tình trạng đảng viên vắng sinh hoạt chi bộ nhiều kỳ. Nội dung sinh hoạt được chuẩn bị khá kỹ và gửi trước cho đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến; đã có sự nghiên cứu, chọn nội dung hình thức và phương pháp phù hợp để tổ chức thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, căn bản tạo được sức lan toả. Trong sinh hoạt đã đề cao dân chủ, phát huy được trí tuệ tập thể, tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên, tạo được bầu không khí cởi mở để đảng viên bày tỏ chính kiến, góp ý xây dựng, góp phần giải quyết có kết quả những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; đảm bảo tính lãnh đạo, tính đảng, tính chiến đấu, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố vừa qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chi bộ nhận thức chưa sâu kỹ, chưa chủ động tìm ra các giải pháp, nhóm giải pháp khả thi để tổ chức sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng và hiệu quả theo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên. Một số cấp ủy xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản hướng dẫn về nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ ở các chi bộ thôn, khu phố nên không kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn khuyết điểm và chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nội dung sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ định kỳ hàng tháng ở một số chi bộ chậm cải tiến, còn dàn trải, chưa chú ý kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc nổi lên trong địa bàn dân cư; đồng chí chủ trì chưa linh hoạt, chưa chú ý gợi mở những vấn đề thiết thực để đảng viên thể hiện chính kiến của mình; số lượng ý kiến tham gia phát biểu chưa nhiều. Việc chấm điểm, đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt khó đạt loại tốt, do phải thực hiện đúng quy định về tỷ lệ đảng viên có mặt, thời gian sinh hoạt và số lượt đảng viên tham gia góp ý.
Với những kết quả đạt được, cùng một số tồn tại, hạn chế trong quá trình sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố diễn ra trong thực tế; để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố trong thời gian tới, các cấp ủy và tổ chức đảng cần tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp căn bản, đó là: (1)Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa và tính cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt chi bộ; phải làm tốt công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. (2)Chi ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chuẩn bị kỹ nội dung, quy trình sinh hoạt; thông báo trước nội dung, thời gian, địa điểm cho đảng viên biết để chủ động bố trí thời gian dự sinh hoạt và chuẩn bị ý kiến phát biểu; xác định và chọn những việc cụ thể thiết thực liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng để thảo luận, bàn và đề ra biện pháp giải quyết phù hợp. Mỗi đảng viên phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong sinh hoạt chi bộ. (3)Luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ; người chủ trì phải cung cấp thông tin và định hướng, khuyến khích đảng viên tham gia ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả. Các vấn đề chi bộ đưa ra bàn bạc, trao đổi, thảo luận, mọi đảng viên phải chủ động phát biểu tỏ rõ chính kiến của mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Những vấn đề sau khi được bàn bạc, biểu quyết theo đa số và trở thành nghị quyết của chi bộ, mọi đảng viên phải tuân thủ. (4)Việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cuối buổi sinh hoạt phải đảm bảo đúng thực chất. Cấp ủy cấp trên phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về: việc chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ; việc thực hiện nội dung, quy trình sinh hoạt của chi bộ; trong đó, cần chú ý nội dung về tự đánh giá chất lượng sinh hoạt của chi bộ để làm cơ sở cho việc xem xét, xếp loại chất lượng chi bộ cuối năm; đưa công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ vào nhiệm vụ thường xuyên. (5)Tiếp tục duy trì việc phân công các đồng chí cấp ủy cấp trên, lãnh đạo khối đảng dự sinh hoạt chi bộ trong các loại hình định kỳ theo quy định. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho cấp ủy viên, bí thư chi bộ về kỹ năng, nghiệp vụ theo quy định.
Thiết nghĩ, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nêu trên sẽ làm cho chi bộ ngày càng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, góp phần tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh ngay từ cơ sở, ở các địa bàn dân cư./.