Một số kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư về việc xác nhận trình độ lý luận chính trị và các văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

   Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; bảo đảm tính hệ thống và liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương pháp đào tạo, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh cán bộ để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16/9/2009 về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên nhằm bảo sự thống nhất về tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị trong Đảng; làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận chính trị và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đảng viên.

   Trên cơ sở quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, trong những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các khóa rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh, gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của từng giai đoạn.

   Qua 10 năm thực hiện Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư và các văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xác định trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức của tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

   Thứ nhất, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

   Trong 10 năm qua, đã có 1.164 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức; có 4.642 người được đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh. Hàng năm, có khoảng hơn 1.000 lượt cán bộ, đảng viên được đào tạo chương trình sơ cấp lý luận chính trị tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố.

   Thứ hai, bên cạnh các lớp đào tạo lý luận chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm triển khai thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Kế hoạch 108 –KH/TU ngày 29/8/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hàng ngàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh.

   Thứ ba, về việc xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện đồng bộ, đúng quy định theo phân cấp. Theo đó, đã có Từ 16/9/2009 đến nay, đã có 1149 cán bộ, đảng viên được xác nhận trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị.

   Nhìn chung, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh đúng quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản của Ban Tổ chức Trung ương. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác nghiên cứu, sáng tạo trong học tập. Khắc phục triệt để tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hóa bằng cấp của cả người dạy, người học, của cơ quan làm công tác cán bộ và cơ quan sử dụng cán bộ.

   Việc chọn cử cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ngày càng bám sát quy hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đa số cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều phát huy tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt quy chế, quy định trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, áp dụng vào thực tiễn công tác; từ đó, đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

   Tuy nhiên, nội dung, chất lượng đào đạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý; chất lượng đội ngũ giảng viên còn có mặt hạn chế.

   Các văn bản quy định về xác định trình độ chuyên môn và lý luận chính trị chưa thống nhất, nhất là việc xác định trình độ lý luận chính trị theo các Quy định số 12-QĐ/TC-TTVH, ngày 09/01/2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư, gây lúng túng trong việc xác định trình độ đào tạo trong xem xét đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử.

   Trong thời gian tới, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

   Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư và các văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

   Hai là, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

   Ba là, Trung ương cần ban hành đồng bộ các quy định về công tác cán bộ nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO