Đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2020

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch 108 – KH/TU, ngày 29/8/2018 với mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, đủ sức lãnh đạo xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện ngang tầm các địa phương khác trong khu vực.

Năm 2020, các cấp ủy đảng tập trung chuẩn bị tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Kế hoạch 108 – KH/TU của Tỉnh ủy tiếp tục được triển khai thực hiện đạt kết quả khá toàn diện. Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, toàn tỉnh đã có 5.131 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp đại học, sau đại học, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các lớp bồi dưỡng trong và ngoài nước do Trung ương và địa phương tổ chức, cụ thể như sau:

Đào tạo đại học: Tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt đào tạo 02 lớp Đại học Luật (niên khóa 2015 – 2020 và 2017 - 2022) cho 178 học viên tại Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận; cử sinh viên đi đào tạo và tiếp tục đào tạo chuyên ngành y theo địa chỉ sử dụng và đào tạo liên thông chuyên ngành y cho 156 người tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các Trường Đại học Y, Dược khác.

Đào tạo sau đại học: Cử 57 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học (thạc sỹ, tiến sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II); trong đó, có 55 công chức, khối Nhà nước, 02 viên chức khối Đảng.

Tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 01 lớp Cao học Luật dân sự và Tố tụng dân sự cho 42 cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan tư pháp tỉnh, các cơ quan hành chính Nhà nước làm công tác tư pháp và các cơ quan khối Đảng làm công tác nội chính, công tác kiểm tra, giám sát.

Đào tạo cao cấp lý luận chính trị: Đã cử 21 đồng chí đi học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực II, Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II (thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục đào tạo 01 lớp cho 88 cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh.

Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính: Đã mở 05 lớp hệ đào tạo tập trung tại Trường Chính trị tỉnh và 10 lớp hệ tại chức đào tạo cho 1.084 học viên của Công an tỉnh, Trại giam Xuân Lộc, Trại giam Huy Khiêm, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh, huyện Hàm Tân, huyện Phú Quý và thị xã La Gi.

Công tác bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo vị trí việc làm: Cử 30 đồng chí tham gia các lớp bồi dưỡng lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng công tác xây dựng Đảng cấp tỉnh, cấp huyện; mở 08 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo vị trí bổ nhiệm và bồi dưỡng theo vị trí việc làm cho 720 cán bộ, công chức.

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể chính trị – xã hội: Đã tổ chức Mở 08 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 889 cán bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã.

Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, kỹ năng xử lý tình huống: Mở 04 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống nhằm tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TU, ngày 20/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 342 học viên là bí thư đảng ủy cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN cấp xã; công chức địa chính – xây dựng, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã; mở 12 lớp bồi dưỡng cho 870 cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án đào tạo nghề nông thôn (Đề án 1956).

Công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: Đã mở 03 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cho 270 học viên; 03 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính cho 210 học viên và 02 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước chính quyền cơ sở cho 174 học viên.

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngay từ đầu năm phù hợp với từng đối tượng cán bộ, chức danh, vị trí công việc. Việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội đảng bộ và Đại hội HĐND các cấp của tỉnh; đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm, chức vụ công tác. Cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, áp dụng vào thực tiễn công tác; từ đó, đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao…

Tuy nhiên, còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tạo điều kiện cử cán bộ theo học các lớp đã đăng ký; vẫn còn tình trạng chọn cử cán bộ đi đào tạo chưa bảo đảm yêu cầu, còn nặng về chuẩn hóa bằng cấp.

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ quan, đơn vị mình và bám sát kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Hai là, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với công tác quy hoạch, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ; tạo điều kiện cử cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, phục vụ công tác ngày càng tốt hơn. Ba là, làm tốt công tác chọn cử cán bộ đi học; tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức về công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bốn là, thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc bố trí công tác sau đào tạo cho hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO