Các Hội quần chúng được quan tâm tạo điều kiện hoạt động theo đúng Điều lệ và quy định của Pháp luật; tập hợp đoàn kết rộng rãi đoàn viên, hội viên, phát hiện những nhân tố tích cực, những điển hình tiên tiến để tạo nguồn, bồi dưỡng cử đi học các lớp nhận thức về Đảng để giới thiệu cho cấp ủy xem xét, kết nạp. Công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp đã được các đoàn thể quan tâm, xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và đăng ký chỉ tiêu phát triển đảng cụ thể với cấp ủy, địa phương, đơn vị; từng bước phân công thành viên trực tiếp lãnh đạo, theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú để tạo nguồn giới thiệu cho cấp ủy kết nạp Đảng và được tiến hành theo định kỳ hoặc gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm.
Đến nay toàn tỉnh có 61 Hội quần chúng, trong đó có 10 Hội được Nhà nước giao biên chế; 10 Hội được nhà nước giao kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí hoạt động (chủ yếu là các tổ chức xã hội nghề nghiệp) và 41 Hội hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, tự bảo đảm kinh phí hoạt động của Hội mình. Các Hội được UBND tỉnh phân công các sở, ban, ngành quản lý nhà nước đối với các Hội cấp tỉnh tại Quyết định số 1446/QĐ-UBND, ngày 28/4/2014. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã quyết định ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và quản lý các hội cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 24/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng năm, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, đầu công việc có gắn với nhiệm vụ của nhà nước cho 20 hội cấp tỉnh, mỗi Hội nhận từ 2 – 7 nhiệm vụ tùy theo tính chất, nhiệm vụ và Điều lệ Hội quy định thể hiện trên các lĩnh vực như: tham gia vào việc phát triển cộng đồng, tham gia vào lĩnh vực kinh tế, thương mại, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng và bảo vệ quyền lợi hội viên, các hoạt động gây quỹ của hội như vận động các thành phần, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ các chương trình, dự án do Hội đề ra; hội phí do các hội viên đóng góp và sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước,…Nhìn chung các tổ chức Hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đều triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo, các hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Riêng các Hội ở cấp huyện bình quân mỗi Hội cấp huyện có từ 1 đến 3 biên chế, hoạt động theo chỉ đạo của Hội cấp tỉnh và sự chỉ đạo của cấp huyện, nhìn chung các hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định, Điều lệ, đạt hiệu quả thiết thực.
Về tình hình đảng viên và tổ chức đảng trong các Hội: Qua rà soát, trong tổng số 20 hội được nhà nước giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động có 4 tổ chức cơ sở đảng, giảm 2 tổ chức đảng so với năm 2014 với 73 đảng viên; trong đó: 10 tổ chức Hội được nhà nước giao biên chế với 89 viên chức, nhân viên (cơ quan văn phòng hội), có 47 đảng viên, chiếm tỷ lệ 52,81%. Trong đó: 4 hội có tổ chức đảng, chiếm tỷ lệ 40%; 6 Hội có đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng. 10 hội được nhà nước hỗ trợ kinh phí có đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng; có 28 đảng viên/39 viên chức, nhân viên (cơ quan văn phòng hội); Toàn tỉnh có 151.572 người. Trong 41 tổ chức Hội Xã hội - nghề nghiệp đều có đảng viên. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động nên các đảng viên sinh hoạt chủ yếu tại các chi bộ cơ quan, doanh nghiệp, thôn, khu phố,…
Về đánh giá phân loại chất lượng tổ chức đảng trong năm 2016, có 4/4 tổ chức đảng được phân loại, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, có 2 tổ chức đảng phân loại trong sạch vững mạnh, 01 tổ chức đảng phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và 01 tổ chức đảng phân loại hoàn thành nhiệm vụ.
Về phân loại chất lượng đảng viên năm 2016, ở 4 chi bộ có 35/35 đảng viên được đánh giá, phân loại, đạt tỷ lệ 100%; trong đó có 2 đảng viên xếp loại xuất sắc; 29 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 3 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 1 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhìn chung, thời gian qua, cấp ủy Đảng các hội quần chúng tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 23/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các Hội quần chúng trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 60-CT/TU ngày 22/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo công tác kết nạp đảng viên để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên. Chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các chi bộ từng bước được nâng lên, vai trò hạt nhân chính trị ở các hội quần chúng được phát huy.
Các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các tổ chức đảng hội quần chúng xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên mới phù hợp với đặc điểm của từng tổ chức Hội. Cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên là hội viên thông qua việc vận động, tập hợp hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội, tạo điều kiện cho những hội viên ưu tú có nguyện vọng phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
Tuy nhiên, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, rèn luyện, phát triển đảng viên và thành lập chi bộ trong các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh đến nay có chuyển biến nhưng còn chậm. Đa số các hội khó khăn trong việc lập cơ quan thường trực, văn phòng hội; có một số hội hoạt động cầm chừng hoặc gần như không hoạt động, việc thành lập chi bộ tại các hội rất khó khăn. Văn phòng các hội lại không có tổ chức công đoàn hoặc đoàn thanh niên để bồi dưỡng, giới thiệu các đoàn viên, hội viên ưu tú cho cấp có thẩm quyền xem xét, kết nạp vào Đảng…
Để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên trong các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, đề nghị cần tập trung một số nội dung sau: Một là, Cấp ủy đảng các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn phát triển đảng trong các hội viên, đoàn viên ở tổ chức mình; quan tâm đúng mức việc tuyên truyền, giáo dục; tạo mọi điều kiện để các tổ chức Hội quần chúng hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội của địa phương. Hai là, Trong thực hiện, cần phân công cấp ủy viên, thành viên các đoàn thể theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ để các đoàn viên, hội viên bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn giới thiệu cho cấp ủy xem xét kết nạp Đảng. Ba là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác kết nạp đảng viên mới của các tổ chức cơ sở đảng để phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng; vừa thực hiện đảm bảo tiêu chuẩn, vừa coi trọng chất lượng, vừa chú ý đến số lượng đảng viên trong các tổ chức Hội quần chúng./.