Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 108 – KH/TU của Tỉnh ủy. Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, toàn tỉnh đã có 4.554 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp đại học, sau đại học, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các lớp bồi dưỡng trong và ngoài nước do Trung ương và địa phương tổ chức, cụ thể như sau:
Đào tạo đại học: Tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt đào tạo 01 lớp Đại học Luật (niên khóa 2016 - 2020) cho 119 học viên tại Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận.
Đào tạo sau đại học: Cử 35 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học các ngành Sư phạm, chuyên khoa I, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Triết học… tại các trường đại học, học viện trong nước; trong đó, có 32 công chức, khối Nhà nước, 03 công chức, viên chức khối Đảng.
Phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh mở 01 lớp Cao học Luật dân sự và Tố tụng dân sự đào tạo 42 cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan tư pháp tỉnh, các cơ quan hành chính Nhà nước làm công tác tư pháp và các cơ quan khối Đảng làm công tác nội chính, công tác kiểm tra, giám sát.
Đào tạo cao cấp lý luận chính trị: Đã cử 11 cán bộ, công chức, viên chức học tại Học viện Chính trị Khu vực II (thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II (thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục đào tạo 02 lớp cho 177 cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh.
Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính: Đã mở 01 lớp hệ đào tạo tập trung tại Trường Chính trị tỉnh và về 09 lớp hệ tại chức đào tạo cho 677 học viên của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và Khối các cơ quan tỉnh, huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.
Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng: Đã cử 21 cán bộ học các lớp bồi dưỡng ngạch kiểm tra viên chính, nghiệp vụ công tác kiểm tra, công tác dân vận, công tác tổ chức.
Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể chính trị – xã hội: Đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 550 cán bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã.
Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, kỹ năng xử lý tình huống: Đã mở 05 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống nhằm tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TU, ngày 20/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 635 học viên là bí thư, phó bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQVN cấp xã.
Công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: Đã mở 03 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cho 210 học viên; 02 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính cho 140 học viên và 02 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước chính quyền cơ sở cho 174 học viên.
Công tác bồi dưỡng học tập kinh nghiệm nước ngoài theo Đề án 165: Đã cử 09 cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh và 03 cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp huyện tham gia các Đoàn bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn tại New Zealand, Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan theo các chương trình của Ban Tổ chức Trung ương.
Bên cạnh việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng các lớp do Học viện khu vực II và Trường Chính trị tỉnh tổ chức, trong tháng 8/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 1.761 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Lớp học bằng hình thức trực tuyến tại Hội trường A - Trung tâm Hội nghị tỉnh và tại các điểm cầu của 10 huyện, thị, thành phố; nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tập trung vào 04 chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Địa chính trị, địa kinh tế, địa an ninh- quốc phòng; ảnh hưởng và tác động đến Việt Nam và tỉnh Bình Thuận; Chuyên đề 2: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và công nghệ cao. Thực trạng và giải pháp của Việt Nam và của tỉnh Bình Thuận; Chuyên đề 3: Vấn đề liên kết vùng trong phát triển du lịch bền vững. Thực trạng và giải pháp của Việt Nam và của tỉnh Bình Thuận; Chuyên đề 4: Chọn lọc thông tin và việc xử lý phù hợp các loại thông tin trong tình hình hiện nay. Thông qua các nội dung được bồi dưỡng nói trên đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, áp dụng vào thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ngày càng gắn với nhu cầu nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, đơn vị. Năm 2019, với sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khá chặt chẽ, bám sát yêu cầu, mục tiêu của kế hoạch đào tạo gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; khắc phục dần tình trạng đào tạo dàn trải, không theo quy hoạch; hầu hết cán bộ đương chức và cán bộ được quy hoạch đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng theo tiêu chuẩn chức danh vị trí công tác. Việc đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ quản lý cấp phòng, đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh được quan tâm hơn. Nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp tục có bước đổi mới, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống, cập nhật kiến thức theo từng chức danh; đội ngũ cán bộ cấp xã tiếp tục được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, việc đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ quản lý cấp phòng, đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cần đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung, chất lượng một số chuyên đề đào đạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động nhiệm vụ, công vụ; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh rất lớn trong khi kinh phí chi cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của địa phương còn khó khăn.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, chú ý hơn trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các cơ sở đào tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hai là, quan tâm nhiều hơn trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu hợp lý, thường xuyên bổ sung, cập nhật các kiến thức mới để nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cán bộ, giảng viên trẻ. Ba là, thực hiện kịp thời các chính sách hiện hành của tỉnh và các chính sách của Trung ương đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, ban hành một số chính sách mới để thu hút cán bộ và thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Bốn là, thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc bố trí công tác sau đào tạo cho hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo./.