Một số kết quả đạt được qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” được kế thừa từ Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, trong những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các khóa rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh, gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của từng giai đoạn; đồng thời không ngừng củng cố, kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

   Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức của tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

   Thứ nhất, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

   Trong 05 năm qua, đã có 739 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức; có 2.930 người được đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh. Hàng năm, có khoảng hơn 1.000 lượt cán bộ, đảng viên được đào tạo chương trình sơ cấp lý luận chính trị tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, nhằm triển khai thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngày 29/10/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hơn 23.000 lượt cán bộ, đảng viên của tỉnh.

   Thứ hai, chế độ, chính sách đối với cán bộ đi học lý luận chính trị được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung để thực hiện và hỗ trợ thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Qua 02 lần sửa đổi, bổ sung đến nay chính sách đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị được quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND, ngày 20/11/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành quy định về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục rà soát, sửa đổi Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND theo hướng điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người học, ưu tiên đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở huyện Phú Quý.

   Thứ ba, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh.

   Trường Chính trị tỉnh được đầu tư xây dựng tại địa điểm mới dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2020, đồng thời Trường được tạo điều kiện về kinh phí để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy. Thực hiện “Đề án xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện” ban hành theo Quyết định số 671-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cũng  đã được đầu tư xây dựng mới hoặc sữa chữa trụ sở làm việc; mua sắm trang thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy.

   Việc sắp xếp bộ máy của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) được thực hiện thận trọng, chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao của các cơ sở đào tạo. Đến nay, tổ chức bộ máy mới của Trường Chính trị tỉnh đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả sau sắp xếp tổ chức, bộ máy. Đối với các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong toàn tỉnh đã thực hiện việc bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; hoạt động của Trung tâm đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên thường xuyên được tạo điều kiện cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nghiệp vụ sư phạm, cập nhật kiến thức mới, đi thực tế cơ sở nhằm củng cố, bổ sung kiến thức lý luận, nắm bắt cập nhật tri thức thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

   Nhìn chung, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh đúng quy định tại các văn bản của Ban Tổ chức Trung ương và cập nhật kiến thức mới theo quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/2/2013 của Bộ Chính trị và Quy định số 2138-QĐ/TU, ngày 07/11/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học trung cấp, cao cấp và cử nhân lý luận chính trị. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác nghiên cứu, sáng tạo trong học tập. Khắc phục triệt để tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hóa bằng cấp của cả người dạy, người học, của cơ quan làm công tác cán bộ và cơ quan sử dụng cán bộ.

   Việc chọn cử cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ngày càng bám sát quy hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đa số cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều phát huy tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt quy chế, quy định trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, áp dụng vào thực tiễn công tác; từ đó, đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

   Tuy nhiên, nội dung, chất lượng đào đạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý; chất lượng đội ngũ giảng viên còn có mặt hạn chế, có trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Không ít học viên xác định chưa đúng mục tiêu đào tạo là nâng cao trình độ lý luận chính trị để phục vụ công tác tốt hơn mà coi mục tiêu đào tạo là có đủ bằng cấp để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh.

   Trong thời gian tới, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

   Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

   Hai là, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

   Ba là, xây dựng và thực hiện quy định về việc quản lý nghiêm chế độ dạy và học lý luận chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương dạy và học, khắc phục tình trạng ngại học, lười học; tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao trách nhiệm của người học, gắn với đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO