Trong những năm qua, hoạt động của các chi bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chi bộ đã thực hiện tương đối tốt sinh hoạt chi bộ thường kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng nhưng trong thực tế vẫn có những cuộc sinh hoạt chất lượng chưa cao: nội dung sinh hoạt chi bộ còn nặng về phổ biến, liệt kê những công việc đã làm trong tháng trước hoặc hoặc nặng bàn về công tác lãnh đạo chuyên môn; hình thức sinh hoạt còn đơn điệu, ít được đổi mới; việc đảng viên tham gia phát biểu ý kiến còn ít; nội dung phát biểu chủ yếu bổ sung báo cáo, nghị quyết. Ở một số Đảng bộ, các chi bộ đã được hướng dẫn, chỉ đạo sinh hoạt theo chuyên đề, nhưng trên thực tế hình thức này chưa được nhân rộng một cách phổ biến; việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề chưa nhiều, nặng về phổ biến chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thậm chí, chất lượng sinh hoạt chuyên đề của chi bộ cũng chưa tốt. Việc ghi chép biên bản đôi khi thiếu cẩn thận, chưa phản ánh được đúng tinh thần và nội dung của cuộc họp… Từ thực trạng chất lượng sinh hoạt của các chi bộ thì việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực sự là vấn đề cần thiết, nhằm nâng cao lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ mới.
Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới; ngày 06/7/2018, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trên cơ sở đó, ngày 29/10/2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 8 Hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức đảng của Đảng bộ tỉnh (từ Hướng dẫn số 14 đến số Hướng dẫn số 21-HD/BTCTU).
Điểm mới của các Hướng dẫn nêu trên là ngoài việc hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ theo từng loại hình thì Hướng dẫn còn có quy định về việc đánh giá và xếp loại chất lượng của buổi sinh hoạt chi bộ trong tháng (trong đó coi trọng các nội dung như: tỷ lệ đảng viên dự họp; thời gian tổ chức sinh hoạt; đảng viên tham gia ý kiến; việc ghi chép biên bản sinh hoạt); căn cứ kết quả xếp loại chất lượng sinh hoạt 12 tháng trong năm để đánh giá, xếp loại chi bộ hằng năm. Kết quả xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ trong năm là cơ sở để chi bộ đề xuất đánh giá chất lượng chi bộ hằng năm theo quy định.
Để chất lượng sinh hoạt chi bộ thật sự đạt hiệu quả trong thời gian đến thì vai trò của các cấp ủy, bí thư chi bộ, tổ chức đảng rất quan trọng. Trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng phải làm tốt công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên về mục đích yêu cầu, ý nghĩa của sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt cấp ủy nhất là người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng; thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ. Các cấp ủy cấp trên phải tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Ngoài ra đòi hỏi mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bí thư chi bộ phải nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ; phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.