Kết quả 05 năm thực hiện việc công nhận người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”

Thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày ngày 09/4/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phổ biến, quán triệt việc công nhận người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31; đăng tải nội dung Nghị định lên trang website của Tỉnh ủy, Cổng Thông tin – Điện tử tỉnh nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cấp ủy địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành các văn bản triển khai việc xét công nhận người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31; đồng thời theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ cấp ủy cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trả lời, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, thắc mắc của cá nhân, thân nhân người hoạt động cách mạng trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng.

   Các cấp ủy trực thuộc tỉnh, cấp ủy cơ sở và các ngành chức năng nắm chắc nội dung, triển khai thực hiện quy trình lập và xét duyệt hồ sơ, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 theo đúng quy định. 

   Qua quá trình 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 31 của Chính phủ, việc công nhận người hoạt động cách mạng theo đã đạt được một số kết quả như sau:

   - Thứ nhất, về việc lập hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định tại Nghị định số 31. Theo đó, cá nhân người hoạt động cách mạng hoặc thân nhân của người hoạt động cách mạng (đã hy sinh, từ trần) lập hồ sơ kèm theo biên bản ủy quyền gồm: Bản khai về quá trình hoạt động cách mạng theo mẫu quy định, kèm theo những giấy tờ, tài liệu để làm căn cứ xác nhận người hoạt động cách mạng.

   - Thứ hai, việc thẩm định hồ sơ: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét, công nhận người hoạt động cách mạng, cấp xã, cấp huyện đều thành lập hội đồng xét duyệt trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Hồ sơ để làm căn cứ xác nhận chủ yếu là giấy báo tử, chứng nhận hy sinh của liệt sĩ; lịch sử đảng bộ xã, huyện; lý lịch cán bộ, đảng viên. Việc thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định trong 05 năm qua theo Nghị định số 31 của Chính phủ tại tỉnh Bình Thuận được thực hiện đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và quy trình theo quy định.

   - Thứ ba, việc xét công nhận: Ban Tổ chức Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì tổng hợp, thẩm định, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định công nhận 37 trường hợp người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31 của Chính phủ, trong đó có 25 cán bộ lão thành cách mạng; 12 cán bộ tiền khởi nghĩa. Những trường hợp đủ điều kiện công nhận đều được Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định và báo cáo đầy đủ để tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc căn cứ để xem xét công nhận, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đều có văn bản trả lời cho cấp ủy địa phương hoặc gia đình người hoạt động cách mạng. Những trường hợp còn vướng mắc, chưa rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan tham mưu có văn bản hỏi ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét và cho ý kiến.

   Qua 05 năm thực hiện Nghị định số 31, tất cả các trường hợp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định công nhận đều được thẩm định và công nhận đảm bảo theo đúng điều kiện, tiêu chuẩn quy trình quy định. Các trường hợp đã được công nhận đều được thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách theo đúng quy định hiện hành; không phát sinh thư đơn khiếu nại, tố cáo.

   Ngoài những thuận lợi trong việc công nhận người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31 của Chính phủ, trong quá trình hướng dẫn cá nhân, thân nhân người hoạt động cách mạng lập hồ sơ đề nghị công nhận cũng như trong quá trình thẩm định hồ sơ để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:

   - Lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên để làm căn cứ xác nhận kê khai không đầy đủ thời gian hoạt động cách mạng, tổ chức nơi tham gia cách mạng, và chức vụ khi tham gia cách mạng trong từng giai đoạn; tên trong lý lịch hoặc trong hồ sơ liệt sĩ không thống nhất với tên người hoạt động cách mạng ghi trong Lịch sử đảng bộ địa phương (hoặc ngược lại); có nhiều trường hợp tham gia hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa của địa phương nhưng chức vụ của người hoạt động cách mạng ghi trong hồ sơ chưa rõ, chưa cụ thể theo quy định; có trường hợp ghi không khớp với lịch sử của đảng bộ địa phương; giấy chứng nhận hy sinh của liệt sĩ không ghi rõ ngày, chỉ ghi tháng, năm hy sinh, không ghi rõ nơi và chức vụ khi hy sinh; chức vụ trước khi hy sinh chỉ ghi là chủ tịch xã, bí thư xã; nội dung Lịch sử đảng bộ xã có nơi còn chung chung, chưa cụ thể…

   - Phong trào cách mạng ở Bình Thuận trong những năm 1930 và đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 hầu hết do những cán bộ từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… vào Bình Thuận hoạt động; quá trình đó, có một số đồng chí đã chuyển vùng hoạt động, một số đồng chí đã hy sinh nhưng hiện không tìm được thân nhân của các đồng chí đó để xem xét, công nhận theo Nghị định số 31. Một số cán bộ trước Cách mạng tháng Tám hoạt động ở các tỉnh khác, sau giải phóng về nghỉ hưu, sinh sống tại Bình Thuận rồi từ trần; khi xét duyệt hồ sơ để thực hiện chế độ cho các đồng chí này, cơ quan chức năng của tỉnh nhận thấy không đầy đủ yếu tố theo quy định để xem xét, công nhận vì các đồng chí này trước đây không hoạt động cách mạng tại địa phương; sau đó, thân nhân của các đồng chí này mang hồ sơ đến địa phương nơi trước đây hoạt động cách mạng thì được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi hoạt động cách mạng trước đây xét, công nhận…, làm thời gian xác minh của cơ quan có thẩm quyền kéo dài và gây khó khăn cho đối tượng.

   Trước những khó khăn vướng mắc trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những văn bản kiến nghị, đề xuất với các cơ quan Trung ương có thẩm quyền về sửa đổi một số nội dung quy định tại Nghị định 31 để thuận tiện hơn trong quá trình xem xét công nhận người hoạt động cách mạng, góp phần làm tốt hơn nữa công tác thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO