Theo hướng dẫn này, trên cơ sở kết quả kiểm điểm và tự xếp loại của từng cá nhân, cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ theo Quy chế đánh giá cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị khóa X; chi bộ sẽ xếp loại chất lượng đảng viên theo Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW ngày 11/10/2011 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Qua đó, có sự gắn kết chặt chẽ giữa kiểm điểm tự phê bình theo quy định của Điều lệ Đảng với đánh giá cán bộ, công chức, xếp loại chất lượng đảng viên hàng năm, góp phần cải cách hành chính trong sinh hoạt Đảng, bước đầu được đánh giá là tránh chồng chéo, trùng lặp khi thực hiện kiểm điểm, đánh giá tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý, cán bộ, đảng viên, công chức hằng năm.
Trong năm 2014, Ban Tổ chức Trung ương Đảng xác định có sáu nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện; trong đó, đề cập đến nhiệm vụ là tham mưu “Xây dựng quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại chất lượng đối với tổ chức đảng, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên hằng năm”.
Theo tôi, việc ban hành quy định trên là cần thiết, cần có quy định mang tính pháp lý, tính nguyên tắc làm cơ sở thực hiện các nội dung mà từ trước đến nay, các nội dung này đề cập ở nhiều văn bản quy định, hướng dẫn khác nhau. Song cũng đòi hỏi việc tham mưu ban hành quy định này phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học sao cho dễ thực hiện, tránh rơi vào hình thức. Từ thực thế công tác của bản thân, tôi thấy cần quan tâm xử lý tốt một số vấn đề sau:
Một là: Nội dung kiểm điểm tự phê bình với nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức theo Quyết định 286 của Bộ Chính trị và Luật cán bộ công chức hàng năm. Theo Hướng dẫn số 22 của Ban Tổ chức Trung ương, nội dung kiểm điểm tự phê bình có mối quan hệ chặt chẽ với nội dung đánh giá xếp loại cán bộ, công chức nhưng không đồng nhất với nhau. Nội dung kiểm điểm tự phê bình rộng hơn, toàn diện hơn, yêu cầu cao hơn nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ; còn nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ hẹp hơn, rõ ràng hơn, dễ lượng hóa hơn. Theo đó, những gì đánh giá thì phải được kiểm điểm làm rõ trước khi đánh giá, kiểm điểm là cơ sở để đánh giá. Và trên cơ sở nội dung đánh giá cán bộ, kết hợp với các tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với từng cán bộ thì mới đánh giá xếp loại sát và đúng thực chất.
Hai là: Nội dung kiểm điểm của đảng viên là cán bộ, công chức lãnh đạo với nội dung kiểm điểm của đảng viên thường. Đảng viên là cán bộ, công chức lãnh đạo thì chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn khác với đảng viên thường nên nội dung kiểm điểm, đánh giá xếp loại đối với đảng viên là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý rộng hơn so với đảng viên thường. Do đó, đảng viên là cán bộ, công chức lãnh đạo phải kiểm điểm như đối với đảng viên và thêm những nội dung khác thuộc về vai trò lãnh đạo, quản lý. Tương tự, Luật cán bộ công chức quy định về nội dung đánh giá công chức và công chức lãnh đạo “Công chức lãnh đạo, quản lý thì ngoài những nội dung như công chức đánh giá thêm nội dung Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức”. Theo Hướng dẫn số 22 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện kiểm điểm năm 2013 thì “cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nơi nào thì đi sâu kiểm điểm việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao ở nơi đó; khi kiểm điểm ở chi bộ thì báo cáo tóm tắt về kết quả kiểm điểm ở các nơi trên và đi sâu kiểm điểm về chức trách, nhiệm vụ của đảng viên”.
Như vậy, cần xem xét, cân nhắc về cách diễn đạt nội dung kiểm điểm, đánh giá xếp loại cho phù hợp. Tránh tình trạng nội dung kiểm điểm của đảng viên là cán bộ lãnh đạo đơn giản, không đầy đủ bằng đảng viên thường.
Ba là: Nội dung đánh giá và mức xếp loại cán bộ theo Quyết định 286 của Bộ Chính trị với nội dung và mức xếp loại theo Luật cán bộ công chức. Hiện nay, nội dung đánh giá, xếp loại theo quy định giữa Luật cán bộ công chức và Quyết định 286 của Bộ Chính trị về cơ bản đều xoay quanh đánh giá về “tài” và “đức”, tuy nhiên vẫn có điểm chưa thống nhất (diễn đạt nội dung, các mức xếp loại); cùng đối tượng nhưng bị điều chỉnh bởi hai văn bản khác nhau và chưa thống nhất sẽ khó thực hiện. Do vậy, trong thời gian tới cũng cần xem xét xử lý sự khác nhau này. Mặt khác, cũng nên xác định rõ nội hàm, phạm vi, tính thứ bậc của từng nội dung bộ phận để trách trùng lắp.
Bốn là: Trình tự thực hiện giữa đảng viên là cán bộ, công chức lãnh đạo và đảng viên thường với đáng giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng; trình tự đánh giá các tổ chức trong hệ thống chính trị; giữ cấp trên và cấp dưới...Lâu nay, việc kiểm điểm được tiến hành theo trình tự: “trên trước, dưới sau”; “tập thể trước, cá nhân sau”; cấp uỷ viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Cơ quan chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tiến hành việc đánh giá, xếp loại thi đua đối với tổ chức và đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi tiến hành đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Trên cơ sở kết quả kiểm điểm và tự xếp loại của từng cá nhân (về đảng và chính quyền), cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ theo Quy chế đánh giá cán bộ, công chức...
Thực tế cho thấy, kết quả đánh giá xếp loại chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể là thước đo, cơ sở đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng thì đã khá rõ; nhưng kết quả đánh giá, xếp loại, bình xét thi đua của cơ quan, chính quyền, các đoàn thể thì chưa quy định rõ, còn chồng chéo. Chẳng hạn, kết quả đánh giá, xếp loại về mặt chính quyền làm cơ sở xếp loại, bình bầu danh hiệu thi đua về mặt đoàn thể (công đoàn) nhưng khi thực hiện lại đánh giá xếp loại đoàn thể (công đoàn) trước khi đánh giá chính quyền, dẫn đến hình thức, đối phó, không thực chất. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, cấp tỉnh chỉ đạo hướng dẫn thực hiện đối với từng tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương; nhưng những bất hợp lý nêu trên không thể sửa được nếu như các cơ quan Trung ương không cùng nhau rà soát lại văn bản chỉ đạo hướng dẫn của mình, nhất là đối với cấp cơ sở và trên cơ sở sao cho đồng bộ.
Do đó, cần phải quy định trình tự tiến hành tổng kết, đánh giá một cách đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở từng cấp và giữa cấp trên và cấp dưới. Không đưa vào tiêu chí xếp loại đối với tổ chức, cá nhân cán bộ bằng kết quả đánh giá, mức xếp loại của tổ chức khác khi tổ chức đó chưa được đánh giá xếp loại. Cần quy định trình tự thời gian tiến hành từ trên xuống dưới cho phù hợp, nhất là các đồng chí tham gia, là thành viên nhiều tập thể lãnh đạo.
Năm là: Phân cấp nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức lãnh đạo. Cần quy định chi tiết thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác đánh giá cán bộ, theo hướng ai giao nhiệm vụ cho cán bộ thì đánh giá cán bộ đó, cấp trưởng đánh giá cấp phó; chỉ nên có một cấp đánh giá cán bộ, tránh tình trạng lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành dọc cấp trên cùng đánh giá một cán bộ và thực tế đã có sự khác nhau về mức độ đánh giá xếp loại.
Tham mưu ban hành văn bản khoa học, sát thực tế, dễ hiểu, dễ thực hiện là điều rất quan trọng. Điều đó, góp phần đưa quan điểm, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương trong công tổ chức xây dựng Đảng