Làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

  • /
  • 2.5.2013 - 8:20

Sinh hoạt chi bộ là một trong những hình thức hoạt động, đồng thời cũng là nguyên tắc tổ chức có liên quan mật thiết đến nhiệm vụ xây dựng, củng cố chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

                  Trong thời gian qua, nhìn chung các cấp ủy, chi bộ đã quan tâm hơn đến hình thức, nội dung, biện pháp để nâng cao chất lượng trong sinh hoạt chi bộ; nhiều cấp ủy thể hiện tính năng động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, quy định được ngày sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, nội dung sinh hoạt chi bộ sinh động, phong phú hơn… Bên cạnh đó, từng đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, tham gia bàn bạc, thảo luận đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để cấp ủy quyết định và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa bàn và đã có ảnh hưởng trực tiếp đến quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được nêu trên; chất lượng sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa bám sát hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Nhiều chi bộ còn lúng túng trong xây dựng nghị quyết, trong nội dung sinh hoạt chuyên đề, đảng viên ít thảo luận…

Những hạn chế, lúng túng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là do chi bộ chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chi bộ mình nên xây dựng nội dung sinh hoạt không sát với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát của các cấp ủy trực thuộc, các ban xây dựng Đảng của cấp ủy cấp trên và cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cấp ủy chưa được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng và phương pháp công tác của bí thư; nhất là bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư. …

Vậy, Làm thế nào để sinh hoạt chi bộ có chất lượng? Làm thế nào để sinh hoạt chi bộ thật sự sôi nổi, hấp dẫn…?

Để thỏa mãn vấn đề: “Làm thế nào để sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng”?, chúng ta cần phải đảm bảo 3 yêu cầu ([1]), đó là: tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. “Tính lãnh đạo” thể hiện qua nghị quyết. Vì vậy, khi ra nghị quyết nội dung phải đúng, phải thiết thực, xác định được vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo.  “Tính giáo dục” góp phần hoàn thiện con người bằng sự uốn nắn những quan điểm lệch lạc để người được uốn nắn biết, tự sửa đổi và tự khắc phục vươn lên. “Tính chiến đấu” thể hiện qua tinh thần đấu tranh để người được phê bình trưởng thành hơn và tốt hơn…

Vấn đề thứ hai: “Làm thế nào để sinh hoạt chi bộ thật sự sôi nổi, hấp dẫn”?. Đây là trách nhiệm và phương pháp của đồng chí bí thư chi bộ: Muốn cuộc sinh hoạt chi bộ sôi nổi, hấp dẫn, đồng chí bí thư chi bộ phải nghiên cứu tìm ra những hình thức phù hợp, sáng tạo để chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ; trong điều hành, chủ trì phải thật sự dân chủ; tạo mọi điều kiện để đảng viên đều được tham gia phát biểu chính kiến của mình. Bên cạnh đó, phải quy định cụ thể thời gian sinh hoạt chi bộ để tất cả đảng viên được biết, tự giác đến tham gia sinh hoạt.

Mặt khác, đối với người đảng viên phải nghiêm túc tự giác chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; phải có trách nhiệm tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ, đúng định kỳ; phải nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình – vì đây cũng là sự thể hiện tình yêu thương đồng chí, sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ Đảng. Có như vậy, ngày sinh hoạt chi bộ là ngày mà đảng viên trong chi bộ đều mong chờ và có như vậy mới góp phần phát huy được sức mạnh của chi bộ, chi bộ sẽ là nơi để cán bộ, đảng viên, quần chúng đặt niềm tin.

            Thiết nghĩ, ngoài thực hiện tốt những vấn đề được nêu ở trên, đòi hỏi đồng chí bí thư chi bộ phải hiểu sâu sắc và nắm vững những điều trong Điều lệ Đảng (khóa XI), Quy định số 45-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  về thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 05/01/2012 của Ban Bí thư về hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 17/5/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên và lập biểu thống kê cơ bản trong hệ thống tổ chức đảng. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp, các ban tham mưu của cấp ủy thường xuyên tăng cường kiểm tra, tham dự sinh hoạt chi bộ, để nắm bắt tình hình thực tế tại các chi bộ… Được vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ được nâng lên, góp phần làm cho chi bộ luôn vững mạnh.

                                                             Lê Thị Hoà

([1]) Lời kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong Hội nghị Bí thư chi bộ khu phố, thôn. 


  • |
  • 1408
  • |

Các tin khác

QUẢNG CÁO