Theo phân công, phân cấp về đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét, đánh giá xếp loại các đồng chí là Tỉnh ủy viên; giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; trưởng ban chuyên trách HĐND tỉnh; phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát tỉnh; cấp trưởng, cấp phó các ban đảng và Mặt trận, đoàn thể tỉnh; bí thư, phó bí thư các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các đối tượng còn lại, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ uỷ quyền cho Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc nhận xét, xếp loại.
Căn cứ kết quả kiểm điểm của các địa phương, đơn vị theo Kế hoạch số 18-KH/TU và Tiêu chí xếp loại cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 359-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ dự thảo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá, nhận xét những ưu, khuyết điểm chính và xếp loại đối với từng cán bộ. Khi dự thảo văn bản nhận xét, kết luận, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã căn cứ và nghiên cứu tham khảo gồm 09 loại tài liệu sau: (1) Bản tự kiểm điểm cá nhân; (2) báo cáo kiểm điểm của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; (3) biên bản họp kiểm điểm tập thể, cá nhân; (4) kết luận của cơ quan, đơn vị đối với cá nhân lãnh đạo; (5) các thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, báo cáo giám sát của các Ban HĐND tỉnh làm việc với đơn vị, địa phương; (6) văn bản kết luận về thanh, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh; (7) các văn bản nhắc nhở của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành; (8) báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được giao năm 2011 của đơn vị, địa phương; (9) các văn bản góp ý của các ban đảng, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về các dự thảo nhận xét, xếp loại cán bộ (sau khi dự thảo Ban Tổ chức Tỉnh ủy gửi lấy ý kiến theo quy trình). Kết quả đánh giá, xếp loại năm 2011 có 18 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 89 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, 8 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ; có 3 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế một số mặt.
Quy trình đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo quản lý trong năm 2011 cơ bản đảm bảo được nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai; phát huy trách nhiệm của tập thể và cá nhân; nội dung đánh giá đã sát người, sát việc hơn, gắn với chức trách nhiệm vụ được giao; từng bước làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác của từng cán bộ; lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại cán bộ; chỉ cho cán bộ thấy được mặt mạnh, mặt yếu để phấn đấu rèn luyện; đồng thời giúp cho cơ quan quản lý cán bộ có cơ sở xem xét để quy hoạch, bố trí, sử dụng…
Tuy nhiên, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2011 tuy có chuyển biến bước đầu nhưng nhìn chung còn nhiều hạn chế, cụ thể là:
- Việc tự nhận xét, xếp loại cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn chung chất lượng còn hạn chế, chưa bám sát nội dung kiểm điểm và tiêu chí xếp loại đã quy định, nỗi rõ là: Báo cáo kiểm điểm của tập thể lãnh đạo, bản tự kiểm điểm cá nhân còn đánh giá, liệt kê, ghi nhận nhiều về kết quả, thành tích, ít chỉ rõ khuyết điểm, thiếu sót (bản kiểm điểm cá nhân một số đồng chí phần ưu điểm ghi tới 2 - 3 trang, phần khuyết điểm tồn tại chỉ ghi có mấy dòng); tự xếp loại thì hầu hết xếp loại mức hoàn thành tốt hoặc xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao trong khi cơ qua, đơn vị, địa phương có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ không hoàn thành…; tóm lại, thực trạng chung là thấy rõ, nói kỹ và ghi nhận hết ưu điểm, kết quả, thành tích nhưng chưa sẵn sàng, mạnh dạn nhận đầy đủ những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của bản thân hoặc cơ quan, đơn vị.
- Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, kiểm điểm tập thể lãnh đạo, đánh giá nhận xét cán bộ lãnh đạo quản lý và công tác thi đua khen thưởng chưa thực sự gắn kết, đồng bộ. Do vậy nên có trường hợp chi, đảng bộ được xếp loại trong sạch vững mạnh, người đứng đầu (bí thư chi, đảng bộ cơ sở) đề nghị xếp loại hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ nhưng cơ quan, đơn vị thì chưa hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm được giao; có cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đề nghị khen thưởng cho cơ quan và người đứng đầu. Ngược lại, có đồng chí lãnh đạo cơ quan đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhưng do nguyên nhân khách quan như có đáng viên sinh con thứ 3, chi bộ không được công nhận trong sạch, vững mạnh nên bị hạ mức xếp loại.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:
- Các văn bản triển khai thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tuy từng bước được nghiên cứu theo hướng đơn giản, cụ thể, dễ làm, nhưng nhìn chung vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó thực hiện, dễ gây lẫn lộn giữa nội dung kiểm điểm đánh giá với tiêu chí xếp loại ; các hướng dẫn, quy định về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo quản lý vẫn chưa đồng bộ. Mặt khác đến nay Ban Tổ chức Trung ương Đảng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quyết định số 286 -QĐ/TW của Bộ Chính trị về nội dung, tiêu chí đánh giá nên địa phương thực hiện còn nhiều lúng túng, nhất là nội dung đánh giá, mức xếp loại cán bộ, công chức theo Luật cán bộ công chức và Quyết định số 286 -QĐ/TW của Bộ Chính trị có điểm chưa thống nhất nhau.
- Việc xem xét các yếu tố khách quan trong thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của cán bộ trong thời hạn đánh giá; xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu nào là pháp lệnh (chủ trì, phải hoàn thành), nhiệm vụ, chỉ tiêu nào là phối hợp, phấn đấu… không lượng hóa được nên khi xác định mức độ hoàn thành để xếp loại theo tiêu chí thường gặp khó khăn. Các văn bản có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh (kết luận thông báo làm việc, chỉ đạo, nhắc nhở, báo cáo giám sát…) và công tác cán bộ (thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, phê bình…) tuy cuối năm các cơ quan liên quan đã cung cấp, song chưa đầy đủ, kịp thời, liên tục, hệ thống nên các cơ quan tham mưu, tổng hợp thiếu thông tin để đánh giá.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý như nêu trên, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số việc sau:
- Quyết định số 286 -QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị quy định cán bộ được đánh giá 3 mặt, đó là: kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chiều hướng và triển vọng phát triển, trong đó kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao là vấn đề cốt lõi. Do đó cần phải làm rõ tiêu chí đánh giá; trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị cần quy định rõ nhiệm vụ nào là nhiệm vụ chính, chỉ tiêu nào là pháp lệnh (chủ trì, phải hoàn thành), nhiệm vụ, chỉ tiêu nào là phối hợp, phấn đấu… để làm căn cứ đánh giá. Việc đánh giá phải dựa trên kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân theo chức trách nhiệm vụ được phân công; người đứng đầu và cán bộ, công chức là cấp ủy viên phải liên hệ kiểm điểm trách nhiệm chỉ đạo công tác xây dựng đảng trong phạm vi phụ trách; kết quả khắc phục những hạn chế, thiếu sót của năm trước đã được tập thể chỉ ra.
- Tự đánh giá là khâu đầu tiên trong quy trình đánh giá cán bộ. Muốn đánh giá đúng, từng cán bộ, đảng viên phải đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; bản thân cán bộ phải nghiêm túc tự kiểm điểm những việc làm được và chưa được của ban thân. Cần phải khắc phục việc thấy rõ, nói kỹ ưu điểm, thành tích nhưng chưa sẵn sàng, mạnh dạn nhận khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của bản thân hoặc cơ quan, đơn vị; do vậy việc hướng dẫn nội dung kiểm điểm tự phê bình của cơ quan cấp trên là rất quan trọng; hướng dẫn nội dung kiểm điểm, đánh giá sát, đúng sẽ giúp cho việc tự phê bình của cán bộ tốt hơn, góp ý của tập thể cũng sẽ cụ thể hơn.
- Kết luận của cấp trên đối với cán bộ cần phải đầy đủ, rõ ràng, đúng người, đúng việc, không được chung chung; phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác của từng cán bộ. Quy trình đánh giá, xếp loại cán bộ cần phải công khai, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong đánh giá cán bộ.
Qua kinh nghiệm thực tế của Bình Thuận, khi tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhân xét, đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp nhận xét, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thực hiện đầy đủ các bước sau: (1) Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ của địa phương, đơn vị; theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị (các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong năm của các cơ quan, đơn vị...), Ban Tổ chức Tỉnh uỷ dự thảo văn bản (lần 1) nhận xét của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với từng cá nhân cán bộ. (2) Lấy ý kiến các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Sở Nội vụ. (3). Tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị nói trên, dự thảo văn bản (lần 2), lấy ý kiến góp ý của các đồng chí Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ. (4) Tiếp thu ý kiến góp ý của các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, dự thảo văn bản (lần 3) gửi đến các đồng chí được nhận xét đánh giá. Các đồng chí được nhận xét, đánh giá có quyền có ý kiến về dự thảo đánh giá, những nội dung chưa xác hợp thì có quyền đề xuất, kiến nghị. (5) Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tiếp thu (hoặc trao đổi lại), hoàn chỉnh dự thảo nhận xét, đánh giá trình Thường trực Tỉnh uỷ ký ban hành.
Nguyễn Ngọc Chỉnh