Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng ven biển và vùng đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Bình Thuận

  • /
  • 6.8.2012 - 14:48

Trong hai ngày 02 và 03/8/2012, Đoàn cán bộ Ban Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng - Ban Tổ chức Trung ương, do đồng chí Đỗ Xuân Định, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn về tỉnh Bình Thuận làm việc, nghiên cứu, khảo sát về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng ven biển và nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Đoàn đã được lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực huyện ủy Tuy Phong và Bắc Bình báo cáo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng 29 xã vùng ven biển và 4 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm sinh sống.

               Đồng thời, đoàn cán bộ đã đi khảo sát thực tế và nghe Đảng ủy xã Phan Thanh và Đảng ủy xã Bình Thạnh báo cáo cụ thể kết quả hoạt động tại địa phương những năm qua.

Đoàn cán bộ Ban Biên tập đã thống nhất cao những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm, đó là:

1. Những kết quả đạt được

Xác định đồng bào dân tộc Chăm là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển toàn diện dân sinh kinh tế, xã hội và tăng cường công tác xây dựng đảng trong vùng đồng bào dân tộc Chăm và các dân tộc thiểu số khác. Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, kiện toàn và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã các thôn ở vùng thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, trong đó có các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm; 4 đảng bộ xã thuần đồng bào dân tộc Chăm có 32 chi bộ trực thuộc/ 266 đảng viên, trong đó có 217  đảng viên là người dân tộc chăm, 16/16 thôn có chi bộ với 185 đảng viên; năm 2010 và 2011 đã kết nạp được 22 đảng viên. Nhìn chung các đảng bộ xã thuần Chăm thực hiện khá tốt chức năng nhiệm vụ của mình; chất lượng, số lượng cấp ủy, đội ngũ cán bộ công chức xã đảm bảo so với yêu cầu chỉ đạo của tỉnh; việc chăm lo lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh… đạt kết quả khá, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng năm 2011 có 2/4 đảng bộ đạt cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2/4 đảng bộ xếp loại cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ; có  6/32 trực thuộc trong sạch vững mạnh, 21/32 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 5/32 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ, không có yếu kém.

Với 29/29 xã, phường thị trấn ven biển có tổ chức cơ sở đảng với quy mô đảng bộ cơ sở, có 225 chi bộ thôn, khu phố vùng ven biển/ 2.783 đảng viên, chiếm 24,74% số đảng viên của các đảng bộ huyện, thị xã, thành phố vùng biển; có 4/29 xã, phường, thị trấn được chọn thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã (gồm xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong và xã Tân Hải, thị xã La Gi; phường Mũi Né và phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết); hiện còn 1 khu phố chưa có đảng viên, 6 khu phố vùng ven biển chưa có chi bộ (thuộc Phường Mũi Né, Phan Thiết). Đa số các xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh là vùng bãi ngang, dân cư sinh sống chủ yếu bằng nguồn thu nhập từ đánh bắt hải sản bằng tàu thuyền công suất nhỏ và nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương, các điều kiện về hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế của các xã ven biển được nâng lên rõ nét, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống trong số đông dân cư vùng ven biển. Thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, hệ thống chính trị ở các xã, phường thị trấn từng bước được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng hoạt động của đảng ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội ở xã có chuyển biến tích cực. Các đảng bộ xã đều tổ chức quán triệt, phổ biến kịp thời cho đảng viên các chủ trương, nghị quyết của cấp trên và kế hoạch của cấp mình, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, đảng bộ, chi bộ; nhiều nơi thực hiện tốt việc duy trì nề nếp, thực hiện các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên nhiều nơi thực hiện đạt kết quả khá.

2. Một số kinh nghiệm:

Xác định xây dựng và củng cố tổ chức đảng ở vùng đồng bào Chăm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xây dựng chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn; Do vậy, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở phải tập trung lãnh, chỉ đạo toàn diện cả hệ thống chính trị xây dựng và củng cố tổ chức đảng. Có kế hoạch cụ thể tạo nguồn để phát triển đảng viên mới và chú trọng việc kiện toàn, nâng cao năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chăm lo phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Chăm là điều kiện quan trọng để xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.

Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào đội ngũ cán bộ cơ sở vững vàng, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt thì ở đó năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng được nâng cao. Xây dựng cấp ủy cơ sở có cơ cấu hợp lý đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, có quy chế làm việc phù hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Các cấp ủy cơ sở phải xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn các đoàn thể chính trị thật sự vững mạnh; thường xuyên chú trọng công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên mới gắn với công tác giáo dục, quản lý đảng viên. Mỗi tổ chức Đảng cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo và sinh hoạt Đảng tạo sự đoàn kết thống nhất trong chi, đảng bộ.

                                                        Lê Đình Chương


  • |
  • 1168
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU