Một số nội dung chủ yếu trong công tác quy hoạch cán bộ Lãnh đạo, quản lý của Tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến đầu 2025

  • /
  • 22.7.2011 - 0:0

Vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 07-HD/BTCTU ngày 18/7/2011 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị. Hướng dẫn nêu rõ.

- Về đối tượng quy hoạch: Cấp tỉnh là các chức danh trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, đơn vị trực thuộc tỉnh; các đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Cấp huyện, thị xã, thành phố và đảng uỷ trực thuộc là ban chấp hành; ban thường vụ; bí thư và phó bí thư cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch và phó chủ tịch UBND; trưởng, phó các phòng, ban, mặt trận và các đoàn thể ở địa phương. Cấp xã, phường, thị trấn là ban chấp hành; ban thường vụ; bí thư, phó bí thư cấp uỷ; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND; trưởng đoàn thể chính trị - xã hội.

- Về độ tuổi: Đối với cán bộ bầu cử: Những đồng chí đưa vào quy hoạch cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, HĐND, UBND lần đầu nói chung phải đủ tuổi để công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn 1 nhiệm kỳ. Các đồng chí bí thư, phó bí thư huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, nếu tính đến thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới đủ tuổi công tác 2/3 nhiệm kỳ, có đủ nămg lực, phẩm chất, sức khỏe, có tín nhiệm cao, trong khi địa phương chưa kịp chuẩn bị người thay thế thì có thể quy hoạch tiếp tục giữ chức vụ hiện giữ đồng thời cần quy hoạch cán bộ kế cận để chuẩn bị thay thế khi đủ tuổi nghỉ hưu. Đối với cán bộ thực hiện theo chế độ bổ nhiệm: Phải bảo đảm tuổi bổ nhiệm lần đầu theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2162-QĐ/TU ngày 26/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Về định hướng số lượng và cơ cấu: Đối với ban chấp hành, ban thường vụ đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố (các đảng uỷ khối thuộc tỉnh có thể vận dụng cơ cấu này ở mức độ phù hợp): Dưới 30 tuổi từ 10% trở lên; từ 30 đến 45 tuổi khoảng 60 – 70%; trên 45 tuổi khoảng 20 – 30%; cán bộ nữ từ 20% trở lên; cán bộ là người dân tộc tương xứng với cơ cấu dân tộc của địa phương; bảo đảm đổi mới khoảng 1/3 tổng số uỷ viên ban chấp hành đương nhiệm; đảm bảo các chức danh chủ chốt có cán bộ là nữ. Đối với nhân sự quy hoạch lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể thuộc tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cần phải có 3 độ tuổi (từ 30 - 35; 35 - 40; trên 40) và có ít nhất 20% là cán bộ nữ. Đối với quy hoạch cán bộ vào ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ giai đoạn A1 cần có hệ số 1,7 - 2 lần so với số lượng cấp uỷ và ban thường vụ cấp uỷ đương nhiệm. Các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực huyện, thị, thành ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND các huyện, thị xã, thành phố, cấp trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh, bí thư các đảng ủy trực thuộc tỉnh quy hoạch từ 2 - 3 cán bộ cho một chức danh. Các chức danh phó bí thư đảng ủy trực thuộc tỉnh, phó chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, cấp phó của các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh nói chung nên quy hoạch có hệ số từ 2 - 3 lần số lượng chức danh được cấp có thẩm quyền quy định. Không quy hoạch 1 người quá 3 chức danh hoặc 1 chức danh quá 3 người.

- Hướng dẫn cũng đã nêu một số yêu cầu:

+ Quy hoạch cán bộ là tạo nguồn cán bộ không những cho nhiệm kỳ 2015 – 2020 mà còn chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 với những yêu cầu mới. Do vậy, công tác quy hoạch đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị cán bộ cho các nhiệm kỳ sau. Quy hoạch cán bộ phải theo hướng "động" và "mở", do vậy một chức danh cần quy hoạch nhiều người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh; đồng thời, định kỳ hằng năm rà soát, bổ sung những nhân tố mới vào danh sách quy hoạch và đưa ra khỏi danh sách quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển, những người không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

+ Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ. Cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa quy hoạch cán bộ và bố trí nhân sự. Cán bộ được quy hoạch làm lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, thị xã, thành phố, đảng bộ trực thuộc; trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh nói chung phải có trình độ đại học chuyên môn và cao cấp lý luận chính trị trở lên. Đối với cán bộ dưới 35 tuổi thuộc diện quy hoạch các chức danh nói trên phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch phải được đánh giá về năng lực thực tiễn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chiều hướng và triển vọng phát triển. Không đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý những người làm việc cầm chừng, phẩm chất và năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, quan liêu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, không sẵn sàng nhận sự phân công công tác của tổ chức.

                                             Lê Thị Bảo Chi


  • |
  • 1321
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU