Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Hướng đi đúng đắn và phù hợp thực tiễn (Bài 2)

Bài 2. Những khó khăn, thách thức

Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong phát triển Đảng tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng còn thấp so với yêu cầu đặt ra, việc bồi dưỡng quần chúng ưu tú và kết nạp đảng viên mới chưa tương xứng so với số lượng công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Công ty TNHH Hải Nam (thành phố Phan Thiết), nơi có hơn 2.000 người lao động nhưng đến nay chưa thành lập được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.

Số lượng có tăng nhưng tỷ lệ còn thấp

Toàn tỉnh hiện có 7.905 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhưng chỉ có 75 doanh nghiệp có tổ chức đảng (bao gồm 8 đảng bộ cơ sở, 36 chi bộ cơ sở, 31 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn) với 1.599 đảng viên trên tổng số 43.417 đảng viên trong toàn tỉnh. Điều này cho thấy, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ còn thấp so với dư địa hiện có.

Tại thành phố Phan Thiết, trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh nhưng chỉ có 21 tổ chức đảng được thành lập trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Từ năm 2020 đến nay, Thành ủy Phan Thiết thành lập mới 3 chi bộ cơ sở và giải thể 5 chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp; kết nạp được 90 đảng viên.

Lý giải về kết quả này, đồng chí Nguyễn Văn Luân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Thiết cho biết: Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, số lượng người lao động ít; đa số các chủ doanh nghiệp tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm nhiều đến việc thành lập tổ chức đảng. Công tác phát triển đảng viên mới còn hạn chế, số lượng chưa nhiều vì điều kiện gặp gỡ người lao động để tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do thời gian làm việc không ổn định, làm việc theo ca, số lượng lao động thường xuyên biến động.

Cần có giải pháp hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi để công nhân
trực tiếp sản xuất phấn đấu trở thành đảng viên.
 

Hay như ở Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, trong những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng Đề án số 487 và Nghị quyết số 07 về đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng công nhân trực tiếp sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 10 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Từ năm 2021 đến nay chỉ thành lập được 2 chi bộ cơ sở thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân và kết nạp được 28 đảng viên.

Đánh giá về công tác này, đồng chí Võ Duy Dương - Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cho biết: Mặc dù Đảng ủy Khối đã thường xuyên quan tâm, tập trung phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; có xây dựng Đề án,  Nghị quyết, đề ra các giải pháp cụ thể nhưng nhìn chung việc tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp đồng thuận, ủng hộ thành lập tổ chức đảng còn gặp khó khăn, nhất là hiệu quả sản xuất kinh doanh, mô hình, phương thức hoạt động có phần tác động về tư tưởng, thái độ của chủ doanh nghiệp, người lao động khi Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đặt vấn đề thành lập tổ chức đảng; mặt khác, các chủ doanh nghiệp chủ yếu tập trung, dồn sức để ổn định, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tương tự, thị xã La Gi hiện có 253 doanh nghiệp trong các đơn vị tư nhân, với tổng số 4.885 lao động. Có 3 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong 3 năm qua, công tác phát triển Đảng vẫn “giẫm chân tại chỗ”, không thành lập được tổ chức đảng nào, chỉ kết nạp đươc 5 đảng viên mới.

Khó tiếp cận doanh nghiệp

Nhiều cấp ủy địa phương chia sẻ: hiện nay, các chủ doanh nghiệp đa phần không phải là đảng viên nên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức; do đó, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng. Một số doanh nghiệp thậm chí còn chưa có tổ chức công đoàn, có doanh nghiệp quy mô nhỏ nên chủ doanh nghiệp không quan tâm đến việc thành lập tổ chức đảng hay tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên.

Huyện ủy Hàm Thuận Bắc tổ chức Tọa đàm để có giải pháp phát triển
tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Theo đồng chí Lê Thị Hải Duyên - Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Các chủ doanh nghiệp tư nhân đa phần không phải là đảng viên, chỉ chú trọng tới lợi nhuận kinh doanh, nên chưa tạo điều kiện thành lập các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là tổ chức đảng để công nhân, người lao động tham gia sinh hoạt. Thực tế, tại một số doanh nghiệp, nhiều công nhân là đảng viên, nhưng do không có chi bộ nên họ chỉ sinh hoạt ở nơi cư trú. Bên cạnh đó, việc tiếp cận chủ doanh nghiệp để vận động thành lập chi bộ vẫn gặp khó khăn. Do Đảng bộ Khối không trực tiếp quản lý các doanh nghiệp, mà thời gian lao động trong doanh nghiệp lại khép kín, công nhân, lao động không có thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, đảng viên mới, nên gây khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển Đảng.

Nhận thức chưa đầy đủ

Những hạn chế, khó khăn còn có lý do đến từ yếu tố chủ quan là nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người lao động, chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Nhiều chủ doanh nghiệp không ủng hộ việc thành lập và chưa tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động. Về phía công nhân và người lao động, do nhận thức chính trị còn thấp, cho nên phần lớn công nhân, người lao động trong doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, ngại tham gia các hoạt động chính trị, chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên.

Trong khi đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, máy móc trong thực hiện; có tư tưởng ngại khó, thiếu kiên trì. Một số cấp ủy, tổ chức đảng còn lúng túng trong việc theo dõi, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng; đề nghị kết nạp đảng viên còn chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; kế hoạch xây dựng chỉ tiêu phát triển đảng viên thiếu tính tổng thể, dài hạn, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Các đảng viên Chi bộ 426 - 2 tổ chức viếng Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh,
chi nhánh Bình Thuận. Đây là Chi bộ ghép, có các đảng viên làm việc ở nhiều doanh nghiệp và được đánh giá là điểm sáng trong tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng tại Bình Thuận cần được nhân rộng.

Thiếu cơ chế tạo động lực

Thành lập tổ chức đảng, kết nạp được đảng viên đã khó, duy trì hoạt động sao cho hiệu quả, tạo sức lan tỏa càng khó hơn nhiều. Nhiều tổ chức đảng, nhất là những nơi cấp ủy không phải là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp, có hiệu quả hoạt động thấp, vai trò mờ nhạt, chưa đáp ứng yêu cầu và ngang tầm nhiệm vụ.

Làm sao để phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người quản lý doanh nghiệp và người lao động chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động vẫn luôn là trăn trở của nhiều cấp ủy. Mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích luôn có tính quyết định vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với quy mô, số lượng đảng viên như một số chi bộ trong doanh nghiệp hiện nay thì việc thực hiện còn hạn chế; nội dung, phương thức hoạt động, nhất là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các tổ chức đảng chưa phù hợp điều kiện của doanh nghiệp, không thu hút được đảng viên và quần chúng tham gia, khó tạo động cơ cho quần chúng phấn đấu vào Đảng. Do đó, cần những cơ chế tạo động lực, nhất là cơ chế hỗ trợ tài chính để phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cấp ủy viên, bí thư cấp ủy hoạt động trong các loại hình kinh tế này.

Nhiều cấp ủy cơ sở cho rằng, chất lượng phụ thuộc phần lớn yếu tố năng lực, trách nhiệm của cấp ủy được giao nhiệm vụ. Vấn đề đặt ra, cần có cơ chế tạo động lực để họ trau dồi kỹ năng, khuyến khích sáng tạo trong cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình hành động. Cấp ủy cần quan tâm biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp để họ phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo ảnh hưởng tích cực, từ đó góp phần tác động, thuyết phục chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.

Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là đòi hỏi trong giai đoạn mới. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng, cần cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, phù hợp điều kiện thực tế nhằm từng bước gỡ “nút thắt” để các doanh nghiệp cởi mở hơn trong việc thành lập chi bộ Đảng và phát triển đảng viên tại đơn vị mình.


Các tin khác

TÀI LIỆU