Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; quan tâm đúng mức cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

  • /
  • 29.9.2010 - 0:0

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong 5 năm qua, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh ta ngày càng được hoàn thiện cả về tổ chức, bộ máy và cán bộ; từng bước đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý xã hội, tăng cường công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên đổi mới phương thức vận động quần chúng trong tình hình mới.

          Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh ngày càng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý hơn. Tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số.

 

Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở tỉnh ta còn tỏ ra bất cập trước yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Biểu hiện rõ nhất là chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở từng cấp còn chồng chéo, trùng lắp; mối quan hệ trong công tác của một số tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong cùng hệ thống chưa đồng bộ, vẫn còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Đội ngũ cán bộ tuy được đào tạo và đào tạo lại khá nhiều nhưng tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, chấp hành luật pháp vẫn còn yếu, một số ít còn cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi; các kỹ năng nắm bắt tình hình, xử lý tình huống, giải quyết công vụ...của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở còn bất cập; tỉnh ta còn thiếu chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực quản lý chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.

            Trong 5 năm tới, ngoài việc tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ, đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp đồng bộ sau đây:

 

- Thứ nhất, từng cấp, từng ngành, trước hết là từng tổ chức cơ sở đảng, từng đơn vị cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn phải xác định thật rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp mình. Căn cứ Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của mỗi đoàn thể, từng tổ chức phải xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy chế làm việc; kiên quyết khắc phục việc ban hành và thực hiện theo quy chế mẫu do cấp trên hướng dẫn. Đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mỗi cấp phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp mình về nội dung và quá trình thực hiện quy chế làm việc này.

 

- Thứ hai, đi đôi với xác định rõ quy chế làm việc, từng cơ quan, đơn vị phải xác định đúng, đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết không tuyển dụng người chưa hoặc đào tạo không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, kể cả ở cấp xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt chủ trương “đại học hoá” cán bộ xã theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy (khoá XI) gắn liền với triển khai thực hiện tốt Nghị định số 92 của Chính phủ.

 

- Thứ ba, ngay từ đầu năm 2012, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành phải đảm bảo tính đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các độ tuổi, nhất là cán bộ chủ chốt của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ sau qui hoạch để đào tạo toàn diện gắn với mở rộng việc bố trí đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho các nhiệm kỳ sau.

 

- Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt đề án đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách tỉnh. Cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với số học sinh xuất sắc của tỉnh để đào tạo theo yêu cầu của tỉnh,... đồng thời triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài về tỉnh công tác.

 

- Thứ năm, tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành. Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, làm cơ sở để bố trí sử dụng đúng, có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm túc chế độ bổ nhiệm cán bộ có thời hạn; tùy theo năng lực, phẩm chất và uy tín cán bộ để xem xét, quyết định bổ nhiệm lại. Không xem xét bổ nhiệm lại những cán bộ làm việc cầm chừng, uy tín giảm sút, ý thức chấp hành không cao hoặc những cán bộ thiếu ý chí phấn đấu vượt khó vươn lên...

 

- Thứ sáu, tiếp tục thực hiện  Nghị quyết số 05 của Tỉnh uỷ về xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và huyện Phú Quý. Tiếp tục tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với số cán bộ tạo nguồn đã được bố trí về công tác ở các địa phương trong tỉnh để các em có đủ tiêu chuẩn xếp ngạch bậc lương theo Nghị định số 92 của Chính phủ; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các em trong quá trình công tác và trưởng thành ở cơ sở. Tiếp tục chọn những học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông, có hạnh kiểm tốt, học lực khá để cử tuyển học đại học hàng năm nhằm tạo nguồn lâu dài cho các xã vùng cao và huyện Phú Quý.  

 

- Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ở các cấp, các ngành. Trước mắt, chuẩn bị chọn những cán bộ nữ có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu bầu vào HĐND và giữ chức danh lãnh đạo UBND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, bảo đảm tỷ lệ theo quy định. Đối với các chức danh bổ nhiệm, cần thực hiện tốt chủ trương những ngành, cơ quan, đơn vị có đông cán bộ nữ cần có ít nhất một cán bộ lãnh đạo là nữ, trường hợp không có người đủ tiêu chuẩn thì xem xét, điều động từ nơi khác đến để bổ nhiệm.

 

- Thứ tám, tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đây là nội dung rất cơ bản và quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Phẩm chất trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức được thể hiện ở sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc của họ về những qui luật khách quan. Có phẩm chất, trí tuệ sẽ giúp cho người cán bộ, công chức nâng cao khả năng khái quát, nắm bắt và xử lý một cách khoa học, sáng tạo, đúng đắn các vấn đề, sự vật, hiện tượng nảy sinh trong cuộc sống và trong quan hệ xã hội. Phẩm chất trí tuệ của người cán bộ, công chức hiện nay được thể hiện chủ yếu ở khả năng làm chủ khoa học, kỹ thuật, ở năng lực hoạt động thực tiễn, ở bản lĩnh chính trị; ở trình độ và khả năng ứng xử, giao tiếp đúng đắn của người cán bộ, công chức đối với mọi người và đơn vị. Thiếu hoặc không thường xuyên nâng cao năng lực trí tuệ thì người cán bộ, công chức không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

 

Hiện nay, nâng cao năng lực trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngoài việc phải nâng cao toàn diện, đồng bộ tất cả các yếu tố tạo nên phẩm chất trí tuệ, nhưng trước hết cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao tính nhạy bén, nắm chắc tình hình; khả năng tư duy nhanh và khoa học; phân tích đúng và kịp thời những vấn đề mới nẩy sinh; nhanh chóng đề ra các giải pháp tối ưu, giải quyết có chất lượng và hiệu quả mọi vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Thước đo cơ bản và chủ yếu về nâng cao chất lượng trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức là phải căn cứ vào chất lượng, kết quả và hiệu quả hoàn thành công việc của người cán bộ, công chức được giao.

 

Đồng thời, cùng với việc nâng cao năng lực trí tuệ, cần nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vì, chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn một cách tích cực, sáng tạo mới có cơ sở, điều kiện để hình thành, phát triển phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ của người cán bộ, công chức.Trong tình hình hiện nay, trước mắt và chủ yếu cần:

 

Đề cao tinh thần tự phấn đấu vươn lên, bản thân từng cán bộ, công chức phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, luôn có chí tiến thủ, cầu thị tiến bộ, chủ động, tích cực , sáng tạo trong mọi hoạt động thực tiễn, phấn đấu đạt chất lượng, hiệu quả công tác một cách tốt nhất. Từng cán bộ, công chức thường xuyên nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, quan hệ mật thiết với quần chúng lao động để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Tổ chức Đảng các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức một cách khoa học, kịp thời, có hiệu quả. Coi trọng tất cả các khâu, các bước của quá trình đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức một cách đúng đắn, thích hợp, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.

 

 Các cấp ủy Đảng và người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ công chức. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, cọ sát với thực tiễn thì phẩm chất, năng lực của người cán bộ, công chức mới phát triển. Qua hoạt động thực tiễn sẽ giúp người cán bộ, công chức kiểm tra trình độ, kiến thức năng lực của mình, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục kịp thời nhược điểm, để đề ra giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Cũng qua hoạt động thực tiễn giúp cán bộ, công chức khắc phục tệ quan liêu, bệnh chủ quan duy ý chí, thói kinh nghiệm chủ nghĩa đang còn tồn tại ở những mức độ khác nhau trong một bộ phận cán bộ, công chức.

 

Các cấp ủy Đảng và người thủ trưởng trong các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên làm tốt công tác quản lý cán bộ, công chức. Thực hiện tốt và coi trọng cả  khâu tự quản lý của từng cán bộ, công chức và sự quản lý cán bộ, công chức của tổ chức Đảng và người đứng đầu. Một trong những biện pháp quản lý cán bộ, công chức tốt là phải đưa họ vào hoạt động thực tiễn và giao nhiệm vụ cho họ; đồng thời có chính sách để khuyến khích được sự tự quản lý của người cán bộ, công chức. Thường xuyên khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức có thành tích tốt trong công tác, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật.

 

Các biện pháp nêu trên đều quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại và bổ sung cho nhau. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, sẽ không coi nhẹ hoặc hạ thấp một biện pháp nào. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ta hiện nay là điều kiện quyết định để góp phần cùng cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

                                                                  Nguyễn Mạnh Hùng


  • |
  • 1040
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU