Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác quy hoạch, bố trí cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền của tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
Thứ nhất, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Nhiệm kỳ 2015 – 2020, đã có 357 lượt cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó:
Có 17/81 cán bộ nữ được quy hoạch Tỉnh ủy khoá XIII, chiếm tỷ lệ 20,98%; 05 đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 02 đồng chí được quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; có 113/372 cán bộ nữ được quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, chiếm tỷ lệ 30,38%.
Có 154/523 cán bộ nữ được quy hoạch vào ban chấp hành đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đạt tỷ lệ 29,45%; 42/163 cán bộ nữ được quy hoạch vào Ban Thường vụ cấp ủy, đạt tỷ lệ 25,77%; Cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND là 24 đồng chí.
Nhiệm kỳ 2020– 2025, đã có 468 lượt cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó:
Có 26/90 cán bộ nữ được quy hoạch Tỉnh ủy khoá XIV, chiếm tỷ lệ 28,88%, tăng so với nhiệm kỳ 2015 – 2020 là 7,9%; 03 đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 03 đồng chí được quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; có 170/428 cán bộ nữ được quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, chiếm tỷ lệ 39,72%, tăng 9,34% so với nhiệm kỳ trước.
Có 183/847 cán bộ nữ được quy hoạch vào ban chấp hành đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đạt tỷ lệ 21,6%; 47/206 cán bộ nữ được quy hoạch vào Ban Thường vụ cấp ủy, đạt tỷ lệ 22,82%; Cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND là 36 đồng chí.
Thứ hai, cán bộ nữ được quan tâm bố trí tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý ngày càng nhiều hơn.
Cán bộ nữ tham gia Tỉnh ủy (khóa XIII), nhiệm kỳ 2015-2020 có 06 nữ/50 đồng chí, chiếm 12%; tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương có 154 nữ/523 đồng chí, chiếm 29,45% (tăng 14,99% so với nhiệm kỳ trước; vượt chỉ tiêu đề ra theo Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI); tham gia cấp ủy cơ sở có 363 nữ/1.592 đồng chí đạt tỷ lệ 22,8%.
Cán bộ nữ là Đại biểu Quốc hội (đơn vị tỉnh Bình Thuận) có 02/07 đồng chí, chiếm 28,57% (đạt chỉ tiêu 01 - 02 đại biểu nữ theo Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI); Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa X) có 15/54 người, chiếm 27,78%, (tăng 8,55% so với nhiệm kỳ trước; đạt chỉ tiêu đề ra là 25% trở lên); Hội đồng nhân dân cấp huyện có 93 đại biểu nữ/372 đại biểu, chiếm 25% (tăng 4,9% so với nhiệm kỳ trước); Hội đồng nhân dân cấp xã có 1.014 đại biểu nữ/3.546 đại biểu, chiếm 28,6%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ nữ vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Công tác cán bộ nữ tuy được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được một số kết quả nêu trên nhưng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong thực tế, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cấp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của đội ngũ cán bộ. Ở một số ngành, lĩnh vực, nguồn cán bộ nữ còn thiếu gây khó khăn cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ nữ theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh.
Một bộ phận công chức, viên chức là nữ vẫn còn tâm lý tự ti, thủ phận, chưa thể hiện được vai trò, ý thức phấn đấu vươn lên, trong công tác chuyên môn có mặt còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn thấp.
Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác cán bộ nữ, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, tạo bước chuyển mạnh mẽ và hiệu quả hơn công tác phụ nữ và bình đẳng giới ở từng ngành, địa phương, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục, quán triệt sâu kỹ các nội dung nêu trong Nghị quyết số 11 -NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trên cơ sở đó xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt theo Chương trình hành động số 08-NQ/TU, ngày 14/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI.
Hai là, Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ… Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp phải làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu và thực hiện các giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội.
Ba là, kể từ nay, các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ, trong đó có tỷ lệ thích đáng cán bộ nữ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để chủ động về nhân sự khi có nhu cầu bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Có chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ; đặc biệt quan tâm cán bộ nữ là trí thức, công nhân, người dân tộc thiểu số... Ngoài cơ chế, chính sách chung cần có chính sách riêng đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, hải đảo; cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ; công tác tạo nguồn cán bộ nữ phải được đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; nhất là ưu tiên bố trí cán bộ nữ theo đặc thù của giới để chị em phát huy được khả năng của mình, đồng thời củng cố được uy tín trong quá trình hoạt động thực tiễn của bản thân./.