Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bình Thuận Mười năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phòng, chống tham nhũng nên trong những năm qua tập thể cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã luôn phấn đấu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, giữ gìn đoàn kết nội bộ tốt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 

   Qua 10 năm triển khai thực hiện, kết quả nổi rõ: Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Chi ủy, Lãnh đạo Ban quam tâm chỉ đạo, quán triệt và nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt trong nội bộ Ban. Thông qua các cuộc họp cơ quan, đồng thời qua hệ thống mạng Lotus Note, Lãnh đạo Ban đã phối hợp với Chi ủy, Ban Chấp hành công đoàn tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan Luật phòng, chống tham nhũng; phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản của Trung ương, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Qua quán triệt, đã góp phần nâng cao nhận thức đối với cán bộ, công chức, nhân viên, nhất là tập thể Lãnh đạo Ban và chi ủy luôn gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; từ đó, đẩy mạnh hơn nữa việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề của từng năm gắn với việc tích cực thực hiện tốt việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan.

   Xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế, kế hoạch thực hiện Phòng chống tham nhũng: Để tổ chức triển khai, thực hiện tốt Kế hoạch số 45-KH/TU, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 27-KH/BTCTU, ngày 20/11/2012 thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, hàng năm thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, lãnh đạo Ban và Chi ủy đã chỉ đạo thường xuyên rà soát, bổ sung các quy chế, quy định, nội quy cơ quan cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là các quy chế: chi tiêu nội bộ; quản lý tài chính, sử dụng kinh phí tiết kiệm được, công khai tài sản công; xét sáng kiến, thi đua khen thưởng theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, thông qua đó đã có những giải pháp cụ thể để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành quy định về cải cách một bước thủ tục hành chính trong cơ quan để thực hiện Kết luận số 82-LK/TW ngày 16/8/2010 của Bộ Chính trị về cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng. Trên cơ sở đó để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn cơ quan, nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của từng cán bộ, công chức, nhân viên.

   Đối với việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng:

   Về tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trong những năm qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu thực hiện công tác quy hoạch cán bộ theo đúng quy định của Trung ương, Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) “về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; thực hiện đúng quy trình, đảm bảo cơ cấu độ tuổi, cơ cấu nữ, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc. Đã tạo được sự chủ động, khắc phục tình trạng thiếu hụt, bảo đảm tính kế thừa và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ luôn được quan tâm chú trọng. Đã tham mưu thực hiện một cách đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà và góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tham mưu điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị toàn tỉnh gắn với quy hoạch cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý; phù hợp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, theo đúng quy trình. Nhờ sự điều động, luân chuyển hợp lý nên đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh có cơ hội rèn luyện, cọ sát, phát huy sở trường, nêu cao tính tự giác phấn đấu, tự chịu trách nhiệm, đó cũng là giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng.

   Thực hiện trong nội bộ cơ quan: Ban chỉ đạo cơ quan về phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn gương mẫu trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, đã phối hợp với Chi ủy. Vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên đối với công tác tài chính của cơ quan ngày càng được quan tâm thông qua quy định, quy chế về chi tiêu nội bộ, mua sắm, công khai minh bạch, quản lý tài sản công nhằm ngăn ngừa các biểu hiện, hành vi tham nhũng. Đặc biệt, những nội dung trên được gắn với chương trình hành động hưởng ứng thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách tích cực, theo chủ đề cụ thể của từng giai đoạn, từng năm.

Thực hiện kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo Quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP và Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg. Hàng năm đều tổ chức, quán triệt những nội dung cơ bản về kê khai minh bạch tài sản, thu nhập cho 100% cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan; tổ chức cho cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai, công khai minh bạch tài sản cá nhân. Mười năm qua không có người bị xử lý kỷ luật do kê khai tài, thu nhập không trung thực. Thực hiện công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo Thông báo số 130-TB/TW, ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 12/10/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy luôn chủ động triển khai và thực hiện nhiệm vụ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt kết quả tốt. Công tác tham mưu, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các ngành, các cấp trong giải quyết đơn thư thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ và đúng pháp luật. Từ tháng 7 năm 2006 đến tháng 9 năm 2015 Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tiếp nhận, giải quyết và chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền 221 đơn thư (do cá nhân và các cơ quan, đơn vị gửi đến). Trong tổng số 221 đơn thư có: 24 đơn có liên quan đến hành vi tham nhũng, chiếm 10,86%; 94 đơn khiếu nại chiếm 42,53 %; 64 đơn tố cáo chiếm 28,96%; 63 đơn thư khác chiếm 28,51%. Nội dung đơn thư tập trung ở các lĩnh vực: lịch sử chính trị có liên quan đến cán bộ, đảng viên; khiếu nại chế độ chính sách hưu trí, huân- huy chương, tuổi đảng, lương hưu, phẩm chất đạo đức và tranh chấp đất đai có liên quan đến hành vi tham nhũng.

   Trong những năm qua, Thủ trưởng cơ quan, tập thể Lãnh đạo Ban và Ban Chấp hành công đoàn luôn gương mẫu thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Đến nay, cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy chưa để xảy ra tình trạng tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng; chưa có trường hợp người thân cán bộ, công chức nhân viên cơ quan, nhất là cán bộ lãnh đạo có hành vi lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để tham nhũng, trục lợi.

   Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định: Công tác tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định về biên chế, tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý cán bộ… ; rà soát các thủ tục hành chính, các quy định của cơ quan có lúc chưa kịp thời. Ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm của một số ít cán bộ, công chức còn hạn chế.

   Nguyên nhân của hạn chế trên là do: Tinh thần  trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao. Công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát chưa kịp thời.

   Bài học kinh nghiệm rút ra: Một là, Sự lãnh đạo tập trung của tập thể lãnh đạo Ban, Chi uỷ đã tạo sự thống nhất xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan. Hai là, Chủ động xây dựng, bổ sung và luôn bám sát tốt quy định, quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai dân chủ, minh bạch làm căn cứ tổ chức quản lý và thực hiện.

   Phương hướng trong thời gian đến: Một, tiếp tục quán triệt và thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản của Trung ương, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Hai, Lãnh đạo Ban và Chi ủy tiếp tục duy trì thường xuyên vai trò lãnh đạo, thực hiện tốt quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt gắn với phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan và thực hiện có hiệu quả pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xem đó là một trong những nội dung để đánh giá, bình xét cuối năm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ba, tổ chức thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, tập trung rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO