ĐẢNG BỘ BÌNH THUẬN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC ĐẢNG, ĐẢNG VIÊN 05 NHÌN LẠI, BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA

Đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên là việc làm thường xuyên hàng năm, là công việc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Qua kết quả đánh giá sẽ tạo điều kiện để các cấp ủy đề ra chủ trương, kế hoạch, giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. 

   Với ý nghĩa, tầm quan trọng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của đảng bộ mình với yêu cầu chung là: “đánh giá phân loại tổ chức đảng và đảng viên phải đúng thực chất, không chạy theo thành tích”, trên cơ sở những nội dung đăng ký thi đua hàng năm; các nhiệm vụ chính trị do tổ chức đảng và cấp trên giao.

   Trong 5 năm qua, thực hiện việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã 03 lần thay đổi Hướng dẫn (năm 2010, 2011 thực hiện Hướng dẫn số 20 –HD/BTCTW, ngày 10/10/2008; năm 2012, 2013 thực hiện Hướng dẫn số 07 –HD/BTCTW ngày 11/10/2011và năm 2014 thực hiện Hướng dẫn số 27 –HD/BTCTW ngày25/9/2014.). Trên cơ sở các hướng dẫn nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nội dung, phương pháp đánh giá và cụ thể hóa thành 8 hướng dẫn cho từng loại hình tổ chức cơ sở đảng (từ cấp xã, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và 02 hướng dẫn đánh giá chất lượng đảng viên, (trong đó có riêng 1 hướng dẫn đánh giá chất lượng đảng viên là cán bộ hưu trí ở khu phố, thôn), kèm theo 8 bản điểm cho từng loại hình và được lượng hóa chi tiết từng tiêu chuẩn, nội dung theo khung hướng dẫn chung của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, phù hợp nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. ( cụ thể: bản điểm loại hình chi, đảng bộ cơ quan lượng hóa thành 52 mục chấm điểm theo 5 tiêu chuẩn quy định; loại hình xã, phường, thị trấn 49 mục; Doanh nghiệp nhà nước 46 mục; doanh nghiệp tư nhân 39 mục; đơn vị sự nghiệp 42 mục; trường học 42 mục; quân sự 37 mục và Công an 33 mục). Đây là một trong những cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho các đảng bộ, chi bộ căn cứ để chấm điểm vừa thể hiện tính toàn diện, đồng thời nội dung rất cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng loại hình tổ chức đảng, qua đó giúp cho việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên đúng thực chất hơn.

   Trên cơ sở các hướng dẫn của tỉnh, các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã bám sát nội dung hướng dẫn của Trung ương, của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời cụ thể hóa thành các hướng dẫn đánh giá theo từng loại hình chi, đảng bộ trực thuộc phù hợp, sát thực tế tình hình của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, đã chủ động, kịp thời chỉ đạo triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong các tổ chức đảng trực thuộc và thành lập các tổ công tác do các đồng chí uỷ viên ban thường vụ làm tổ trưởng trực tiếp theo dõi, kiểm tra và dự kiểm điểm, trong đó chú trọng đánh giá kết quả lãnh đạo nhiệm vụ trọng tâm (đột xuất) do cấp thẩm quyền giao cho Đảng bộ và chức trách nhiệm vụ của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ gắn với việc đẩy mạnh “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

   Hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên về thi hành Điều lệ Đảng; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của các cấp ủy; về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phân công nhiệm vụ cấp ủy, đảng viên; công tác nghiệp vụ đảng viên, từ đó kịp thời phát huy những tổ chức Đảng hoạt động đạt kết quả, và phổ biến kinh nghiệm đối với một số mô hình có cách làm hay; đồng thời, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót đối với các tổ chức đảng có biểu hiện xem nhẹ công tác này.

   Đảng bộ tỉnh Bình Thuận hiện nay có 15 đảng bộ trực thuộc tỉnh; có 503 tổ chức đảng (237 đảng bộ, 266 chi bộ cơ sở), 8 đảng bộ bộ phận, 2245 chi bộ trực thuộc và 29.877 đảng viên, Kết quả qua 5 năm đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong toàn đảng bộ tỉnh, thể hiện như sau:

   Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt gần 70% (69,73%); trong đó có 2 năm đầu đạt bình quân trên 75% (năm 2010 = 78,32%, năm 2011 = 71,93%), từ năm 2012 đến năm 2013  các tổ chức cơ sở đảng được đánh giá chất lượng ngày càng đi vào thực chất hơn, khắc phục dần tính hình thức, chạy theo thành tích nên kết quả đạt có thấp hơn (năm 2012 đạt 65,54%, năm 2013 đạt 64,24% và năm 2014 đạt 68,65%) .

   Đối với tổ chức cơ sở đảng xếp loại đạt trong sạch vững mạnh, bình quân 5 năm chiếm 48,31%, trong đó có 2 năm đầu chiếm trên 50% (năm 2010 = 52,8%, năm 2011 = 51,14%), năm 2012 chiếm 47,52%, năm 2013 chiếm 45,25% và năm 2014 chiếm 44,84%. Năm 2015 chiếm 50,08%.

   Nhìn chung việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm ở Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm đúng nội dung, quy trình và ngày càng đi vào nề nếp, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá, phân loại.

   Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế,  sau:

   Kết quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên có nơi còn lúng túng, chưa đánh giá sát, đúng thực chất; công tác kiểm tra giám sát của các cấp uỷ chưa duy trì thường xuyên.

   Việc đánh giá, thẩm định chất lượng các chi bộ trực thuộc ở một số đảng bộ cơ sở chưa chặt chẽ, chưa cụ thể hóa những tiêu chuẩn bản điểm phù hợp với tình hình, đặc điểm và chức năng nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng và từng đối tượng đảng viên, còn hiện tượng chạy theo thành tích; qua kiểm điểm chưa làm rõ được ưu điểm, khuyết điểm và phương hướng khắc phục của tổ chức đảng và đảng viên.

   Chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề một số chi bộ chưa cao; năng lực cụ thể hóa nghị quyết, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao. Vai trò tiền phong gương mẫu của một bộ phận đảng viên chưa rõ nét. Việc đánh giá kết quả thực hiện “nêu gương”, “gương mẫu thực hiện” chưa đi vào chiều sâu; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, bất cập.

    Từ những kết quả đạt được nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm, như sau:

   Một là: Nội dung, tiêu chuẩn, các tiêu chí để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải thật cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo từng loại hình tổ chức cơ sở đảng và đối tượng đảng viên.

    Hai là: Hàng năm, chỉ đạo các ban tham mưu tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hướng dẫn nội dung, tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên phù hợp theo từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. Công tác đánh giá chất lượng và khen thưởng thực hiện theo hướng xem trọng chất lượng để kết quả xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đúng thực chất, trong đó đặt ra yêu cầu cao hơn ở các loại hình cơ quan, đơn vị sự nghiệp và lực lượng vũ trang.

   Ba là: Đối với các cấp ủy trực thuộc phải cụ thể hóa nội dung, tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy để triển khai thực hiện cho sát hợp với tình hình, đặc điểm của từng tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, các cấp ủy phải quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung, quy trình thực hiện đến từng cấp ủy, tổ chức đảng và triển khai nghiêm túc.

   Bốn là: Các tổ chức cơ sở đảng phải tổ chức quán triệt sâu kỹ các văn bản, hướng dẫn đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng của cấp ủy cấp trên, thực hiện đầy đủ đúng theo nội dung, yêu cầu và phải phát huy tốt chế độ tự phê bình và phê bình trong từng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

   Năm là: Cấp ủy cấp trên cơ sở phải thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục bệnh chạy theo thành tích, nể nang, xuê xoa, đánh giá không đúng thực chất chất lượng của tổ chức cơ sở đảng. Nếu tổ chức cơ sở đảng nào qua kết quả đánh giá, phân loại chất lượng không đúng theo nội dung, yêu cầu, quy định chung phải đề nghị cấp ủy đó điều chỉnh, xếp loại tổ chức cơ sở đảng cho đúng thực chất. Vì vậy qua chấn chỉnh, cơ bản đã khắc phục được bệnh thành tích, cho nên kết quả tổ chức cơ sở đảng yếu kém của đảng bộ tỉnh có tăng hơn, trước đây (năm 2010 chỉ có 1,47%, năm 2015 chiếm 3,21%).

   Tóm lại xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh là nhân tố quyết định hoàn thành nhiệm vụ chính trị, muốn vậy cấp ủy các cấp phải thường xuyên chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của cấp ủy; nghị quyết của chi bộ, Đảng bộ mình thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. 


Các tin khác

TÀI LIỆU