Bài phát biểu của Ban đã nêu rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 đã đánh dấu “một bước ngoặc vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam”, mở đầu cho sự hình thành và phát triển công tác tổ chức của Đảng. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, công tác Tổ chức xây dựng Đảng đã tích cực tham mưu cho Đảng nhiều quyết sách lớn, góp phần xây dựng- phát triển Đảng từng bước lớn mạnh và trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng”.
Cùng với lịch sử phát triển của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và Bảo vệ chính trị nội bộ trong cả nước, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và Bảo vệ Đảng của tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng và bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh nhà. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930), ở tỉnh Bình Thuận cũng hình thành các nhóm Cộng sản ở các làng Đại Nẫm, Phú Hội, Chi bộ làng Tam Tân được thành lập gồm 6 đảng viên do đồng chí Ngô Đức Tốn làm Bí thư, đến tháng 8/1931, toàn tỉnh có 16 đảng viên. Công tác tổ chức của Đảng thời kỳ này là tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản, tập hợp quần chúng vào các tổ chức do Đảng lãnh đạo để xây dựng cốt cán, phát triển Đảng, phát triển phong trào cách mạng ở các địa phương. Các đảng viên: Dương Chước, Ngô Đức Tốn, Lê Thanh Lư, Nguyễn Thắng, Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Tương, Trần Hoành, Hồ Quang Cảnh, ... vừa là hạt nhân lãnh đạo phong trào, vừa là những người trực tiếp làm công tác tổ chức của Đảng ở Bình Thuận những năm 1930-1931.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954) đa số cán bộ, đảng viên tập kết ra Bắc, nhiệm vụ công tác tổ chức của Đảng và bảo vệ Đảng lúc này là tổ chức chuyển quân tập kết, bố trí phân công cán bộ ở lại, sắp xếp lại các cơ quan của Đảng, đoàn thể phù hợp với tình hình mới. Tháng 9/1954, Tỉnh ủy Bình Thuận họp tại xóm Rẫy (Tân Thuận - Hàm Thuận Nam) bàn công tác cán bộ, sắp xếp lại tổ chức cho phù hợp với tình hình mới và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Tổ chức đường dây liên lạc với cấp trên, xây dựng cơ sở bí mật. Tỉnh ủy phân công các Tỉnh ủy viên phụ trách các huyện; mỗi huyện, thị chọn một số cán bộ hình thành bộ phận lãnh đạo phong trào cách mạng trong điều kiện bí mật; các huyện, thị chỉ định các đồng chí phụ trách xã, phường và các xã, phường chọn một số đồng chí cốt cán làm nồng cốt trong quần chúng ở các địa bàn. Ngoài số đảng viên đi tập kết và được phân công bố trí ở lại, số còn lại về sống hợp pháp trong dân, dựa vào các văn bản Pháp lý của Hiệp định để đấu tranh với kẻ thù. Các cấp ủy từ huyện lên tỉnh, cán bộ chuyên môn, bảo vệ đều tổ chức lại tinh gọn. Các cơ quan như tổ chức, tuyên huấn, thông tin, ... chỉ chọn lại một số đồng chí vững vàng để phụ trách. Từ tháng 9/1954 đến đầu năm 1960, cơ quan lãnh đạo bí mật của Đảng bộ từ tỉnh đến huyện được hình thành. Cuối năm 1975, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 1.846 đảng viên sinh hoạt ở 155 chi bộ; Đảng bộ tỉnh Bình Tuy có 655 đảng viên sinh hoạt ở 64 chi bộ.
Sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội, cuối năm 1975 các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng được sát nhập thành tỉnh Thuận Lâm; tỉnh Bình Tuy nhập vào tỉnh Đồng Nai; đầu năm 1976 tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy và Ninh Thuận được sát nhập thành tỉnh Thuận Hải; qua 4 kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh Thuận Hải, đến tháng 4/1992 tỉnh Thuận Hải được tách ra thành tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận.
Với chức năng tham mưu công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ, Ban Tổ chức của cấp ủy các cấp trong tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác Bảo vệ chính trị nội bộ trong thời kỳ này được tỉnh cũng như các đảng bộ địa phương đặc biệt quan tâm. Thực hiện quyết định của Ban Bí thư, ngày 01/4/1977 Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Tiểu ban đặc biệt trong công tác bảo vệ Đảng của Tỉnh ủy, Năm 1980, Tiểu ban giải thể, lập Phòng Bảo vệ Đảng trực thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Khi Trung ương thành lập Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, ngày 29/5/1995 Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh ủy. Ở các huyện, thị, thành phố, đảng ủy trực thuộc tỉnh có cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ trực thuộc Ban Tổ chức, đồng chí Bí thư cấp ủy huyện, thị, thành phố, đảng ủy trực thuộc trực tiếp chỉ đạo. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII), ngày 17/3/2000 Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh ủy sát nhập vào Ban Tổ chức Tỉnh ủy và lập Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ trực thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến nay. Tính đến tháng 6/2014, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 509 tổ chức cơ sở đảng với 27.284 đảng viên.
Ôn lại truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng của tỉnh, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích của ngành đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua; càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng ghi nhớ công lao của các thế hệ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng đã sống, chiến đấu qua những giai đoạn gian khổ, khó khăn và ác liệt trong chiến tranh đã hy sinh quên mình, suốt đời tận trung với Đảng, đóng góp xương máu, công sức cho Đảng. Từ năm 2002 đến nay tập thể, Cán bộ, công chức Ban Tổ chức Tỉnh ủy và ban tổ chức các cấp uỷ trực thuộc tỉnh đã được Đảng -Nhà nước- Chính phủ tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng 3 và nhiều bằng khen, cờ thi đua của ngành; đã có 265 đồng chí được Ban Tổ chức Trung ương tặng Kỷ niệm Chương “vì sự nghiệp công tác tổ chức xây dựng Đảng” và 41 đồng chí được Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương tặng Kỷ niệm Chương “vì sự nghiệp bảo vệ Đảng”.
Ngày nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng đã và đang tiếp tục được củng cố cả về số lượng và chất lượng, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở với những trang thiết bị, phương tiện và điều kiện hoạt động tốt hơn rất nhiều so với trước. Để xứng đáng với sự đánh giá của Đảng, lòng tin của nhân dân, toàn thể cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng và bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đoàn kết thống nhất, khắc phục những yếu kém tồn tại, không ngừng rèn luyện học tập, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm thật tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy về lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng đã được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt của then chốt; tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của Chi bộ nhiệm kỳ (2015-2020), năm 2015 phấn đấu Chi bộ (đạt TSVM tiêu biểu cấp tỉnh năm thứ 12) và Chương trình công tác của Ban năm 2015. Trước mắt, là tham mưu, phục vụ thật tốt Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 (từ ngày 12 -15/10/2015)./.