Nhìn lại công tác kiểm tra, giám sát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2010 - 2015)

Công tác kiểm tra, giám sát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2010 - 2015) đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, trọng tâm là công tác tổ chức xây dựng Đảng.

   Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Lãnh đạo Ban phối hợp cùng Chi ủy đã quán triệt sâu kỹ những nội dung về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và tăng cường kỷ luật trong Đảng, các nghị quyết, quyết định, quy định của Trung ương, Tỉnh ủy về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng với các tổ chức đảng, ban ngành có liên quan... đều được triển khai, quán triệt kịp thời; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động và xác định đầy đủ trách nhiệm trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo Ban và công chức, nhân viên cơ quan.

   Ban đã chủ động xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong đó công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm chú trọng, nhất là theo chuyên đề về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm của từng đồng chí theo dõi địa phương và các ngành để tổ chức thực hiện. Đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch, quyết định kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện, tổng hợp, đánh giá kết quả đối với từng nội dung kiểm tra, giám sát; tham mưu xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về Ban Bí thư Trung ương Đảng theo quy định và thông báo đến các địa phương, đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát biết, đề ra các biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Tùy thuộc vào tính chất, nội dung, phạm vi kiểm tra, giám sát đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử cán bộ của các ngành chức năng tham gia, giúp cho việc kiểm tra, giám sát và kết luận hoặc đề xuất kiến nghị chặt chẽ, khách quan hơn. Nhất là từ sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), đã nhận thức rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; từ đó đã chú ý tăng cường chỉ đạo tập trung thực hiện khá nghiêm túc, từng bước có chất lượng, bám sát quy trình, quy định, đi vào những nội dung quan trọng, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp dễ phát sinh tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm.

   Trong nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra 31 lượt cấp ủy, tổ chức đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh. Trong đó, tham mưu thực hiện 7 cuộc, thành lập 21 đoàn. Nội dung kiểm tra tập trung việc chấp hành Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ thị, chương trình hành động của Tỉnh ủy; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trọng tâm là khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình... Tham mưu thành lập 3 đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung về “tăng cường xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trong tình hình mới” đối với Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước ở 03 huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Đức Linh. Tham mưu tiến hành giám sát theo chuyên đề đối với 04 Ban Thường vụ huyện ủy, 02 chi bộ cấp cơ sở, 04 tập thể Ban Giám đốc sở ngành. Nội dung giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua thực hiện khoán biên chế, quỹ lương theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17/10/2005 của Chính phủ; giám sát việc lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Kế hoạch số 20-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng để tham mưu Ban Thường vụ tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; trong nhiệm kỳ, đã phối hợp thực hiện 8 cuộc kiểm tra, giám sát, làm trưởng 6 đoàn, tham gia là thành viên 10 đoàn.

   Nhằm đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác tổ chức xây dựng Đảng, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát, cụ thể đã tiến hành 05 cuộc kiểm tra, giám sát với 68 lượt cấp ủy, tổ chức đảng. Nội dung kiểm tra, giám sát chủ yếu tập trung vào công tác đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Ban Tổ chức các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy xã, phường và chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường; việc thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; mô hình hoạt động của Đảng ủy khối trực thuộc huyện, thị, thành ủy; tổ chức hoạt động của chi bộ cơ quan và chi bộ quân sự các xã, phường, thị trấn; việc kết nạp đảng viên mới trong tuyển quân...

    Nhìn chung, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Lãnh đạo Ban đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần tích cực cho công tác kiểm tra của Đảng đảm bảo chính xác, đạt hiệu quả. Đã tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm về công tác tổ chức xây dựng Đảng, từ đó theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở; đề xuất với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, giải quyết khá kịp thời, góp phần thúc đẩy công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ chuyển biến tiến bộ hơn trước. Tập thể lãnh đạo Ban, Chi ủy, nhất là người đứng đầu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ. Các phòng chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Ban tổ chức thực hiện kịp thời các kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát trên nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác xây dựng Đảng.

   Các cấp ủy, tổ chức đảng luôn coi trọng việc lãnh đạo, tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của Tỉnh có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo cụ thể hoá bằng các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chương trình, kế hoạch của cấp mình. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát tập trung có trọng tâm, trọng điểm trên các mặt, các lĩnh vực còn yếu kém, dễ phát sinh tiêu cực.

   Tuy nhiên, nhìn nhận trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định: Một số cấp ủy, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa cụ thể, thiếu trọng tâm. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, bị xử lý pháp luật, đã ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và tổ chức các cuộc phúc tra theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy chưa nhiều, nên việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm ở các tổ chức đảng còn hạn chế.  

   Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch, chương trình, nội dung kiểm tra, giám sát có việc chưa thật phù hợp và sát tình hình thực tiễn; một số cán bộ tham gia các đoàn, các tổ kiểm tra, giám sát chưa nghiên cứu sâu về nghiệp vụ chuyên môn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số cấp ủy đảng, tổ chức đảng và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc để xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá thực hiện. Công tác tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng còn nể nang, ngại va chạm.

   Từ đó rút ra bốn bài học kinh nghiệm: Một là, cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để lập kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp và đúng quy định Điều lệ Đảng. Hai là, cấp ủy phải nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ mình để từ đó đề ra chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, sát hợp, đạt chất lượng và hiệu quả. Ba là, UBKT và các phòng, Ban của cấp ủy các cấp phải chủ động tham mưu cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; giúp cấp ủy kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát, xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời theo đúng thẩm quyền. Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát phải luôn gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kết hợp với việc đánh giá cán bộ hàng năm đúng thực chất để tham mưu cho cấp ủy bố trí, sử dụng cán bộ đủ uy tín, năng lực thực tiễn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

   Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

   Một là: Triển khai, quán triệt sâu kỹ nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng, của Tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Từ đó, nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của các tập thể lãnh đạo Ban trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

   Hai là: Tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo chức năng, nhiệm vụ của Ban; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy, các Ban đảng và các cơ quan có chức năng theo quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng để tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

   Ba là: Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; chú trọng lãnh đạo, thực hiện thường xuyên nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kịp, thời phát hiện những nhân tố tích cực, đồng thời xem xét xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

   Bốn là:  Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan gắn với đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh.


Các tin khác

TÀI LIỆU