Một số điểm cơ bản cần lưu ý trong quy chế bầu cử trong đảng

Ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 17/4/2009 của Bộ Chính trị (khoá X). Việc bổ sung, sửa đổi và ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng lần này có ý nghĩa rất quan trọng và nhằm tiếp tục cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của Quy chế bầu cử trong Đảng trước đây.

   Quy chế bầu cử này, đã được các cấp ủy đảng quán triệt và triển khai thực hiện đến các chi bộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở một số tổ chức đảng vẫn có trường hợp hiểu và thực hiện chưa đúng Quy chế của Trung ương. Để góp phần giúp cho việc hiểu rõ và thực hiện đúng Quy chế bầu cử trong Đảng, chúng tôi xin trao đổi về một số nội dung quan trọng của Quy chế. Theo chúng tôi, Quy chế bầu cử lần này có 5 điểm cần chú ý như sau:

   Thứ nhất: Thẩm quyền ban hành và phạm vi điều chỉnh của Quy chế lần nay cao hơn, rộng hơn trước. Nếu như Quy chế bầu cử trong Đảng trước đây do Bộ Chính trị ban hành và phạm vi điều chỉnh từ chi bộ đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương thì Quy chế bầu cử trong Đảng lần này do Ban Chấp hành Trung ương ban hành và phạm vi điều chỉnh từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Mặt khác, khi tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cũng được vận dụng thực hiện theo Quy chế này.

   Thứ hai: Quy chế bầu cử trong Đảng mới được bổ sung, sửa đổi (các điều từ Điều 9 đến Điều 12) đã quy định chi tiết hơn về quyền ứng cử, quyền đề cử của đại biểu và đảng viên trước và trong đại hội với đầy đủ những thủ tục rất cụ thể; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa ứng cử và đề cử. Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Hướng dẫn với đầy đủ các mẫu biểu, do đó giúp cho việc thực hiện dễ dàng và thuận lợi hơn trước, mở rộng hơn quyền dân chủ trong Đảng.

   Thứ ba: Điều 13 của Quy chế bầu cử trong Đảng là một nội dung mới, quy định về việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Nội dung này rất quan trọng và cần được phân định rõ với quyền ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ được quy định tại Điều 9 của Quy chế:

   Tại Điểm 1, Điều 13 quy định: “Cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp uỷ đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp uỷ (đương nhiệm)” và tại Điểm 2, Điều 13 quy định: “Ở các hội nghị của ban chấp hành, uỷ viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp uỷ đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp uỷ”.

   Theo nội dung trên, cấp ủy viên đương nhiệm không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp uỷ đương nhiệm (triệu tập đại hội) đề cử, không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp uỷ đương nhiệm là quy định bắt buộc (tương tự đối với ủy viên thường vụ). Việc không nhận đề cử là đúng quy định, còn việc Đại hội có cho rút tên hay không là quyền của Đại hội và nếu không cho rút mà vẫn có tên trong danh sách thì cũng không sai quy định. Sở dĩ cần phải quy định như vậy là vì trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy khoá tới, cấp ủy cấp triệu tập đại hội đã thực hiện quy trình dân chủ rộng rãi từ dưới lên trên; cuối cùng, cấp ủy cấp triệu tập đại hội thảo luận, bỏ phiếu kín giới thiệu những cấp ủy viên đương nhiệm tiếp tục tái cử cấp ủy và những người ngoài cấp ủy đương nhiệm tham gia cấp ủy khoá tới; chỉ những người được trên 50% số cấp ủy viên đương nhiệm giới thiệu mới được đưa vào danh sách để cấp ủy đề cử với đại hội.

   Như vậy, cấp ủy viên đương nhiệm đã thực hiện trách nhiệm của mình, tham gia vào quyết định của cấp ủy thì không được nói và làm khác với quyết định của cấp ủy. Tương tự, ủy viên ban thường vụ đương nhiệm đã thảo luận, biểu quyết để ban thường vụ cấp ủy quyết định danh sách đề cử với cấp ủy, thì cũng không được nói và làm khác với quyết định của ban thường vụ. 

   Thứ tư: Điều 16 của Quy chế quy định danh sách ứng cử viên do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Đây là một bước phát triển mới về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Quy chế bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành năm 2000 quy định: “Khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của đa số đại biểu, đoàn chủ tịch đại hội trình ra đại hội danh sách những người được cấp ủy triệu tập đại hội lựa chọn để giới thiệu với đại hội trước khi đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử”. Quy chế bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị (khoá X) ban hành năm 2009 quy định: “ Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo danh sách nhân sự do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị để đại hội tham khảo trước khi biểu quyết danh sách bầu cử. Còn Quy chế bầu cử trong Đảng lần này, Ban Chấp hành Trung ương quy định danh sách ứng cử viên do cấp ủy cấp triệu tập đại hội  chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội: “Đoàn chủ tịch đại hội đề cử danh sách nhân sự do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị. Tiến hành ứng cử, đề cử(Điều 19). Đây là sự khẳng định về trách nhiệm của cấp ủy đương nhiệm đối với việc xây dựng cấp ủy khóa sau. Do đó, khi điều hành bầu cử, đoàn chủ tịch (chủ trì) phải báo cáo danh sách do cấp ủy triệu tập chuẩn bị đề cử với đại hội (hội nghị) trước khi thực hiện ứng cử, đề cử.

   Thứ năm: Quy định về số dư và danh sách bầu cử cũng là điểm cần chú ý. Danh sách bầu cử cấp ủy bao gồm danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử và những người ứng cử, được đề cử tại đại hội. Trong đó, cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị nhân sự cấp ủy và ban thường vụ phải có số dư từ 10 đến 15% so với số lượng cần bầu. Nếu danh sách bầu cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người ứng cử, đề cử tại đại hội và lấy theo số phiếu đồng ý từ cao xuống thấp cho đến khi còn dư không quá 30% số lượng cần bầu (danh sách đề cử của cấp ủy với đại hội không phải xin ý kiến đại hội). Việc xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử để bảo đảm số dư tối đa theo quy định nhằm để tránh trường hợp số lượng ứng cử, đề cử tại đại hội (hội nghị) quá lớn, đây là quy định cần thiết khi đã thực hiện mở rộng quyền ứng cử, đề cử. Việc bầu cử các chức danh lãnh đạo của cấp ủy cũng được thực hiện tương tự, trong đó bầu có số dư (bầu dôi) hay bầu không có số dư (bầu tròn theo hình thức phiếu bầu có 4 cột) là tùy thuộc vào thực tế diễn biến của từng nơi.

   Tóm lại: Năm điểm mới được đề cập trên đây là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng. Những nội dung này là một bước phát triển mới về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, cần phải được nghiên cứu, nắm vững trong quá trình thực hiện./.


Các tin khác

TÀI LIỆU