Công tác cán bộ nữ ở Bình Thuận nhìn từ luật bình đẳng giới

  • /
  • 7.3.2013 - 15:48

Bình đẳng giới có vai trò hết sức to lớn không chỉ thể hiện trong đời sống gia đình mà cả trong đời sống xã hội. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giữa nữ và nam. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, đảm bảo bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ khẳng định vị thế, khả năng đóng góp của mình trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội …

             Nguyên tắc bình đẳng giới đã được khẳng định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946: “tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6),  “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, các quyền bình đẳng nam nữ được cụ thể hoá hơn“công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ”. Thực hiện Hiến định, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm bảo vệ các quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, các quyền này đã được nêu rõ trong các Bộ luật như Luật Hình sự 1999, Luật Lao động 2004, Luật Hôn nhân và gia đình… Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã có những quy định cụ thể về các quyền bình đẳng nam, nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới và được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam; cũng như cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam… Cốt lõi của bình đẳng giới chính là bảo đảm  bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình của nam và nữ.

Tại điểm 5, Điều 11 Luật Bình đẳng giới quy định:… Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm 7 mục tiêu, với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; trong đó mục tiêu một là: “Tăng cường tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”.

  Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ nữ, quy định tỷ lệ nữ tham gia trong cấp uỷ, bộ máy chính quyền. Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác cán bộ nữ đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt từ 35%  đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỉ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”. Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 04/8/2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đều quy định đảm bảo tỷ lệ cấp ủy viên là nữ không dưới 15%; Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 24 ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) quy định về tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch: “Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15% nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền các cấp”.

Thực hiện các quy định của Trung ương, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng đã quan tâm nhiều đến công tác cán bộ nữ (Phấn đấu cấp uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015 cán bộ nữ tham gia các cấp uỷ phải có trên 15%; có từ 1- 2 nữ là đại biểu Quốc hội; HĐND các cấp từ 20- 25%; hầu hết cơ quan, đơn vị đều có cán bộ lãnh đạo là nữ… ). Thực hiện chủ trương trên tỉnh đã có nhiều biện pháp, chính sách trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ như: Nâng tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch lãnh đạo các cấp, các ngành và từng địa phương gắn với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ nhằm chủ động về nhân sự khi có nhu cầu bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, công chức nữ tham gia các khóa đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước tại trường chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiệm kỳ 2010 – 2015, cán bộ nữ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (chiếm 15,73%), nhưng được bầu cấp ủy chỉ đạt chiếm 11,32% (6/53 đồng chí); cán bộ nữ được quy hoạch vào cấp ủy cấp huyện chiếm 17,39%, nhưng được bầu vào cấp uỷ chỉ chiếm 11,17%, cả 2 cấp huyện, tỉnh đều không đạt tỉ lệ theo quy định của Trung ương.

            Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 22 cán bộ nữ (chiếm 20,75%) được quy hoạch vào chức danh cấp trưởng và 58 cán bộ nữ (chiếm 23,11%) được quy hoạch chức danh cấp phó các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh, nhưng số cán bộ nữ được bố trí các chức danh lãnh đạo chỉ chiếm tỷ lệ 10,91%  (42/385 đồng chí; cán bộ lãnh đạo chủ chốt huyện, thị, thành phố có 1/29 đồng chí nữ (tỷ lệ 3,45%). Trong khi đó, cán bộ nữ qua đào tạo có tỉ lệ nhiều hơn so với nam giới. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có 234 cán bộ đã đào tạo trình độ sau đại học trong và ngoài nước, trong đó có 180 cán bộ nữ (chiếm 76,92%).

Mặt khác, về độ tuổi tham gia giữa nam và nữ cũng có sự chênh lệch khá rõ. Tính đến thời điểm đầu năm 2013, cán bộ lãnh đạo khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh có 88 đồng chí/17 nữ thì có đến 17 đồng chí nam tuổi từ 55 trở lên; cán bộ lãnh đạo khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước cấp tỉnh có 113 đồng chí/13 nữ thì có đến 54 đồng chí nam tuổi từ 55 trở lên; cán bộ lãnh đạo chủ chốt 10 huyện, thị xã, thành phố có 29 đồng chí/1 nữ thì có đến 15 đồng chí nam tuổi từ 55 trở lên. Như vậy, gần ½ số cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nam giới ở độ tuổi 55 trở lên.

Nguyên nhân không đạt được tỷ lệ 15% nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp là do:

Một: Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn in sâu trong tiềm thức của đội ngũ cán bộ, thiếu tin tưởng vào phụ nữ phần nào ảnh hưởng đến cách  nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ.

Hai: Tâm lý tự ti, mặc cảm, tính hy sinh, nhường nhịn thậm chí cam chịu, an phận.… cũng là trở ngại lớn đối với nguồn nhân lực của cán bộ nữ.

Ba: Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của người phụ nữ còn nhiều bất cập (nếu tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch là 15% thì tỷ lệ cán bộ nữ được bầu vào cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và bổ nhiệm  lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ khoảng trên dưới 10%).

Bốn: Trong xã hội, người phụ nữ có vai trò kép, họ vừa tham gia các hoạt động xã hội vừa đảm đương công việc gia đình khi người phụ nữ có gia đình phần lớn phải quán xuyến việc nhà đồng thời với thiên chức làm vợ, làm mẹ (mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ…) trong khi quỹ thời gian của phụ nữ cũng giống nam giới, sức khỏe lại hạn chế hơn.

Năm: Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Cụ thể điểm 4, Điều 11 Luật Bình đẳng giới ghi “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức”. Trong khi đó, điều 145 của Luật Lao động quy định nguời lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (nữ nghỉ hưu trước nam giới 5 năm). Dẫn đến theo các quy định, hướng dẫn về độ tuổi tham gia cấp ủy hay bổ nhiệm .… nói chung đều quy định phụ nữ sớm hơn nam giới 5 năm.

Nguyên nhân (1), (2), (3) cho thấy cần có sự thay đổi nhận thức về bình đẳng giới cho cả nam giới, nữ giới và cả các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về vai trò của phụ nữ. Bản thân người phụ nữ cần xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti; đồng thời phải có ý thức nghị lực phấn đấu vươn lên, không thụ động, không ỷ lại, không cam chịu và ngày càng phải hoàn thiện chính bản thân mình.

Nguyên nhân (4) và (5) thì người phụ nữ trưởng thành chậm hơn nhưng lại phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm trong khi quy định nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Như vậy, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ nữ là thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ. Đây là vấn đề cần xem xét lại trong các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới đối với công tác cán bộ nữ.

Từ những thực tế tại địa phương và các nguyên nhân (4) và (5) nêu trên, liên hệ Điều 20, Luật Bình đẳng giới: “Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật: Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là một căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật”.

Để cho công tác cán bộ nữ đạt được tỷ lệ theo quy định khi nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp và phù hợp với việc bình đẳng giới, tôi đề xuất theo hướng sau:

Một: Có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng (độ tuổi nữ khi được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cần sớm hơn nam giới từ 3 đến 5 năm).

Hai: Cần có quy định bắt buộc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có cơ cấu cán bộ lãnh đạo là nữ. Nơi nào chưa có nguồn thì chưa bổ nhiệm.

Ba: Tại các kỳ đại hội nên để khuyết một số chức danh. Nếu trong quá trình bầu cử không đảm bảo được tỷ lệ nữ, trẻ theo quy định.

Bốn: Trong các quy định, hướng dẫn về tuổi tham gia cấp ủy, cũng như tuổi bổ nhiệm cần có quy định độ tuổi riêng của nữ. Có thể cho phép tuổi tham gia cấp ủy hay bổ nhiệm lần đầu đối với nữ chỉ cần một nhiệm kỳ.

Thiết nghĩ, đây là vấn đề mà nhiều cấp ủy hiện nay quan tâm, nếu được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp sẽ tạo điều kiện cho việc đạt các mục tiêu đề ra về bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ.

                                       Phạm Thị Thảo


  • |
  • 1395
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU