Bám sát nhiệm vụ trọng tâm
Hàng năm, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện đều có ban hành quyết định giao nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, ban tổ chức các cấp ủy trong tỉnh cần kịp thời quán triệt, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch, chủ động tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm do thường trực, ban thường vụ cấp ủy, ban tổ chức cấp ủy cấp trên giao. Đồng thời, cần thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng hàng năm và cả nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhất là các khâu đột phá đã được Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.
Trước hết, cần tập trung tham mưu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4,5,6 (khóa XIII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2023 - 2026 theo lộ trình đề ra gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Tiến hành luân chuyển cán bộ ở các địa phương, đơn vị, tập trung bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch, chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận và chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2025 - 2030 (2026 - 2031).
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị
Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tỉnh đã được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, cấp trung gian, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và tinh giản biên chế. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Do đó, trong thời gian đến, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo lộ trình. Tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa các dịch vụ công ở những nơi có đủ điều kiện.
Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã chỉ rõ: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Kiên quyết chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhận những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện.
|
Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Bên cạnh kết quả đạt được trong những năm qua, vẫn còn một số tổ chức cơ sở đảng chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn hạn chế, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở.
Để khắc phục thực trạng này, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Cần gắn củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng với xây dựng hệ thống chính trị bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: về nhận thức, phải xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Phát huy thật tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.
|
Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ đảng viên
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nâng cao phẩm chất và năng lực - yếu tố cơ bản, tổng hợp có tính quyết định làm nên chất lượng của toàn Đảng. Do đó, cần tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ đảng viên. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, vì tư tưởng có “thông” thì hành động mới có kết quả tốt. Tổ chức đảng các cấp cần chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh..
Giải quyết tốt vấn đề số lượng và chất lượng trong công tác phát triển đảng viên, bảo đảm vừa nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên, vừa tiếp tục tăng số lượng và phân bổ cho phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực. Trong đó, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên, giáo viên, ngành y tế, khu vực ngoài nhà nước, trong công nhân, địa bàn dân cư.
Để thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên, từng cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở cần phải nghiêm túc xây dựng kế hoạch, xác định chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cụ thể theo từng năm sát với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; mỗi chi bộ cần có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng, hướng dẫn, phân công giúp đỡ quần chúng ưu tú; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát hiện nhân tố tích cực, có thành tích, gương mẫu, có uy tín để bồi dưỡng, tạo điều kiện trở thành đảng viên.
Đồnng chí Nguyễn Thanh Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu về công tác phát triển đảng viên tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 23 ngày 30/6/2023 .
|
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng. Nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ, đảng viên dự họp phải tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện rõ chính kiến của mình, tham gia biểu quyết, xây dựng Nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của chi bộ. Mỗi đảng viên phải tự giác, tự rèn luyện, tích cực tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn đảng viên.
Tiếp tục đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm trong tháng trước để định hướng nhiệm vụ công tác tháng tới. Đặc biệt, cần nghiên cứu, sáng tạo nhiều nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ sinh động, ý nghĩa, gắn với nhiệm vụ của đảng viên như việc triển khai có hiệu quả nội dung sinh hoạt chuyên đề “Giữ trọn lời thề đảng viên” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Để làm được điều này thì chi ủy, đứng đầu là bí thư chi bộ vừa phải nắm vững nguyên tắc vừa phải linh hoạt sáng tạo trong điều hành, tổ chức sinh hoạt; mỗi đảng viên cần thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của mình để cuộc sinh hoạt chi bộ diễn ra sôi nổi, có chất lượng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành và những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Bình Thuận tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm,...đó sẽ là “chìa khóa” nâng cao chất lượng công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian đến.