Nhận thức phát triển đảng viên là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Do đó, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về công tác phát triển đảng viên.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo công tác phát triển đảng viên mới nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra “Bình quân hàng năm phát triển 2.000 đảng viên”. Theo đó, từng cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc xây dựng kế hoạch, xác định chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cụ thể theo từng năm, sát với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; mỗi chi bộ phải có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng, hướng dẫn, phân công giúp đỡ quần chúng ưu tú; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát hiện nhân tố tích cực, có thành tích, gương mẫu, có uy tín để bồi dưỡng, tạo điều kiện trở thành đảng viên. Trong đó, đặc biệt đã quan tâm chú ý đến các đối tượng là công nhân trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Để tăng cường và thuận lợi hơn trong công tác phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 2123 –QĐ/TU, ngày 02/6/2020 quy định “việc thành lập, tổ chức và quản lý tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh”; ban hành Hướng dẫn số 05 -HD/TU, ngày 20/4/2022 về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Ngoài các văn bản chỉ đạo chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của tỉnh, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo; theo đó, các cấp ủy cấp huyện đã thành lập ban chỉ đạo để đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, thành lập các tổ chức Đoàn, Hội và các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở địa phương; hàng năm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều tiến hành sơ kết và ban hành Chương trình công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
Trước tình hình đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại địa phương đang khó khăn trong sinh hoạt đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành lập Chi bộ 426-2, là Chi bộ ghép các đảng viên là chủ doanh nghiệp và đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có tổ chức đảng để sinh hoạt. Chi bộ này đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức đảng và đảng viên; thực hiện tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp đảng viên mới của các doanh nghiệp tư nhân. Với kết quả từ lúc mới thành lập, chi bộ có 03 đảng viên nhưng đến nay đã có 24 đảng viên đang sinh hoạt, trong đó có 07 chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên; qua đó, một số doanh nghiệp từ chỗ trắng đảng viên, hoặc có đảng viên nhưng chưa có chi bộ đã phấn đấu kết nạp đủ số lượng để thành lập mới các chi bộ tại doanh nghiệp.
Mặc dù còn gặp những khó khăn như số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại địa phương không nhiều, đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, trong 3 năm qua, từ năm 2020 đến năm 2022, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 273 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong đó có 267 đảng viên được kết nạp trong lực lượng công nhân, người lao động của doanh nghiệp và 08 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, nâng tổng số chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào đảng từ trước đến nay là 10 đồng chí; số lượng đảng viên mới kết nạp ở các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng dần qua từng năm. Năm 2020 kết nạp được 79 đảng viên; năm 2021 kết nạp được 95 đảng viên; năm 2022 kết nạp được 99 đảng viên.
Có thể đánh giá rằng, phát triển tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và kịp thời kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn gặp nhiều những khó khăn, hạn chế như công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp hiểu và tự nguyện phấn đấu vào Đảng vẫn còn hạn chế. Các tổ chức đoàn thể tại một số doanh nghiệp hoạt động chưa thật sự hiệu quả; quy mô doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số lượng lao động ít, hoạt động không ổn định, người lao động không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức Ðảng và đảng viên bảo đảm vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị ở cơ sở. Do đó, trong thời gian đến, thiết nghỉ các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước về pháp luật lao động, về vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp.
2. Các cấp ủy Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo khảo sát, nắm chắc tình hình, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho cấp uỷ viên, tổ chức Đảng cấp dưới, ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội đảm nhận việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, đoàn viên, hội viên giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.
3. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp; tích cực bồi dưỡng quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng. Chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên là công nhân, người lao động đang sinh hoạt ở nơi cư trú về doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng ở những nơi đủ điều kiện. Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên nơi doanh nghiệp có trụ sở chính phân công cấp ủy viên phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để vận động, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên.
4. Nâng cao chất lượng của cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; bố trí bí thư cấp ủy là người có uy tín, có vai trò trong doanh nghiệp. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban giám đốc, hội đồng quản trị, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp.
5. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì chủ doanh nghiệp càng có điều kiện quan tâm đến việc thành lập, tạo điều kiện cho tổ chức đảng được hoạt động.