Kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU, ngày 30/01/2018 trong đó xác định mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể đến năm 2021, năm 2025 và đến năm 2030; theo đó, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW là một trong những nhiệm vụ được toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà tập trung thực hiện với tinh thần nghiêm túc, chủ động, quyết tâm cao. Qua đó, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là ĐVSNCL) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được những chuyển biến rõ nét, nổi rõ ở một số ngành, lĩnh vực như:

Lĩnh vực giáo dục – đào tạo: Đã tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập gắn với sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học ở các cấp học, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã thực hiện sắp xếp, giảm 49 đơn vị trường học, dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục giảm 37 đơn vị trường học.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Y tế vào Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận và đổi tên thành Trường Cao đẳng tỉnh Bình Thuận, tổ chức bộ máy đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2023; hoàn thành thực hiện việc hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp với Trung tâm Dạy nghề để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh và thị xã La Gi.

Lĩnh vực y tế: Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép; hợp nhất các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện theo quy định; sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện vào Trung tâm y tế cấp huyện để thành lập Trung tâm y tế đa chức năng. Sáp nhập Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận trực thuộc Sở Y tế; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh trên cơ sở sắp xếp, hợp nhất 05 đơn vị, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Bướu cổ, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Đã hoàn thành công tác rà soát hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ và đề ra phương án giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành khoa học và công nghệ. Hoàn thành Đề án nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và công nghệ; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

Lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch: Đối với cấp tỉnh, đã hoàn thành thực hiện tổ chức lại các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành một đầu mối (thành lập Bảo tàng Bình Thuận trên cơ sở hợp nhất Bảo tàng Tỉnh, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm và Ban Quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư; thành lập Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh với Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh; thành lập Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng); Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch. Ở cấp huyện: các địa phương đã hoàn thành việc thí điểm hợp nhất Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Theo đó, có 08/10 huyện thực hiện hợp nhất Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện.

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thực hiện Đề án sáp nhập Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long thành Trung tâm Khuyến nông trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; chuyển giao Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để thành lập Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý; hợp nhất Trung tâm Giống cây trồng và Trung tâm Giống vật nuôi để thành lập Trung tâm Giống nông nghiệp và triển khai Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giống nông nghiệp hướng tới thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và biên chế. Xây dựng Đề án sắp xếp lại, kiện toàn các ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng quy mô các ban quản lý rừng; chuyển sang đơn vị tự chủ một phần kinh phí hoạt động, tiến tới tự chủ 100% kinh phí hoạt động của các ban quản lý có rừng trồng là rừng sản xuất chiếm trên 60% diện tích rừng đang quản lý và đang phát triển tốt, đủ điều kiện sản xuất kinh doanh; Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức quản lý hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, gồm các đơn vị: BQL Cảng cá Phan Thiết trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, BQL Cảng Phan Rí Cửa thuộc Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong, BQL Cảng La Gi thuộc Ủy ban nhân dân thị xã La Gi quản lý.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như: thông tin và truyền thông, lao động - thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường… cũng đã rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các ngành theo kế hoạch đã đề ra.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 711 ĐVSNCL thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, giảm 97 đơn vị so với năm 2015 (trong 05 năm giảm 12%, bình quân mỗi năm giảm 2,4%). Mạng lưới ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phù hợp, có sự sắp xếp, kiện toàn về số lượng đơn vị và cơ cấu tổ chức bên trong; khắc phục dần sự chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian; nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự và biên chế; mức độ tự chủ của các ĐVSNCL ngày càng tăng, phù hợp lộ trình khả năng của các đơn vị. Cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị cơ bản bảo đảm mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra và phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc sắp xếp các đơn vị trường học gặp nhiều khó khăn do đặc thù về vị trí địa lý, phân bổ dân số, dân tộc của tỉnh. Tỉnh có nhiều địa phương thuộc vùng miền núi, hải đảo, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, có nhiều dân tộc thiểu số; việc tổ chức lại các đơn vị trường học trên cùng địa bàn xã tuy giảm về số lượng đầu mối trường học, song vẫn phải duy trì nhiều điểm trường nhỏ, lẻ, khó khăn trong công tác quản lý. Một số đề án tổ chức lại, sắp xếp đầu mối bên trong của các đơn vị đã được hoàn thiện, song nhiều Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung làm ảnh hưởng đến nội dung và tiến độ hoàn thành đề án của đơn vị. Một số quy định của Trung ương chưa thật sự phù hợp, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.

Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh Bình Thuận rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, bám sát các nguyên tắc, yêu cầu, mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết số 19-NQTW và các quy định của pháp luật gắn với rà soát các điều kiện, tình hình, đặc điểm tại địa phương để xây dựng phương án và lộ trình phù hợp.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế các đơn vị sắp xếp, sáp nhập; thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định; xác định kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại người đứng đầu.

Thứ ba, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế để công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế phải khoa học, tránh trường hợp sáp nhập, hợp nhất một cách cơ học, thiếu tính toán, không xem xét đến các yếu tố thực tiễn.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình né tránh hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao đối với ĐVSNCL. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, toàn Đảng bộ tỉnh cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng
trong tập thể công chức, viên chức, người lao động về Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; các Kế hoạch, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương.

Hai là, trên cơ sở quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực, hoạt động hiệu quả bảo đảm nguyên tắc: (1) Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các ĐVSNCL; (2) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); (3) Một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; (4) Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả; (5) Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Ba là, tiếp tục phê duyệt và triển khai thực hiện các Đề án sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng mức độ tự chủ của các ĐVSNCL theo đúng quy định và lộ trình. Từng cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá chất lượng viên chức để có phương án sắp xếp, tinh giản biên chế hiệu quả; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công, mức thu phí, lệ phí (bao gồm cả học phí đối với các đơn vị ngành giáo dục và đào tạo) phù hợp thị trường và điều kiện cụ thể của địa phương.

Bốn là, tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và người làm việc theo hướng đẩy mạnh phân công, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra chặt chẽ, quyết liệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương; rà soát, sắp xếp, bố trí và sử dụng chỉ tiêu biên chế được giao theo hướng thật sự tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với vị trí việc làm và đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quản lý tổ chức bộ máy; tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; quản lý biên chế và vị trí việc làm./.


Các tin khác

TÀI LIỆU