Thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh – Thực trạng và kinh nghiệm tại tỉnh Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức và kiêm nhiệm chức danh từ năm 2018. Đến nay, các mô hình mới qua thực tiễn bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Những nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận rất quan trọng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Mới đây nhất là các Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII); Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ của hệ thống chính trị. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được bổ sung, hoàn thiện, từng bước khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo.

Một số kết quả đạt được

Quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương, tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức và kiêm nhiệm chức danh từ năm 2018. Các mô hình mới qua thực tiễn triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Có thể nêu một số kết quả nổi bật như: Trong thí điểm mô hình tổ chức mới, sau hợp nhất đã giảm được 14 tổ chức, phòng, ban chuyên môn; giảm 24 lãnh đạo quản lý; và giảm 18 biên chế so với biên chế của từng cơ quan cộng lại trước khi hợp nhất. Đối với thí điểm kiêm nhiệm chức danh, đã giảm được 16 vị trí lãnh đạo quản lý và 16 biên chế. Theo đó:

Đối với mô hình tổ chức mới: tỉnh đã triển khai thí điểm tại 02 huyện Đức Linh và Phú Quý 03 mô hình cụ thể:

(1) Mô hình hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Theo đó, hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy – Phòng Nội vụ thành Ban Tổ chức – Nội vụ huyện; hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy – Thanh tra huyện thành cơ quan Kiểm tra – Thanh tra huyện; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND&UBND huyện thành Văn phòng Cấp ủy – Chính quyền huyện. Sau hợp nhất giảm được 05 tổ chức, giảm 07 lãnh đạo quản lý và giảm 01 biên chế.

(2) Mô hình hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện Phú Quý: Sắp xếp, sáp nhập 07 phòng chuyên môn còn 04 phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý. Kết quả sau hợp nhất giảm 03 phòng chuyên môn, giảm 03 lãnh đạo, quản lý và giảm 04 biên chế.

(3) Mô hình thành lập Cơ quan Khối Dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Phú Quý: Thực hiện thí điểm Đề án “Thành lập Cơ quan Khối Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể huyện Phú Quý” trên cơ sở hợp nhất 07 cơ quan gồm: Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Nông dân huyện, Huyện đoàn, Hội Cựu chiến binh huyện và Liên đoàn Lao động huyện. Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện là Trưởng Khối. Sau hợp nhất giảm 06 cơ quan.

Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, thành lập Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Đảng ủy Khối sau khi hợp nhất thực hiện công việc nhanh gọn, hiệu quả hơn, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan, doanh nghiệp. Việc hợp nhất không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Về tổ chức bộ máy, biên chế sau hợp nhất là 35 biên chế, giảm 13 biên chế so với biên chế của từng cơ quan cộng lại trước khi hợp nhất và tiếp tục tinh giản đến năm 2021 còn lại 30 biên chế; giảm được 06 đầu mối bên trong; giảm 02 Phó Bí thư Đảng ủy; giảm 06 cấp trưởng và 06 cấp phó của các đầu mối trực thuộc.

Đối với thí điểm kiêm nhiệm chức danh: Tỉnh đã triển khai thí điểm 03 mô hình sau: (1) Mô hình bố trí Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện tại Đức Linh và Phú Quý, (2) Mô hình bố trí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tại 05/10 địa phương (Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phú Quý), (3) Mô hình bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố.

Nhìn chung, việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới, kiêm nhiệm chức danh tại tỉnh Bình Thuận được nghiên cứu, xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, có sự thống nhất cao trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy; lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trước khi thực hiện và nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy và cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện thí điểm một số mô hình hợp nhất và kiêm nhiệm chức danh tại tỉnh Bình Thuận, kết quả bước đầu cho thấy cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trong tỉnh. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị của cấp huyện được sắp xếp, kiện toàn theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tiếp tục được xác định rõ hơn, không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ.

Một số hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả nổi bật nói trên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị, địa phương là việc mới, khó, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Thứ hai, hoạt động các mô hình tổ chức mới vừa theo các quy định của Đảng nhưng đồng thời phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước; một cơ quan hợp nhất nhưng tồn tại 2 cơ chế tài chính, 2-3 con dấu riêng (như cơ quan kiểm tra – thanh tra).

Thứ ba, việc hợp nhất 2-3 đầu mối tổ chức, tạo áp lực lớn đối với người đứng đầu, đòi hỏi cao về trách nhiệm, trình độ và năng lực của thủ trưởng cơ quan; khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ khá lớn so với biên chế được giao; việc bố trí, phân công nhiệm vụ theo vị trí việc làm gặp nhiều khó khăn, do nhiều lĩnh vực phụ trách nhưng không có tính chất tương đồng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ tư, Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, phối hợp, việc phân bổ, quản lý sử dụng biên chế và chế độ chính sách của cán bộ, công chức đối với các cơ quan sau khi hợp nhất, do đó còn trường hợp công chức thuộc cơ quan hợp nhất nhưng chưa được hưởng chế độ 30% theo khối Đảng, ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm tư của cán bộ, công chức.

Bài học kinh nghiệm

Qua thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh, tỉnh Bình Thuận rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:

Một là, công tác sinh hoạt, quán triệt các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về thực hiện các mô hình thí điểm có vai trò đặc biệt quan trọng để thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và sự đồng thuận của nhân dân.

Hai là, bám sát sự chỉ đạo của bộ, ban, ngành Trung ương để chỉ đạo thực hiện nhất quán, xuyên suốt, quyết tâm, kiên trì, thận trọng, không nóng vội, không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Xem xét, lựa chọn các mô hình thí điểm phải thận trọng, khách quan, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể từng đơn vị, địa phương để đảm bảo tính khả thi.

Ba là, sự quyết tâm chính trị của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị là nhân tố quyết định đến hiệu quả thực hiện các mô hình thí điểm.

Bốn là, đối với các chức danh nhất thể hoá như Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện… thì cán bộ được giao nhiệm vụ phải thực sự bản lĩnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng vị trí đảm nhận, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tránh độc đoán, chuyên quyền trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả tổ chức thực hiện tại các đơn vị để chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Sáu là, phối hợp thực hiện đồng bộ công tác dân vận trong hệ thống chính trị, quan tâm giải quyết kịp thời đúng quy định các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ sau sắp xếp.

Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Từ những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiểm nhiệm chức danh, đồng thời với quyết tâm cao, sự thống nhất nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh; trong thời gian tới Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xác định tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong các cấp, các ngành và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động về các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW; các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương.

 Hai là, tiếp tục bám sát các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương để xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn với việc giải quyết tốt chế độ chính sách, tinh giản biên chế cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trọng tâm là công tác chính trị tư tưởng, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ.

Ba là, tiến hành tổng kết từng mô hình thí điểm để đánh giá toàn diện, khách quan và chủ động nhân rộng các mô hình hiệu quả hoặc kết thúc thực hiện thí điểm đối vối từng mô hình, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương theo dõi, chỉ đạo.

Bốn là, căn cứ biên chế được Trung ương giao trong thời gian tới để phân bổ biên chế theo đúng quy định; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm; xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu và lộ trình theo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, viên chế của hệ thống chính trị.

Năm là, phê duyệt và triển khai thực hiện các Đề án sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định và lộ trình.

Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương; rà soát, sắp xếp, bố trí và sử dụng chỉ tiêu biên chế được giao theo hướng thật sự tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với vị trí việc làm và đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định./.


Các tin khác

TÀI LIỆU