Tổng kết việc thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh theo Kết luận số 74-KL/TW, ngày 22/5/2020 của Bộ Chính trị

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đổi mới, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, phương pháp phù hợp, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện

Ngày 30/01/2018, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Chương trình hành động số 43-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, trên cơ sở đó, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành Kế hoạch xác định những nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện trong năm; thành lập Hội đồng thẩm định các Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phân công một đồng chí lãnh đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện, báo cáo kết quả tiến độ thực hiện; đưa kết quả thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Tỉnh ủy là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận xét, đánh giá, xếp loại cuối năm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ được phân công theo dõi, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Ngày 15/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 25-KH/TU về việc tinh giản biên chế đối với cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% và tuyển dụng mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, thôi việc theo quy định; đồng thời, phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của các cơ quan khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo thần Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Để triển khai Kết luận số 74-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 34-CV/TU, ngày 18/11/2020 đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 03 Nghị quyết của Trung ương về đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Một số mô hình thí điểm nổi bật

Trong quá trình triển khai các Nghị quyết, trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh ta đã xây dựng và triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm như: 10/10 huyện bố trí kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; 07/10 huyện bố trí kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, đến nay còn 05/10 huyện thực hiện mô hình này (Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phú Quý); 02/10 huyện thí điểm bố trí Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện, đến nay còn 01 huyện Phú Qúy thực hiện mô hình này; Đề án hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, thành lập Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận; Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; Thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đối với 02 huyện Đức Linh và Phú Quý (gồm: hợp nhất Ban Tổ chức – Phòng Nội vụ huyện; hợp nhất cơ quan UBKT và Thanh tra huyện; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND&UBND huyện thành Văn phòng Cấp ủy – Chính quyền); Thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện Phú Quý; Thí điểm thành lập Cơ quan Khối Dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Phú Quý; Thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cấp; tiếp tục thực hiện “văn phòng một cửa hiện đại” ở cấp huyện và cấp xã…

Đối với việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập: Thực hiện việc sắp xếp các trường học, giai đoạn 2018 – 2025 dự kiến giảm 21 trường mẫu giáo và 65 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, năm học 2019 – 2020 toàn tỉnh sáp nhập, hợp nhất 18 đơn vị trường học (giảm 08 trường mầm non và 10 trường tiểu học); Hợp nhất Đài Truyền thanh Truyền hình huyện với Trung tâm Văn hóa thể thao huyện; Đề án thành lập Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở chuyển giao các Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý…; Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất các Trung tâm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Bướu cổ, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Đề án thành lập Bảo tàng Bình Thuận trên cơ sở hợp nhất Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm và Ban Quản lý di tích tháp Pô Sah Inư; Đề án thành lập Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh với Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh; Đề án thành lập Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng; Đề án thành lập Trung tâm Khuyến nông trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long vào Trung tâm Khuyến nông...

Nhìn chung, việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương trên các mặt, các lĩnh vực của tỉnh trong thời gian qua có nhiều nỗ lực và đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là việc triển khai thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh theo Kết luận số 74-KL/TW của Bộ Chính trị; tạo được một số chuyển biến tiến bộ, tổ chức bộ máy của các cấp ngày càng được sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xác định ngày càng rõ hơn; khắc phục dần sự chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ; tinh giản biên chế đạt và vượt tỷ lệ theo yêu cầu; qua sắp xếp giảm được số lượng lãnh đạo, quản lý, nhất là lãnh đạo cấp phó theo đúng số lượng Trung ương quy định… Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng.

Khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, tỉnh ta gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc mới, khó, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng, khó khăn, vướng mắc về loại hình tổ chức, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế làm việc, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị; nhất là cơ chế vận hành, chế độ chính sách, tính đồng bộ liên thông của các cơ quan, đơn vị sau khi hợp nhất. Nhận thức của công chức các cơ quan hợp nhất, sáp nhập chưa thật đầy đủ, chưa sẵn sàng. Việc sắp xếp, bố trí dôi dư sau hợp nhất, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cũng còn gặp phải một số lúng túng nhất định. Quy trình công việc, nhiệm vụ của cơ quan mới phải được xây dựng lại, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa đồng bộ, việc phối hợp tham mưu có lúc hạn chế, thiếu liên kết. Nguyên nhân do hiện nay Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, việc phân bổ, quản lý sử dụng biên chế và chế độ chính sách của cán bộ, công chức đối với các cơ quan sau khi hợp nhất, quy định một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chưa đồng bộ giữa các quy định của Đảng và các quy định của Nhà nước, pháp luật chuyên ngành, các nhóm nghiệp vụ vẫn thực hiện theo quy trình, quy định riêng biệt…

Một số giải pháp trong thời gian tới

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong tập thể công chức, viên chức, người lao động về các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW; các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương.

Hai là, tiếp tục bám sát các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương để xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó, tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn với việc giải quyết tốt chế độ chính sách, tinh giản biên chế cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trọng tâm là công tác chính trị tư tưởng, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ.

Ba là, tiến hành tổng kết từng mô hình thí điểm đang thực hiện, xem xét việc tiếp tục thực hiện thí điểm hoặc kết thúc thực hiện thí điểm đối vối từng mô hình, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương theo dõi, chỉ đạo.

Bốn là,  trên cơ sở tổng số biên chế được Trung ương giao trong thời gian tới và căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, tiếp tục thực hiện việc phân bổ biên chế cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đảm bảo không vượt quá số lượng biên chế được giao; xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu và lộ trình theo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, viên chế của hệ thống chính trị.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương; rà soát, sắp xếp, bố trí và sử dụng chỉ tiêu biên chế được giao theo hướng thật sự tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với vị trí việc làm và đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định./.


Các tin khác

TÀI LIỆU