Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, từ thực tiễn tỉnh Bình Thuận

Khả năng làm việc trong môi trường quốc tế không nên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là biết ngoại ngữ và máy tính, cần hiểu rộng hơn, đầy đủ hơn bao gồm các năng lực tổng hợp: có phương pháp luận và phong cách làm việc chuyên nghiệp; có nền tảng kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuẩn mực quốc tế; nắm vững pháp luật, quy định thông lệ quốc tế; am hiểu văn hóa, đạo đức; thông thạo các ngoại ngữ phổ biến thế giới và thành thạo kỹ năng tin học, ứng dụng nền tảng kỹ thuật số.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Từ 40 – 50% cán bộ cấp chiến lược đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 25 – 30% cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 – 30% cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 70 – 80% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Theo mục tiêu trên, việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra hiện nay của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp của tỉnh Bình Thuận; trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là rất quan trọng.

Từ cách làm cụ thể...

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 108-KH/TU, ngày 29/8/2018 phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất và đồng bộ trong toàn Đảng bộ, quyết tâm đạt được mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đủ sức lãnh đạo xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện ngang tầm các địa phương khác trong khu vực”. Theo đó, tỉnh đã cụ thể hóa các quy chế, quy định, chế độ chính sách của Trung ương về công tác cán bộ, xây dựng thành quy chế, quy định của tỉnh để thực hiện; đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương. Xây dựng vị trì việc làm và rà soát cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ khoa học, đội ngũ cán độ tham mưu, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND, ngày 05/4/2007 về ban hành Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận” (gọi tắt là Đề án 100). Đề án 100 được thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh để chuẩn bị nguồn nhân lực cho một số ngành trọng tâm của tỉnh và phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới. Từ 2007 đến nay, Đề án 100 đã cử 32 ứng viên đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài (gồm 03 Tiến sĩ, 29 Thạc sĩ); cử 187 cán bộ, công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng ở nước ngoài và bồi dưỡng trong nước có giảng viên nước ngoài giảng dạy. Trong đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ (31 người), bồi dưỡng về các lĩnh vực như dịch vụ công, đô thị, du lịch và nông nghiệp... (156 người).

 Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (Ðề án 165 của Trung ương), từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã cử 109 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình của Đề án 165. Trong đó, cử 15 cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ theo các chương trình liên kết trong nước hoặc toàn phần ở nước ngoài; cử 94 lượt cán bộ đi bồi dưỡng ngoại ngữ và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn, trung hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 03/11/2016 của Tỉnh ủy về “đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng và triển khai tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của sở, ngành, đơn vị và địa phương hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công việc. Đồng thời, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo hướng chuẩn hóa, đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Thực hiện tốt các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa hoạt động đào tạo, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Các cơ sở đào tạo đã liên kết với nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trong nước, đồng thời hợp tác quốc tế trong phát triển nhân lực dưới nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, ký kết thõa thuận hợp tác với các tổ chức nước ngoài, trong khuôn khổ Dự án VSEP, các chuyên gia nước ngoài đã tham gia giảng dạy tại các trường, cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình giảng dạy, cử các giảng viên và cán bộ quản lý của trường tham gia tập huấn, học tập kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế tại các cơ sở thực tập, giao lưu sinh viên, trao đổi văn hóa giữa 2 nước.

Mở rộng, tăng cường sự phối hợp, hợp tác để phát triển nhân lực, thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã thu hút 81 cán bộ khoa học và công nghệ là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các Trường đại học, viên nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 20 tiến sĩ, 19 thạc sĩ và 38 kỹ sư, cử nhân thuộc các chuyên ngành khác nhau.

Nhìn chung, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các khóa đã nhận thức sâu sắc quan điểm Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Tỉnh đã thực hiện công tác đào tạo gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ; khắc phục tình trạng đào tạo không theo quy hoạch; hầu hết cán bộ đương chức và cán bộ được quy hoạch đã được cử đi đào tạo hoặc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn chức danh dự kiến bố trí. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung được nâng cao hơn so với trước; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh được kiện toàn, chất lượng từng bước được nâng lên; được quan tâm đào tạo, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; về cơ bản đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách và trưởng thành; trình độ kiến thức, năng lực công tác được nâng lên; số đông được bố trí phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo, hạn chế dần tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc không đúng với ngành nghề đào tạo; không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và năng động hơn, hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thêm vào đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XI) đã xác định từ rất sớm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng đảm bảo về chất lượng là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh; quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án “Quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận” (Đề án 100). Do vậy, cho đến nay Đề án 100 đã đạt được kết quả tốt trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tự tin trong giao tiếp đối ngoại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần chuẩn bị một số lượng nguồn nhân lực có chất lượng, được đào tạo ở nước ngoài cho một số ngành trọng tâm của tỉnh và phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đến nhiệm vụ, giải pháp phù hợp…

Phát huy kết quả đã đạt được ở những nhiệm kỳ trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: “Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về mọi mặt, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số…”. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 22/01/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ mục tiêu “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 03 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: (i) Công nghiệp, (ii) Du lịch, (iii) Nông nghiệp; phấn dấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt khâu đột phá là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ có chất lượng, bảo đảm tính kế thừa. Để cụ thể hóa thực hiện, trong năm 2021, Tỉnh ủy sẽ sơ kết 05 năm việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 11/6/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu ban hành ngay trong năm 2021 các Đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để triển khai thực hiện đạt kết quả trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 như Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2025”; Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu, ban hành các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để động viên, khuyến khích và thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia giỏi; ban hành cơ chế, chính sách thu hút các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế mở phân hiệu, chi nhánh tại tỉnh Bình Thuận, tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo tại địa phương. Trong đó phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 có từ 25 - 35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 50% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trở lên có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có kỹ năng quản trị đáp ứng yêu cầu của quốc gia”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất tiếp tục thực hiện gia đoạn 2 của Đề án 100, với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ toàn phần ở nước ngoài là 30 người; đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ một phần trong nước, một phần ở nước ngoài là 30 người; cử được 10 - 15 đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài; mở được từ 20 - 25 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước do chuyên gia nước ngoài giảng dạy”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 720/KH-BĐH ĐA.100 ngày 02/3/2021, ưu tiên bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, trong đó, tập trung phát triển 03 trụ cột chính gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: Nông nghiệp, công nghiệp du lịch theo các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tại Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở các lớp bồi dưỡng trong nước do giảng viên nước ngoài giảng dạy để bồi dưỡng cho cán bộ, lãnh đạo quản lý tập trung vào các lĩnh vực về công tác quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản và chuyển đổi số trong hành chính công. Qua đó, trang bị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý những kiến thức kỹ năng về lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước về du lịch và nông nghiệp; hiểu được tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng để đề xuất, tham mưu gắn chuỗi giá trị với phát triển kinh tế vùng.

Ngoài ra, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương và địa phương, tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 100 với chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 165 Ban Tổ chức Trung ương. Dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tiếp tục đào tạo trên 30 cán bộ có trình độ sau đại học toàn phần nước ngoài hoặc một phần trong nước, một phần ở nước ngoài, mỗi năm mở các lớp bồi dưỡng trong nước do giảng viên nước ngoài giảng dạy để bồi dưỡng từ 100 – 150 cán bộ lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực trọng tâm phát triển của tỉnh (du lịch, công nghiệp, nông nghiệp).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin rằng với những giải pháp nêu trên, trong thời gian đến, tỉnh Bình Thuận sẽ đạt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đủ sức lãnh đạo xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện ngang tầm các địa phương khác trong khu vực; góp phần hoạch định và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhanh chóng đưa Bình Thuận lọt vào top các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng, thu hút đầu tư mạnh, làm cho bộ mặt của tỉnh được thay đổi toàn diện trong tương lai không xa./.

Tài liệu tham khảo:

- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.226.

- Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

- Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025), tr.127.

- Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 22/01/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) “thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025”.

- Tạp chí Xây dựng Đảng số 1 + 2/2020, Bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi quốc tế - Mấy vấn đề đặt ra” của PGS, TS Vũ Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban TCTƯ.

- Báo cáo số 167/BC-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.


Các tin khác

TÀI LIỆU