Trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã đạt được một số kết quả nhất định góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tập trung tham mưu, lựa chọn cách làm phù hợp
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và bám sát vào quy hoạch cán bộ, tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ động, phối hợp với Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch mở lớp cho các loại hình, trong đó chú trọng đào tạo về lý luận chính trị, bồi dưỡng theo chức danh, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với đào tạo cao cấp lý luận chính trị thực hiện theo đúng nguyên tắc, với tỷ lệ 1:1,2. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, các cơ sở đào tạo đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, được sự hưởng ứng tích cực của giáo viên và học viên trong tỉnh.
Kết quả đạt được
Năm 2021, tỉnh đã cử 116 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị; mở 11 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị đào tạo cho 721 học viên; cử 146 người đi đào tạo đại học và sau đại học theo các chuyên ngành Luật, xây dựng Đảng và chuyên ngành y theo địa chỉ sử dụng.
Đồng thời, tỉnh đã cử 232 cán bộ lãnh đạo, quản lý đi bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức quốc phòng – an ninh, kiến thức về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khối Đảng; mở được 24 lớp/1.552 người để bồi dưỡng nghiệp vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ công chức cấp xã, cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng và bồi dưỡng kiến thức ngạch Kế toán viên, kiến thức về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính…
Một số hạn chế
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, vẫn còn tình trạng chọn cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chưa đảm bảo theo đúng đối tượng, nhất là chưa đúng nguyên tắc, với tỷ lệ 1:1,2 trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Trong năm, việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng theo kế hoạch đề ra.
Phương hướng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2022
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hai là, rà soát các chức danh chưa được cử đi bồi dưỡng, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ quan, đơn vị mình và bám sát kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Ba là, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với chức danh đương nhiệm và chức danh trong quy hoạch; tạo điều kiện cử cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, phục vụ công tác ngày càng tốt hơn./.