Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ trong bộ máy nhà nước: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng ta luôn xác định: “Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”.

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có bài viết chuyên biệt, chuyên sâu về vấn đề kiểm soát quyền lực, song quan điểm chỉ đạo về tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ lại là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bài viết về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Thuật ngữ “kiểm soát quyền lực” xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, thể hiện nỗi niềm suy tư, trăn trở của người đứng đầu Đảng ta trước yêu cầu được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Bên cạnh đó, thấu hiểu tác hại, hậu quả của sự tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tổng Bí thư khẳng định: “Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Qua những luận điểm trên cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay.

Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, vì vậy việc kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược lại càng phải được đề cao, coi trọng nhằm chống chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn nguy cơ tha hóa về quyền lực.

Theo đó, quyền lực trong công tác cán bộ là một khía cạnh đặc biệt của quyền lực chính trị trong thể chế chính trị nước ta, với Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lãnh đạo công tác cán bộ là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Quyền lực trong công tác cán bộ đại diện cho thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong công tác cán bộ, trên cơ sở niềm tin, tín nhiệm của tập thể, được nhân dân giao phó; đồng thời, quyền lực này cũng dễ bị thao túng, dẫn đến tha hóa, biến chất nếu không có sự kiểm soát hiệu quả. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thực chất là một nội dung kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị. Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”; “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Có thể nói, Quy định số 114-QĐ/TW, ngày ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” ra đời có những điểm mới so với Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã mở rộng phạm vi hơn; đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác cán bộ; bổ sung thêm một số hành vi mới về lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ; bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền và Quy định cũng bổ sung, sửa đổi trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ… để tạo nên sự thống nhất với các quy định về công tác cán bộ hiện hành.

Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên; cần có những giải pháp đồng bộ để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ hiệu quả, cụ thể như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm nhân sự, giới thiệu ứng cử và lên án mạnh mẽ việc “chạy chức, chạy quyền”; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng.

Hai là, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân được trao và thực thi quyền lực trong công tác cán bộ. Tiếp tục làm rõ, phân định giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không để tình trạng cá nhân lợi dụng tập thể hợp thức hóa lợi ích riêng; hoặc một vài cá nhân lợi dụng ý chí tập thể để phục vụ “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tích cực thúc đẩy quá trình cụ thể hóa, hoàn thiện từ các đạo luật liên quan đến rà soát các quy định, quy chế của Nhà nước, của Đảng, tránh chồng chéo, tạo khuôn khổ thể chế, pháp lý cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Bốn là, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tránh hình thức. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Năm là, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực theo hướng “thực hiện công khai, minh bạch và giải trình theo quy định khi có yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự”.

Sáu là, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý sai phạm phải kịp thời, nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ với những giải pháp mạnh mẽ, như hủy bỏ, thu hồi các quyết định về công tác cán bộ khi có kết  luận vi phạm nghiêm trọng; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân có liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm hoặc không chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Xem xét trách nhiệm, điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người làm công tác cán bộ có nhiều phản ánh, dư luận về việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực trong công tác cán bộ... Đồng thời, ghi nhận, biểu dương và khen thưởng xứng đáng đối với những trường hợp phát hiện, tố giác, ngăn chặn kịp thời hành vi lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO