Lấy phiếu tín nhiệm là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ

Thực hiện các Quy định của Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai hoàn thành xong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Về công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện

Căn cứ Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 07-HD/TU ngày 12/5/2023 về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh và Kế hoạch số 157-KH/TU, ngày 12/5/2023 về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Căn cứ Nghị quyết số 96/2023/QH15, ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Công văn số 599/UBTVQH15-CTĐB, ngày 22/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-HĐND, ngày 29/8/203 về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu.

Theo Kế hoạch số 157-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 20/KH-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu chương trình, nội dung, thành phần Hội nghị Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội nghị Tỉnh ủy để lấy phiếu tín nhiệm. Yêu cầu cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin trung thực, chính xác về nội dung lấy phiếu tín nhiệm gửi về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (đối với cán bộ giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu), Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) trước 20 ngày; tổng hợp hồ sơ, tài liệu của cán bộ được lấy phiếu gửi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc các đồng chí Tỉnh ủy viên (theo thành phần Hội nghị)  trước 15 ngày và báo cáo giải trình trước 03 ngày kể từ ngày tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm theo đúng quy định. Việc lấy phiếu tín nhiệm, nhìn chung bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đánh giá sát đúng thực chất.

Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh: Tại kỳ họp thứ 18 (chuyên đề) - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 10/11/2023 có 46/49 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh dự họp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 23 cán bộ giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, trong đó có 02 cán bộ giữ chức vụ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Kết quả có 08 đồng chí đạt mức “tín nhiệm cao” từ 80% trở lên; 12 đồng chí đạt mức “tín nhiệm cao” từ trên 50% đến dưới 80%; 03 đồng chí đạt mức “tín nhiệm cao” từ dưới 50% trở xuống.

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Tại kỳ họp Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 24 (khóa XIV), nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra ngày 01/12/2023 có 48/50 đồng chí Tỉnh ủy viên dự họp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó có 03 cán bộ giữ chức vụ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

 Kết quả có 09 đồng chí đạt mức “tín nhiệm cao” từ 80% trở lên; 04 đồng chí đạt mức “tín nhiệm cao” từ trên 50% đến dưới 80%.

Từ công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả tín nhiệm cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị đảm bảo đạt được các mục đích, yêu cầu lớn mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra, như: (1) Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (2) Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ (3) Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. (4) Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch và thực chất, nhằm góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. (5) Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh phải bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là một cơ hội để mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại mình, thông qua việc đánh giá của đại biểu và của cử tri. Đồng thời, là động lực để cán bộ lãnh đạo, quản lý nhìn lại việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, lĩnh vực mình phụ trách còn những hạn chế khó khăn gì để có giải pháp quyết liệt hơn, quyết tâm hơn, hiệu quả hơn, để khắc phục được và thay đổi được sự tín nhiệm của mình./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO