Một số kết quả qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW  về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện Nghị quyết trên, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU, ngày 30/01/2018 trong đó xác định mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể đến năm 2021, năm 2025 và đến năm 2030; đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện.

Trên cơ sở kế hoạch đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết. Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là ĐVSNCL) của từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật trên một số lĩnh vực:

Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo: Ngành giáo dục – đào tạo tỉnh đã tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập gắn với sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học ở các cấp học, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh đã thực hiện sắp xếp, giảm 49 đơn vị trường học; qua sắp xếp, điều chỉnh đến nay trên địa bàn tỉnh có 539 trường công lập (trong đó có 26 trường Trung học phổ thông, 130 trường Trung học cơ sở, 241 trường Tiểu học và 142 trường Mầm non). Dự kiến trong giai đoạn 2022 – 2025 tiếp tục giảm 37 đơn vị trường học.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Hiện nay, tỉnh đang thực hiện lộ trình sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận vào Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận và đổi tên thành Trường Cao đẳng Bình Thuận theo Quyết định số 451/QĐ-LĐTBXH, ngày 31/5/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổ chức bộ máy mới của Trường Cao đẳng Bình Thuận đi vào hoạt động kể từ ngày 01/9/2022. Ngoài ra, hoàn thành việc hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp với Trung tâm Dạy nghề để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện Bắc Bình, La Gi, Đức Linh, Tánh Linh.

Đối với lĩnh vực y tế: Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép; các Trung tâm chuyên khoa, Trung tâm có giường bệnh chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hoàn thành việc hợp nhất các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện (Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Phan Thiết). Sáp nhập Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Bướu cổ, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao: Hoàn thành việc hợp nhất Bảo tàng Bình Thuận, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm và Ban Quản lý di tích tháp Pô Sah Inư thành Bảo tàng tỉnh Bình Thuận; hợp nhất Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh với Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh thành lập Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận; hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thành Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh. Hoàn thành việc hợp nhất Đài Truyền thanh Truyền hình huyện và Trung tâm Văn hóa Thể thao tại 08/10 huyện.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư thành Trung tâm Khuyến nông; chuyển giao Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để thành lập Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Hợp nhất Trung tâm Giống cây trồng và Trung tâm Giống vật nuôi để thành lập Trung tâm Giống nông nghiệp; hoàn thành việc tổ chức lại các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh để thành lập 01 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/6/2015 của Chính phủ.

Song song đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 711 ĐVSNCL thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh, giảm 97 đơn vị so với năm 2015. Mạng lưới ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phù hợp, khắc phục dần sự chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian; nâng cao hiệu quả sử dụng nhân viên và biên chế; mức độ tự chủ của các ĐVSNCL ngày càng tăng, phù hợp lộ trình khả năng của các đơn vị. Cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị cơ bản đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra và phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp lại tổ chức của các đơn vị nói trên vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Việc sắp xếp các đơn vị trường học gặp nhiều khó khăn do đặc thù về vị trí địa lý, phân bổ dân số, dân tộc của tỉnh. Một số quy định của Trung ương chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp còn thấp và không ổn định. Các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ phụ thuộc nhiều vào nhiệm vụ theo đơn đặt hàng của Nhà nước; chưa có cơ chế khuyến khích đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao hơn…

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong thời gian tới cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong tập thể công chức, viên chức, người lao động về Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hai là, xây dựng và ban hành Kế hoạch tinh giản biên chế sự nghiệp giai đoạn 2022 – 2026 gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và tăng dần mức độ tự chủ tài chính. Tiếp tục phê duyệt và triển khai thực hiện các Đề án sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng mức độ tự chủ của các ĐVSNCL theo đúng quy định và lộ trình đã đề ra. Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương đang thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO