Công tác tuyển dụng công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể, từ thực tiễn tỉnh Bình Thuận

Từ năm 2015 đến nay, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tuyển dụngtỉnh Bình Thuận đã tổ chức 04 kỳ thi tuyển công chức và 02 kỳ xét tuyển viên chức để tuyển dụng 203 công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Công tác tuyển dụng - khâu quan trọng trong công tác cán bộ - đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện quy định tại Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW, ngày 04/8/2015 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng“về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận không phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức cho các cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy; cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh. Từ đó, hạn chế xảy ra các sai sót trong tuyển dụng công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể.

Kết quả triển khai thực hiện công tác tuyển dụng

Hàng năm trước khi thực hiện tuyển dụng công chức, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp, xác định rõ các điều kiện về chuyên ngành đào tạo, phẩm chất, kỹ năng, kinh nghiệm,… bảo đảm tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, ngạch công chức theo vị trí dự tuyển, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định và ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức, thông báo công khai kế hoạch tuyển dụng trước khi thực hiện tuyển dụng trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày.

Từ ngày 31/8/2015 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức 04 kỳ thi tuyển công chức vào các năm 2017, 2018, 2020, 2022 và 02 kỳ xét tuyển viên chức để tuyển dụng 203 công chức, viên chức. Trong đó, đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức 02 kỳ tuyển dụng công chức chung cho khối Đảng và khối Nhà nước vào năm 2020 (tuyển dụng 26 người) và năm 2022 (tuyển dụng 21 người). Công tác phối hợp tổ chức tuyển dụng bảo đảm tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tuyển dụng, đồng thời giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí so với tổ chức thi riêng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác tuyển dụng

Song song với việc bảo đảm tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tuyển dụng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.

Trong các năm 2017, 2018, 2020, Trung ương đã thành lập 03 đoàn kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, công tác tuyển dụng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Tại địa phương, liên tục từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về tuyển dụng; coi trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm và phòng, chống tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

Đánh giá chung

Nhìn chung, công tác tuyển dụng công chức, viên chức luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tuyển dụng.

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng liên tục được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh (trong 02 năm 2018 - 2020, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành 03 Nghị định: số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020, theo đó Bộ Nội vụ cũng sửa đổi, bổ sung, ban hành 02 Thông tư hướng dẫn: số 03/2019/TT-BNV, ngày 14/5/2019; Thông tư số 06/2020/TT-BNV, ngày 02/12/2020). Mặc dù vậy Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW, ngày 04/8/2015 của Ban Tổ chức Trung ương vẫn giữ nguyên từ năm 2015 đến nay. Bên cạnh đó, một số nội dung theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương và quy định của Chính phủ còn chưa thống nhất, đồng bộ, liên thông gây nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác tuyển dụng công chức, viên chức tại địa phương.

Một số đề xuất, kiến nghị

Từ thực tiễn công tác tuyển dụng công chức viên chức khối Đảng, đoàn thể, tỉnh Bình Thuận đã đề xuất, kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương một số nội dung cụ thể như sau:

Một là, đề nghị xem xét, điều chỉnh điều kiện đăng ký dự tuyển tại Hướng dẫn số 37- HD/BTCTW để đảm bảo công bằng, giúp cho các đối tượng đăng ký dự tuyển có nhiều sự lựa chọn vị trí đăng ký dự tuyển (đối với người đăng ký dự tuyển vào các vị trí việc làm là công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, huyện, thị, thành ủy: đề nghị bỏ quy định phải là đảng viên; đối với người đăng ký dự tuyển vào các vị trí công chức trong cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: đề nghị bỏ quy định thêm một số điều kiện của ngành (trừ quy định thêm điều kiện về độ tuổi tối đa để phù hợp với Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh)).

Hai là, xem xét, phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng được thực hiện việc tuyển dụng viên chức để đảm bảo thống nhất giữa khối Đảng và khối Nhà nước và theo đúng Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền trong tuyển dụng công chức, viên chức, trong đó cần gắn với điều kiện, đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Ba là, xây dựng ngân hàng đề thi để áp dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương và xem xét bỏ quy định thi môn ngoại ngữ và môn tin học, vì tiêu chuẩn ngạch hiện nay không còn quy định chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học.

Bốn là, sớm ban hành Danh mục hệ thống vị trí việc làm trong toàn hệ thống chính trị để làm căn cứ thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức. Đồng thời chỉ đạo các Bộ quản lý chuyên ngành sớm điều chỉnh đối với một số ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức còn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện thống nhất./.


Các tin khác

QUẢNG CÁO