Đánh giá tổng kết 05 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (2011 – 2015)

 Trên cơ sở quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/02/2009 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”, trong những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, chi tiết về số lượng, kinh phí đào tạo, đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2015, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh cơ bản được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo quy định.

   Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã có 47.896 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp đại học, sau đại học, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các lớp bồi dưỡng trong và ngoài nước do Trung ương và địa phương tổ chức, cụ thể như sau:

   Đào tạo đại học: Đã phối hợp với các trường đại học như Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lâm nghiệp cơ sở II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo đại học các chuyên ngành như Y – Dược, Luật, Xã hội học, Kinh tế Nông nghiệp cho 460 cán bộ, công chức, viên chức.

   Đào tạo sau đại học: Đã cử 247 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành mà tỉnh đang cần và thiếu như: y – dược, nông – lâm nghiệp, quy hoạch – kiến trúc, quản lý đô thị, phát triển du lịch, thương mại quốc tế, giảng viên của các trường chuyên nghiệp.

   Đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính: Đã cử 162 cán bộ, công chức, viên chức học tại Học viện Chính trị Khu vực II (thành phố Hồ Chí Minh) và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (thành phố Hà Nội). Bên cạnh đó, đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III (thành phố Đà Nẵng) và Học viện Chính trị khu vực II (thành phố Hồ Chí Minh) mở 04 lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tại chức cho 423 cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh.

   Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính: Đã mở 09 lớp hệ đào tạo tập trung tại Trường Chính trị tỉnh cho 640 học viên và mở mới 21 lớp đào tạo hệ tại chức cho 2.394 học viên của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

    Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng: Đã cử 721 cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng (gồm: công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, văn phòng cấp ủy), trong đó, có 189 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ là trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương.

   Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể chính trị – xã hội: Đã tổ chức 26 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể chính trị cho 2.910 cán bộ; trong đó, có 2.377 cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể, 472 cán bộ làm công tác quản lý hành chính nhà nước, 61 cán bộ lực lượng vũ trang.

   Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, kỹ năng xử lý tình huống: Đã tổ chức 28 lớp bồi dưỡng cho 2.698 cán bộ, công chức và một số chức danh không chuyên trách cấp xã; trong đó, có 1.347 cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể; 971 cán bộ làm công tác quản lý hành chính nhà nước và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và 380 cán bộ lực lượng vũ trang.

   Công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên: Năm 2014 và năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức 173 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 22.005 cán bộ, đảng viên thuộc 03 đối tượng;

   Công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (QLNN): Đã tổ chức 32 lớp bồi dưỡng về kiến thức QLNN cho 3.074 cán bộ (trong đó, có 54 cán bộ lãnh đạo, quản lý; 834 cán bộ làm công tác quản lý hành chính nhà nước).

   Bồi dưỡng theo vị trí việc làm: Đã có 4.460 lượt công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm đang đảm nhiệm và có 4.899 lượt cán bộ cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố được bồi dưỡng nghiệp vụ khác.

   Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý: Năm 2011 và năm 2015, đã có 298 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng (trong đó, có 255 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và 43 cán bộ cấp huyện).

   Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh: Đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 1.423 cán bộ thuộc đối tượng 3; 234 cán bộ thuộc đối tượng 2; 10 cán bộ thuộc đối tượng 1 đang làm công tác đảng, đoàn thể và quản lý hành chính nhà nước.

   Công tác bồi dưỡng học tập kinh nghiệm nước ngoài: Đã cử đi đào tạo, tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho 1.464 lượt cán bộ và cán bộ dự nguồn, trong đó chủ yếu cho đội ngũ công chức hành chính các ngạch chuyên viên chính trở lên, công chức lãnh đạo, quản lý. Nội dung tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực; xây dựng, hoạch định chính sách; tổ chức điều hành nền hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế.

   Bên cạnh việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng các lớp ngắn hạn tại nước ngoài, để xây dựng đội ngũ công chức lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành và công chức dự nguồn, cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ ở nước ngoài bằng ngân sách tỉnh (gọi tắt là Đề án 100), từ năm 2007 - 2015 ngoài các ứng viên học tập không đạt yêu cầu phải đưa ra khỏi Đề án và các ứng viên đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ ở nước ngoài nhưng xin ra khỏi Đề án thì đến tháng 10/2015, có 30 ứng viên (03 Tiến sĩ, 27 Thạc sĩ) tham gia Đề án 100. Trong đó, có 29 ứng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo (03 Tiến sĩ, 26 Thạc sĩ) được bố trí công tác phù hợp; hiện còn 01 Thạc sĩ đang học ở nước ngoài.

   Ngoài việc chủ động triển khai thực hiện Đề án 100 của tỉnh; địa phương đã tích cực chọn cử các ứng viên để tham gia Đề án 165 của Trung ương. Từ 2011 đến 2015, tổng số cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 165 là 45 người, trong đó có 07 người được đào tạo thạc sỹ, 35 người bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài và 03 người bồi dưỡng ngoại ngữ.

   Có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong 05 năm từ 2011 đến 2015 đạt được nhiều thành quả đáng kể hơn so với 05 năm trước (2006 - 2010). Nổi rõ là công tác đào tạo đại học, sau đại học được chú trọng; đào tạo lý luận chính trị tăng cả về số lượng lẫn chất lượng (đào tạo cao cấp lý luận chính trị tăng 21,87%, đào tạo trung cấp lý luận chính trị tăng 32,19%). Công tác bồi dưỡng đa dạng hơn theo hướng tập trung bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, kỹ năng xử lý tình huống, bồi dưỡng theo vị trí việc làm mà cán bộ, công chức, viên chức đang phụ trách. Từ thành quả đào tạo, bồi dưỡng trên, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; chất lượng, năng lực thực hiện nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước nâng cao góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay; số lượng cán bộ, công chức được cử đi đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ ở nước ngoài theo các Chương trình học bổng quốc tế ngày càng nhiều, số cán bộ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo chương trình liên kết quốc tế ngày càng tăng.

   Nhìn chung, trong 05 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức của tỉnh đạt được kết quả nêu trên là do sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác chọn cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng khá chặt chẽ, đồng bộ; các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, đồng thời ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các cơ sở đào tạo. Tỉnh đã chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trí thức trẻ; thực hiện chính sách thu hút sinh viên có trình độ sau đại học về giảng dạy tại các trường Cao đẳng của tỉnh; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

   Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch đào tạo đôi lúc chưa sát với thực tế, còn nhiều nội dung chưa cụ thể, một số kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, tin học, tiếng dân tộc chưa được chú trọng bồi dưỡng. Nội dung, chất lượng đào đạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh rất lớn trong khi kinh phí chi cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của địa phương còn khó khăn. Công tác bố trí cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo còn nhiều bất cập, không đạt hiệu quả do tình trạng bỏ việc sau đào tạo. Bên cạnh đó, kết quả đào tạo, bồi dưỡng chưa tương xứng với nhu cầu bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.

   Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tuy được quan tâm nhưng ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn; nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở một số lĩnh vực chưa gắn với yêu cầu công việc, thiếu định hướng, chậm đổi mới so với yêu cầu thực tiễn xã hội.

   Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

   Một là, chú ý hơn trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các cơ sở đào tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hai là, quan tâm nhiều hơn trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu hợp lý, thường xuyên bổ sung, cập nhật các kiến thức mới để nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cán bộ, giảng viên trẻ. Ba là, thực hiện kịp thời các chính sách hiện hành của tỉnh và các chính sách của Trung ương đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, ban hành một số chính sách mới để thu hút cán bộ và thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Bốn là, thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc bố trí công tác sau đào tạo cho hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo./.


Các tin khác

TÀI LIỆU