Mô hình hoạt động của chi bộ cơ quan cấp xã qua 5 năm thực hiện (2008 - 2012).

  • /
  • 9.8.2013 - 9:42

Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 15 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 10 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 127 cơ sở Đảng (gồm 124 đảng bộ cơ sở và 03 chi bộ cơ sở) xã, phường, thị trấn.

            Thực hiện chủ trương thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là chi bộ cơ quan cấp xã) theo Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW, ngày 10/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy triển khai việc thành lập chi bộ cơ quan cấp xã trực thuộc đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn với phương châm: Chỉ thành lập chi bộ cơ quan cấp xã nhưng không được giải thể các chi bộ thôn, khu phố hoặc chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; phải gắn với việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ thôn, khu phố và chi bộ quân sự cấp xã…. Qua 5 năm thực hiện đạt được:

Năm 2008, toàn đảng bộ tỉnh đã thành lập được 62 chi bộ cơ quan cấp xã trong tổng số 124 đảng bộ cấp xã, chiếm tỷ lệ 50%. Đến năm 2012, toàn tỉnh có 79 chi bộ cơ quan cấp xã, chiếm tỷ lệ 63,71%; Cơ cấu đảng viên, chế độ sinh hoạt của các chi bộ cơ quan cấp xã được thành lập đều thực hiện theo đúng Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Cấp uỷ có từ 03 - 05 đồng chí, trong đó bí thư chi bộ đều là ủy viên ban thường vụ đảng ủy hoặc phó bí thư đảng ủy cấp xã trực tiếp đảm nhiệm. Quy chế làm việc được xây dựng và cụ thể hoá theo đúng Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX).

Trong quá trình hoạt động của chi bộ cơ quan cấp xã đã góp phần tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, việc triển khai, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quan tâm đẩy mạnh; kịp thời chấn chỉnh khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, nâng cao trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt định kỳ được duy trì thường xuyên gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới; nghị quyết được cụ thể hoá bằng văn bản, các hoạt động của chi bộ, chi uỷ và đảng viên theo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, đơn vị, cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; các tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong cơ quan cấp xã hoạt động tích cực hơn, góp phần phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn để giới thiệu chi bộ xem xét kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng.

Qua kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng hàng năm, số chi bộ cơ quan cấp xã đạt “Trong sạch, vững mạnh”“Hoàn thành tốt nhiệm vụ” bình quân đạt 69,5%. Phần lớn chi bộ cơ quan cấp xã thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thể hiện vai trò hạt nhân chính trị trong cơ quan cấp xã, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: Một số nơi bố trí cơ cấu đảng viên sinh hoạt ở chi bộ cơ quan cấp xã chưa hợp lý, chưa đúng theo hướng dẫn của cấp trên; việc xác định nội dung lãnh đạo của chi bộ còn lúng túng, còn nhầm lẫn trùng lắp giữa chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy cấp xã với nhiệm vụ của chính quyền; các đồng chí bí thư chi bộ cơ quan cấp xã đều là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp xã, do công việc chuyên môn lại kiêm nhiệm nhiều chức danh nên việc đầu tư, dồn sức tập trung chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng của chi bộ cơ quan cấp xã còn ít; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ cơ quan cấp xã nhiều nơi còn lúng túng, việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ vẫn còn hạn chế, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao; việc nắm bắt tình hình ở địa bàn dân cư của đảng viên chi bộ cơ quan cấp xã ở một số nơi chưa sâu sát.

Nguyên nhân là do: Một số cấp ủy xã, phường, thị trấn chưa nắm vững nội dung hướng dẫn của cấp trên; chưa thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của chi bộ cơ quan cấp xã; vai trò, trách nhiệm của một số bí thư chi bộ cơ quan cấp xã chưa được phát huy đúng mức.

           Từ thực tiễn trên cho thấy mô hình này đã có không ít ý kiến chưa đồng thuận và kiến nghị cấp ủy thẩm quyền không duy trì mô hình chi bộ cơ quan cấp xã hoặc nếu tồn tại mô hình chi bộ cơ quan cấp xã, nên chăng cần có những cuộc trao đổi, mạn đàm, hội thảo ở các cấp để có những định hướng, hướng dẫn thống nhất trong cả nước đối với hoạt động của mô hình chi bộ cơ quan cấp xã trong thời gian đến đạt hiệu quả tốt.

                                                                 Lê Thị Bảo Chi


  • |
  • 1534
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU