Kết quả 10 năm thực hiện công tác cán bộ nữ của tỉnh Bình Thuận

Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nhấn mạnh: “việc phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đạo hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Xác định tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận (khóa XI) đã ban hành Chương trình hành động số 08-NQ/TU ngày 14/8/2007 tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch và bố trí cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 08-NQ/TU, ngày 14/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận (khóa XI), các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm nhiều hơn đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện để đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động nữ phát huy tốt hơn vai trò và khả năng của mình trong xã hội.

Kết quả là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tham gia vào các cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đến nay, đa số các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh cơ bản đã có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ có nhiều tiến bộ và đạt được kết quả tích cực; qua đó, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ nữ nỗ lực rèn luyện phấn đấu, trưởng thành, đóng góp vào công việc chung ở từng cấp, từng ngành, địa phương. Bản thân nhiều cán bộ nữ cũng đã cố gắng, tích cực học tập, phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trong công tác và các hoạt động xã hội. Số lượng cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, HĐND các cấp, giữ các chức vụ chủ chốt ngày càng tăng, đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020 có 01 cán bộ nữ là người dân tộc tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; có 02 cán bộ nữ  là đại biểu Quốc hội, tăng 1 nữ so với nhiệm kỳ trước (đạt chỉ tiêu 01 – 02 đại biểu nữ theo Chương trình hành động số 08-NQ/TU, ngày 14/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận khóa XI). Cán bộ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh (khóa X) có 15.54 đại biểu, chiếm 27,78% (tăng 8,55% so với nhiệm kỳ trước); tham gia HĐND cấp huyện có 93 nữ/372 đại biểu, chiếm 25 % (tăng 4,9% so với nhiệm kỳ trước); tham gia HĐND cấp xã có 1.014 nữ/3.546 đại biểu, chiếm 28,6 % (tăng 4,83% so với nhiệm kỳ trước). Từ năm 2007 đến nay, đã có 61 cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được quan tâm hơn; tỷ lệ cán bộ nữ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ qua từng năm đều tăng; chất lượng đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng được nâng lên, phát huy tốt hơn phẩm chất, năng lực trên các lĩnh vực công tác. Cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó trưởng phòng các cấp hầu hết được đào tạo chuẩn hoá về chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ và được đào tạo từ trung cấp lí luận chính trị trở lên. 

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được thì sự chuyển biến trong công tác cán bộ nữ ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa mạnh mẽ; việc quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ đối vào các chức danh lãnh đạo tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn gặp phải khó khăn nhất định, một số nơi, tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo cấp huyện, các sở, ngành và cán bộ chủ chốt cơ sở tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, một số cán bộ nữ được quy hoạch nhưng khi cần bổ nhiệm lại không đáp ứng được yêu cầu, nhất là về năng lực thực tiễn. Tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ các cương vị chủ chốt trong cấp ủy đảng, HĐND và UBND các cấp, cũng như các ngành tuy có tăng so với trước nhưng vẫn còn thấp, một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chưa có cán bộ nữ tham gia trong thành viên Ban lãnh đạo; chưa có cán bộ nữ trong thường trực HĐND, UBND tỉnh; cán bộ tham gia ban thường vụ cấp ủy cấp huyện còn rất ít; số lượng cán bộ nữ được luân chuyển còn rất ít so với lượt cán bộ được điều động, bố trí, sắp xếp. Một bộ phận cán bộ nữ năng lực thực tiễn, khả năng vận dụng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế so với yêu cầu, thiếu phấn đấu vươn lên; vẫn còn tư tưởng kèn cựa, cản trở hoặc níu kéo lẫn nhau trong một bộ phận chị em.

* Nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế là do:

- Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế.

- Một số cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện đầy đủ công tác cán bộ nữ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ, còn có biểu hiện “khoán trắng” công tác phụ nữ cho hội phụ nữ.

- Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên. Trong nội bộ phụ nữ còn có tình trạng níu kéo, chưa ủng hộ nhau.

Để xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ từ nay đến năm 2020, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất là, quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác cán bộ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả công tác cán bộ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Thứ hai là, phát huy vai trò nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc tham mưu và đề xuất thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ nữ; tăng cường giáo dục khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ. Thứ ba là, có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức là nữ; chính sách trong bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ để từng bước tăng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Thứ tư là, có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tạo vị thế cho cán bộ nữ theo một lộ trình phù hợp để giới thiệu bầu vào cấp ủy hoặc nếu chưa bầu vào được cấp ủy tại đại hội thì để khuyết một số vị trí, đầu mỗi nhiệm kỳ phải có giải pháp cụ thể bố trí vào vị trí để đến giữa nhiệm kỳ có thể bổ sung cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo quy định của Trung ương. Thứ năm là, có cơ chế để phát hiện, động viên, khuyến khích, bố trí sử dụng cán bộ nữ, phát huy năng lực, sở trường trong công tác; trên cơ sở xây dựng được tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý.  


Các tin khác

TÀI LIỆU