Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bình Thuận

 I . Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng

1. Chức năng: Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ là phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, có chức năng tham mưu cho Trưởng ban mà trực tiếp và thường xuyên là phó trưởng ban phụ trách về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

2. Nhiệm vụ

- Nghiên cứu đề xuất với Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban phụ trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ (sau đây gọi chung là lãnh đạo Ban) về nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác và thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên theo phân công, phân cấp quản lý hiện hành; tình hình thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ chính trị nội bộ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với các cơ quan liên quan.

- Giúp lãnh đạo Ban hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, các quyết định, kết luận của cấp trên về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề; giải quyết hoặc phối hợp giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Giúp lãnh đạo Ban thẩm định, thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị cán bộ được quy hoạch theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Tham mưu, đề xuất ý kiến với lãnh đạo Ban những vấn đề cần xem xét về chính trị (bao gồm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay); có kế hoạch thẩm tra, xác minh, kết luận, đề xuất xử lý, sử dụng, bố trí đối với cán bộ, đảng viên theo phân cấp quản lý cán bộ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

- Thu thập thông tin, quản lý và khai thác hồ sơ, tài liệu về chính trị nội bộ; nghiên cứu tổng hợp, phân tích tình hình, đề xuất với lãnh đạo Ban các kế hoạch để thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Thực hiện một số công việc khác do lãnh đạo Ban phân công.

3. Quyền hạn

- Thông qua lãnh đạo Ban hoặc trực tiếp yêu cầu (khi được lãnh đạo Ban ủy quyền) các cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ lý lịch và các vấn đề có liên quan để phục vụ cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chuyên viên được dự các hội nghị của Tỉnh ủy để quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng đảng (khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy); chuyên viên được dự hội nghị của các cấp uỷ và tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy bàn công việc có liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Được lãnh đạo Ban cung cấp thông tin về tình hình công tác tổ chức xây dựng đảng; công tác tổ chức cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên viên hoàn thành nhiệm vụ.

II. Nhiệm vụ của lãnh đạo và chuyên viên thuộc phòng

* Lãnh đạo phòng

Có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của phòng theo nội quy, quy định, quy chế làm việc của Ban và phối hợp với các phòng thuộc Ban thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do lãnh đạo Ban giao; nắm chắc tình hình công tác của phòng để báo cáo và tham mưu, đề xuất giúp lãnh đạo ban sơ kết, tổng kết, đề ra phương hướng, nhiệm vụ về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và các chuyên đề có liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

* Trưởng phòng phụ trách chung, phụ trách công tác hồ sơ bảo vệ chính trị nội bộ và công tác tổng hợp. Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ban về thực hiện các nhiệm vụ của phòng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong phòng để thực hiện chương trình công tác do lãnh đạo Ban giao; đồng thời trực tiếp phụ trách từ 2 đến 3 đảng bộ trực thuộc tỉnh và một số chuyên đề về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất.

* Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng thực hiện nhiệm vụ được phân công, trực tiếp phụ trách từ 2 đến 3 đảng bộ trực thuộc Tỉnh; đồng thời theo dõi các chuyên đề: Nắm tình hình chính trị nội bộ; thẩm định, thẩm tra xác minh; khai thác hồ sơ; theo dõi Quy chế phối hợp của Ban với các đơn vị liên quan; tình hình công tác dân tộc và tôn giáo có liên quan đến chính trị nội bộ; theo dõi đảng viên có liên quan đến tổ chức và cá nhân người nước ngoài.

* Nhiệm vụ của chuyên viên:

- Nghiên cứu, nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, quy định và hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác bảo vệ chính trị nội bộ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Nắm tình hình chính trị nội bộ và việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, các quy định về lĩnh vực công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở đảng bộ được phân công.

- Nghiên cứu, lập chương trình, kế hoạch tiến hành thẩm tra, xác minh, báo cáo kết quả những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan về lịch sử chính trị đối với những cán bộ, đảng viên do lãnh đạo Ban và phòng phân công.

- Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo công tâm, khách quan, thận trọng, chính xác; đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp công tác bảo vệ chính trị nội bộ giữa ban với các cơ quan có liên quan; thực hiện tốt công tác khai thác và quản lý hồ sơ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ thuộc địa bàn và chuyên đề phụ trách.

- Các chuyên viên được phân công trực tiếp phụ trách 2 - 3 đảng bộ trực thuộc tỉnh và một số chuyên đề về lĩnh vực bảo vệ chính trị nội bộ.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do lãnh đạo Ban giao.

* Quyền hạn của chuyên viên

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, từng chuyên viên chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, đề xuất biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả.

III. Lề lối làm việc của phòng và các chuyên viên

* Đối với phòng:

- Phòng bảo vệ chính trị nội bộ làm việc theo chế độ Trưởng phòng phụ trách; khi cần thiết từng chuyên viên có thể làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ban, sau đó báo cáo lại để Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng biết. Trường hợp Trưởng phòng vắng mặt, một Phó Trưởng phòng được uỷ quyền phụ trách công việc của phòng.

- Thực hiện chế độ họp phòng theo định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng, năm để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác chuyên môn, bàn công tác thời gian tới và phổ biến các chủ trương, chương trình, kế hoạch công tác của lãnh đạo Ban.

- Các văn bản do chuyên viên tham mưu soạn thảo, đều phải thông qua Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng (khi Trưởng phòng vắng mặt) trước khi trình lãnh đạo Ban.

- Các báo cáo chuyên đề, các vụ việc phức tạp cần phải được bàn bạc xem xét thống nhất trong tập thể lãnh đạo phòng trước khi trình lãnh đạo Ban xem xét, quyết định.

* Đối với chuyên viên:

- Hàng tuần, tháng các chuyên viên căn cứ vào chương trình công tác của phòng và nhiệm vụ được giao, đề ra và thực hiện chương trình công tác cụ thể của mình. Kịp thời báo cáo lãnh đạo phòng những khó khăn, vướng mắc, để xin ý kiến lãnh đạo Ban, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt hiệu quả cao.

- Phối hợp chặt chẽ với các chuyên viên trong phòng và trong cơ quan để nắm chắc tình hình công tác tổ chức xây dựng đảng và công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở địa phương và ngành được phân công phụ trách; ngoài thời gian đi công tác, cần sắp xếp thời gian khoa học để nghiên cứu tổng hợp các chuyên đề đã được phân công.

IV. Mối quan hệ công tác

* Đối với lãnh đạo Ban:

- Phòng chịu sự lãnh đạo toàn diện của lãnh đạo Ban về lĩnh vực công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Phòng có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ báo cáo công tác chuyên môn của phòng và chuyên viên hàng tháng, quý, sáu tháng, năm cho lãnh đạo Ban; đồng thời đề xuất với lãnh đạo Ban những vấn đề cần thiết để lãnh đạo Ban xem xét giải quyết nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của phòng và từng chuyên viên.

* Đối với các phòng chuyên môn của Ban và ban tổ chức các cấp ủy trực thuộc:

- Quan hệ với các phòng chuyên môn trong Ban là mối quan hệ phối hợp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của phòng và hỗ trợ cho các phòng khác thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của Ban.

- Quan hệ với các ban tổ chức cấp ủy trực thuộc là quan hệ phối hợp nhằm giúp lãnh đạo Ban phối hợp với Ban thường vụ cấp uỷ chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của phòng.

* Đối với phòng hồ sơ của Công an Tỉnh, Công an các tỉnh bạn và Bộ Công an:

Là mối quan hệ phối hợp để thực hiện việc nghiên cứu, khai thác và quản lý hồ sơ đúng theo quy định của ngành công an và yêu cầu của công tác bảo vệ chính trị nội bộ.


TIN MỚI NHẤT