Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Phòng Tổ chức và Cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận

 

I. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chức năng

Phòng Tổ chức và Cán bộ là phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ có chức năng tham mưu giúp Trưởng ban về tổ chức cán bộ, bộ máy, biên chế, tiền lương, quy hoạch, đào tạo, thực hiện chính sách cán bộ và quản lý hồ sơ cán bộ theo phân công phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy, cán bộ hiện hành.

2. Nhiệm vụ

* Nghiên cứu, đề xuất:

- Các chủ trương, chính sách và giải pháp về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ; chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các lĩnh vực nói trên.

- Các đề án về tổ chức, bộ máy, cán bộ; đề án quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thuộc thẩm quyền quyết định của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

- Quản lý, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, nhận xét đánh giá, khen thưởng, thực hiện chính sách cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

- Sơ kết, tổng kết các chuyên đề về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ.

* Thẩm định:

- Các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ của các đảng bộ trực thuộc, cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan trực thuộc Tỉnh uỷ trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

- Tham gia thẩm định các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức của Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, các sở, ban, ngành trong tỉnh theo phân cấp quản lý.

- Thẩm định và trình Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhân sự dự kiến bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

* Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các ban của Tỉnh ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức, cán bộ.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện các đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành đã được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nghiệp vụ công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ đối với cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc; việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ; công tác quản lý hồ sơ cán bộ theo quy định hiện hành

* Phối hợp:

- Giúp Trưởng ban trong việc phối hợp với các Ban của Tỉnh uỷ, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cấp uỷ trực thuộc tỉnh để triển khai các nghị quyết, quy định của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và công tác tổ chức và cán bộ trong phạm vi lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng.

- Phối hợp với phòng Cán bộ, công chức (Sở Nội vụ) tham mưu thể chế hoá các nghị quyết, quyết định của Đảng về tổ chức, cán bộ trong các cơ quan nhà nước.

- Phối hợp hướng dẫn xây dựng và kiểm tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện.

* Thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, tiền lương các cơ quan đảng, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh: Giúp Trưởng ban thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ được nêu tại tiết 5.1, 5.2, 5.3 điểm 5, Điều 2, Quy định số 2674 -QĐ/TU ngày 09/11/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

- Tham mưu, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vấn đề liên quan công tác tổ chức cán bộ, chính sách cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý.

- Thực hiện công tác thống kê cơ bản về tổ chức, cán bộ; chế độ báo cáo định kỳ, đột suất và báo cáo chuyên đề theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.

3. Quyền hạn

- Đề xuất với Trưởng ban những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Phòng và từng chuyên viên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

- Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên chính được dự các hội nghị của Tỉnh ủy để nghe truyền đạt các nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng đảng; chuyên viên được dự hội nghị của các cấp uỷ, các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh uỷ và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh bàn về công tác tổ chức và cán bộ có liên quan.

- Được Trưởng ban cung cấp thông tin, tình hình về công tác tổ chức và cán bộ có liên quan đến nhiệm vụ của Phòng và tạo điều kiện thuận lợi để Phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Khi có ý kiến đồng ý của Trưởng ban, được đề nghị các ban của Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và cá nhân cán bộ, đảng viên cung cấp thông tin, tình hình và hồ sơ cán bộ có liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và cán bộ.

II. Chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo và chuyên viên trong Phòng

* Trưởng phòng, Phó trưởng phòng:

- Có trách nhiệm quản lý, điều hành cán bộ, công chức trong phòng và phối hợp với các phòng khác thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Trưởng ban giao; nắm tình hình công tác trong phòng để báo cáo và tham mưu, đề xuất với Trưởng ban tại các cuộc họp giao ban nội bộ; trực tiếp viết các báo cáo sơ kết, tổng kết các chuyên đề theo chức năng, nhiệm vụ của phòng hoặc Trưởng ban giao.

- Có trách nhiệm quản lý, điều hành cán bộ, công chức trong Phòng thực hiện tốt các nội quy, qui định, qui chế làm việc của cơ quan.

* Trưởng phòng:

Phụ trách chung, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về thực hiện các nhiệm vụ của Phòng. Trực tiếp tham mưu và giúp Trưởng ban các lĩnh vực: Quản lý, tuyển chọn, đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt, luân chuyển, quy hoạch, đào tạo, thực hiện chính sách cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; theo dõi hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng; chuẩn bị các báo cáo tổng kết và báo cáo chuyên đề về công tác cán bộ.

* Phó Trưởng phòng:

- Phó Trưởng phòng phụ trách quy hoạch, đào tạo: Giúp Trưởng phòng trực tiếp tham mưu về lĩnh vực quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cử cán bộ, công chức đi tham quan, học tập, công tác ở nước ngoài; quản lý hồ sơ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; chuẩn bị các báo cáo sơ kết, tổng kết và báo cáo chuyên đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng đồng thời liên đới cùng với Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về lĩnh vực được phân công phụ trách

- Phó Trưởng phòng phụ trách tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương và chính sách cán bộ: Giúp Trưởng phòng trực tiếp tham mưu về lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế và tiền lương đối với cán bộ, công chức; chính sách đối với người có công; chuẩn bị các báo cáo sơ kết, tổng kết và báo cáo chuyên đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng đồng thời liên đới cùng với Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về lĩnh vực được phân công phụ trách.

* Chuyên viên thực hiện công tác tổ chức bộ máy, biên chế và tiền lương: Trực tiếp theo dõi, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, biên chế và tiền lương đối với cán bộ, công chức; tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức bộ máy, biên chế và tiền lương theo yêu cầu của Lãnh đạo Phòng và Lãnh đạo Ban.

* Chuyên viên thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Trực tiếp theo dõi, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tham mưu, đề xuất cử cán bộ, công chức đi tham quan, học tập, công tác ở nước ngoài; tổng hợp báo cáo chuyên đề thuộc lĩnh vực theo dõi.

* Chuyên viên (hoặc cán sự) thực hiện chính sách cán bộ: Trực tiếp theo dõi, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về chính sách cán bộ, theo dõi, phối hợp giải quyết các chính sách ưu đãi người có công, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, công tác khen thưởng huân chương bậc cao, kỷ niệm chương đối với cán bộ, tổng hợp số liệu và tình hình thực hiện các công tác thuộc lĩnh vực được phân công.

* Chuyên viên (hoặc cán sự) quản lý hồ sơ cán bộ: Trực tiếp theo dõi, cập nhật và quản lý hồ sơ cán bộ; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức các cơ quan đảng, đoàn thể, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

III. Lề lối làm việc

* Đối với Phòng:

- Phòng Tổ chức và Cán bộ làm việc theo chế độ Trưởng phòng phụ trách, khi cần thiết thì làm việc trực tiếp với Trưởng ban, sau đó báo cáo lại Trưởng phòng biết để quản lý. Trường hợp Trưởng phòng vắng, một phó trưởng phòng được uỷ quyền thay mặt quản lý hành chính của phòng.

- Phòng Tổ chức và Cán bộ làm việc theo chương trình, kế hoạch công tác hàng tuần, tháng, quý, năm theo chương trình và kế hoạch công tác của Ban. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, sinh hoạt phòng để phản ảnh tình hình, kiểm điểm công tác chuyên môn và phổ biến các chủ trương, kế hoạch công tác của Ban.

- Các báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, tổng kết các chuyên đề về công tác tổ chức và cán bộ được giao cho Phòng chuẩn bị, trước khi trình Trưởng ban được thông qua tập thể lãnh đạo Phòng để tham gia ý kiến.

- Các văn bản do các chuyên viên (hoặc cán sự) soạn thảo đều phải thông qua phó trưởng phòng trực tiếp phụ trách (hoặc trưởng phòng nếu phó trưởng phòng phụ trách đi vắng) trước khi chuyển Văn phòng Ban thẩm định và trình lãnh đạo Ban ký ban hành.

* Đối với chuyên viên, cán sự (bao gồm cả Trưởng phòng và Phó trưởng phòng):

- Hàng tuần, hàng tháng các chuyên viên, cán sự căn cứ kế hoạch công tác của phòng để xây dựng, chủ động thực hiện kế hoạch công tác và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp chặt chẽ với các chuyên viên, cán sự trong Phòng và chuyên viên, cán sự của các Phòng khác trong Ban để nắm chắc tình hình liên quan, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

IV. Mối quan hệ công tác

* Đối với lãnh đạo Ban:

- Phòng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tập thể lãnh đạo Ban mà trực tiếp và thường xuyên là Trưởng ban và Phó Trưởng ban phụ trách.

- Định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Phòng thực hiện chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban và Phó Trưởng ban phụ trách Phòng về những nhiệm vụ được giao.

* Đối với các phòng chuyên môn và Văn phòng Ban:

Là mối quan hệ thường xuyên phối hợp, cộng tác chặt chẽ và trao đổi thông tin cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Phòng và của Ban.

* Đối với ban tổ chức các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và phòng tổ chức, cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh:

- Là mối quan hệ phối hợp, cộng tác chặt chẽ và trao đổi thông tin cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, quy chế, quy định, các chế độ, chính sách... của Trung ương và của Tỉnh ủy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tổ chức và Cán bộ.


TIN MỚI NHẤT