Trước yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, nhằm khắc phục thực trạng cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ; tỉnh Bình Thuận đã thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy, nhất thể hóa các chức danh phòng, ban. Đó là, thí điểm Trung tâm Hành chính công tỉnh; hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, thành lập Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban của Tỉnh ủy; đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Trường Chính trị tỉnh và Báo Bình Thuận; hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở những nơi có điều kiện tại huyện Đức Linh và Phú Quý; bố trí Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện tại 2 địa phương Đức Linh và Phú Quý. Thí điểm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện,...
Một số kết quả quan trọng
Mô hình thí điểm Trung tâm Hành chính công tỉnh được UBND tỉnh thành lập vào cuối năm 2017 và đi vào hoạt động đến nay phát huy kết quả. Số lượng hồ sơ đã xử lý và trả kết quả trên 180.000 hồ sơ, chiếm tỷ hơn 98%; số hồ sơ trả đúng và sớm hẹn chiếm tỷ lệ trên 97,5%; mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân chiếm tỷ lệ 93,6%. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động đã góp phần làm chuyển biến tích cực các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh.
Mô hình hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, thành lập Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đến nay hoạt động ổn định, cơ cấu tổ chức bên trong phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; một số tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể được sắp xếp, chuyển giao cho các huyện, thị, thành ủy quản lý phù hợp, hiệu quả; nổi bật là đã giảm 1 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 6 đầu mối bên trong, 2 Phó Bí thư Đảng ủy, 6 cấp trưởng và 6 cấp phó của các đầu mối trực thuộc, tinh giản được 11 biên chế và 2 hợp đồng..., từ đó đã góp phần giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách hàng tỉ đồng.
Mô hình hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện tại huyện Phú Quý và Đức Linh và mô hình tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Quý đã góp phần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy các phòng chuyên môn, phù hợp với quy mô quản lý nhà nước, khối lượng nhiệm vụ; từ đó đã giảm 7 phòng và tiết kiệm kinh phí hoạt động, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phòng làm việc, trang thiết bị; đội ngũ cán bộ, công chức và người làm việc được bố trí lại phù hợp, nâng cao năng lực, trình độ, tiết kiệm nhân lực và biên chế.
Qua 3 năm triển khai thực hiện thí điểm về mô hình tổ chức và nhất thể hóa chức danh, với quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh Bình Thuận đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Sau đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy đã tinh gọn hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Công tác quản lý, điều hành dần đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, thông qua triển khai thí điểm mô hình tổ chức mới, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị đã khoa học, gọn gàng hơn, giảm nhiều đầu mối trực thuộc, khắc phục được sự chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ giữa các phòng, ban, đơn vị. Đối với cấp tỉnh đã giảm 52 đầu mối so với quy định của Trung ương, giảm 30 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, giảm 3 chi cục và giảm được 41 cấp phó phòng so với trước khi sắp xếp. Đối với cấp huyện, giảm 17 phòng chuyên môn, giảm 78 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 477 biên chế hành chính và 710 biên chế khối sự nghiệp.
Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đang mang lại ý nghĩa hết sức tích cực. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tuy có tinh gọn về đầu mối, cơ bản khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhưng hiệu quả hoạt động nâng lên chưa nhiều; việc hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền, đoàn thể có chức năng tương đồng còn gặp khó khăn; mặt khác, việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc mới, khó, chưa có quy định cụ thể về loại hình tổ chức, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế làm việc, nhất là cơ chế vận hành, chế độ chính sách, tính đồng bộ liên thông của các cơ quan, đơn vị sau khi hợp nhất...
|
Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Tiếp nối những kết quả đạt được và thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới, cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy.
Hai là, tiếp tục bám sát kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để triển khai, thực hiện phù hợp; việc nào đã rõ, bảo đảm đủ điều kiện, quy định thì chủ động đề xuất và thực hiện dứt điểm, đồng bộ; việc nào chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu để triển khai thực hiện theo lộ trình, bước đi phù hợp. Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách phù hợp, không tinh giản bộ máy một cách cứng nhắc, máy móc.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng giảm đầu mối trực thuộc, giảm tối đa cấp trung gian, giảm số lượng cấp phó và tinh giản biên chế theo đúng lộ trình. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa bàn; trong đó, chú trọng lĩnh vực giáo dục, y tế.
Năm là, các địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tinh giản biên chế bảo đảm chặt chẽ, có hiệu quả gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện hệ thống danh mục, vị trí việc làm, khung năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Sáu là, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Lấy kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế làm tiêu chí để đánh giá, xác định vị trí công tác của người đứng đầu cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị.
Chúng ta tin tưởng rằng, với tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị, địa phương việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chắc chắn sẽ đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.