Một năm thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở Bình Thuận

  • /
  • 30.8.2010 - 0:0

Bình Thuận triển khai thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã từ tháng 7/2009 ở 6 địa phương: thị trấn Lương Sơn huyện Bắc Bình, xã Hàm Hiệp huyện Hàm Thuận Bắc, xã Tân Lập huyện Hàm Thuận Nam, thị trấn Tân Minh huyện Hàm Tân, xã Tân Hải thị xã La Gi, xã Đức Hạnh huyện Đức Linh

Theo quan điểm của lý thuyết hệ thống thì khi một phần tử trong hệ thống thay đổi thì hệ thống sẽ có những thay đổi theo. Mô hình thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở Bình Thuận sau một năm triển khai thực hiện đã có những thay đổi về mọi mặt ở địa phương triển khai thực hiện. 

 

Từ thực tế, nét nổi bật của mô hình này đó là vai trò của người đứng đầu đảng bộ và chính quyền địa phương được nâng cao và phát huy đúng mức. Tạo được sự thống nhất, tập trung trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ, địa phương. Trách nhiệm, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, của các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch UBND được nâng lên rõ nét. Hoạt động của cả hệ thống chính trị ở địa phương chuyển biến tích cực hơn. Việc lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết các công việc của địa phương có liên quan đến tổ chức đảng, Mặt trận và các đoàn thể nhanh chóng hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của bộ máy, điều hành bộ máy chính quyền thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, xử lý những tình huống phát sinh ở địa phương kịp thời. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở các địa phương thực hiện thí điểm tiếp tục đạt kết quả khá tốt. Việc bố trí, kiện toàn đủ 2 đồng chí phó bí thư đảng ủy, các phó chủ tịch UBND xã, thị trấn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh đã tạo điều kiện thuận lợi quan trọng để đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được sự đồng tình, thống nhất trong hệ thống chính trị và nhân dân địa phương.

 

Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề cần quan tâm khi triển khai trên diện rộng. Người đứng đầu vừa lãnh đạo, vừa điều hành, vừa phải tham dự các cuộc họp của cấp trên và chủ trì các cuộc họp của đảng bộ, địa phương nên ít có thời gian nắm bắt tình hình các mặt trong đảng bộ, từ đó đề ra các chủ trương, biện pháp xây dựng đảng bộ, địa phương vững mạnh. Có dấu hiệu tập trung phần lớn thời gian cho các công việc của chính quyền, có nơi ít giành thời gian để quan tâm cho công tác xây dựng đảng, công tác vận động quần chúng ở địa phương. Việc phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy viên, nhất là các đồng chí phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch UBND thể hiện trong quy chế làm việc và cả trong thực tiễn còn lúng túng, chưa hợp lý, nên xảy ra tình trạng dồn việc cho người đứng đầu.

 

Nguyên nhân chính, vì đây là mô hình tổ chức mới nhưng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu, của các đồng chí phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch UBND, các thành viên UBND cấp xã chưa được quy định, hướng dẫn một cách cụ thể, phù hợp. Đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã đang trong thời gian đi đào tạo khá nhiều, nhất là các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch UBND và các chức danh chuyên trách, trong khi đó, nhiệm vụ của người đứng đầu cũng tăng thêm, nên ảnh hưởng không ít đến chất lượng và hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Người đứng đầu địa phương phải họp nhiều, nhất là các cuộc họp, hội nghị ở cấp huyện thường mời đích danh đồng chí bí thư hoặc đồng chí chủ tịch UBND xã, thị trấn.  

 

Quay trở lại lý thuyết hệ thống đồng thời cũng từ thực tiễn một năm triển khai thực hiện, chúng ta cần làm một số việc để hệ thống vận hành nhịp nhàng hơn với mô hình mới: 

Thứ nhất, tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của đảng ủy, quy chế làm việc của UBND xã, thị trấn theo hướng cụ thể, rõ ràng, tránh quy định chung chung, trong đó xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của người đứng đầu phù hợp với tình hình thực tế của đảng bộ.

 

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn các chức danh phó bí thư, phó chủ tịch UBND, hướng dẫn cụ thể về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh này. Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, cũng như các quy định, quy chế trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong đảng ủy.

 

Thứ ba, đồng chí được bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND phải có trình độ đại học về chuyên môn nghiệp vụ, trung cấp lý luận chính trị – hành chính trở lên, được bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng, công tác vận động quần chúng. Có năng lực, phẩm chất và uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phong cách làm việc khoa học, dân chủ, đoàn kết, quy tụ được cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải linh hoạt, uyển chuyển các vai của mình trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ trong hệ thống đủ chuẩn theo yêu cầu, đủ sức giúp việc cho người đứng đầu.

 

Thứ tư, tổ chức đảng ở cấp xã phải đoàn kết, thống nhất, phải thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.

 

Thứ năm, phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát tại chỗ người đứng đầu để phòng ngừa hiện tượng gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc.

 

Thứ sáu, nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức bồi dưỡng về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ đối với chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND và chức danh phó bí thư thường trực cấp ủy cấp để có bước chuẩn bị về con người khi nhân rộng mô hình này.

 

Thứ bảy, có chính sách đãi ngộ phù hợp với chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và các chức danh cấp phó của cấp ủy, UBND ở những nơi thực hiện thí điểm.

                                                                                                           

Nguyễn Trung Hiếu

 


  • |
  • 1281
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU